"Mê hoặc văn chương" với "mặt nạ tác giả"

10/12/2009 18:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Dư luận người Việt đang khá nóng với vụ việc được gọi là scandal (bê bối) về tác giả của cuốn tiểu thuyết Ngựa trắng rồng vàng liên qua đến cộng đồng người Việt ở Czech. Sau khi biết rõ sự thật: tác giả thật sự của tiểu thuyết ấy không phải là một cô gái Việt 19 tuổi tên là Phạm Thị Lan mà là một nhà văn bản địa Czech, không ít người tỏ ra thất vọng, thậm chí quay sang trách cứ nhà văn-tác giả thật của tác phẩm kia. Thế nhưng, phải nhận rằng việc này không hề mang dụng ý gì xấu. Vả chăng, nhân đây nên biết, loại hiện tượng này đã có từ rất lâu trong đời sống văn học.

1.Theo tôi biết, giới nghiên cứu văn học ở nước Nga từ lâu đã định danh hiện tượng này là “mê hoặc văn chương”.

Nói thật gọn, mê hoặc văn chương (MHVC) là khi cả một tác phẩm hoặc một số phần của tác phẩm được tác giả thực của nó đem gán cho một cá nhân giả nào đấy, thật hoặc bịa.


“Ngựa trắng rồng vàng” của một nam nhà văn Czech
được đội dưới cái tên Phạm Thị Lan


MHVC ngược với đạo văn (plagiat): kẻ đạo văn thì vay mượn (thực ra là chiếm đoạt) sáng tạo ngôn từ của người khác mà không viện dẫn tác giả, còn người mê hoặc thì ngược lại, gán sáng tạo ngôn từ của mình cho kẻ khác. ‘Đạo văn’ chung quy chỉ là một dạng trộm cắp, trước sau vẫn chỉ là loại hành vi xã hội (tiêu cực) chứ không thể có ý nghĩa thẩm mỹ, nội dung của nó là chiếm hữu thành quả sáng tạo của người khác, nó cần được xử lý bằng pháp luật và lên án bằng dư luận xã hội. ‘Mê hoặc’ khác xa với loại hành vi vụ lợi đơn thuần, nó tạo ra những hiệu ứng về văn hóa, thẩm mỹ khác thường, vì vậy đã từng được không ít nghệ sĩ theo đuổi, đồng thời cũng được giới nghiên cứu ghi nhận, tìm hiểu như một hiện tượng văn hóa thẩm mỹ. Các học giả Nga nêu ra một số ví dụ trong đời sống văn học châu Âu. Chẳng hạn, khoảng năm 1760-63, James Macpherson (1736-96) cho xuất bản những tác phẩm lãng mạn mà ông gán tên tác giả cho bard (ca nhân kiêm thi sĩ) Ossian, thuộc tộc người Celt, tương truyền sống ở Scotland vào thế kỷ III. Một ví dụ khác là nhà thơ Pháp P. Mérimée (1803-70) vào năm 1825, cho xuất bản những vở kịch ký một cái tên bịa đặt là Clara Gazul, nữ diễn viên Tây Ban Nha; năm 1827 ông lại cho xuất bản tập thơ La Guzla, mạo danh là của một nghệ nhân người Serbia tên là Iakinf Maglanovich (sự mạo danh này được tin là thật đến nỗi ở Nga năm 1835 chính thi hào A. S. Pushkin đã tuyển 11 bài từ tập thơ kể trên vào một tập sách do ông soạn nhan đề ‘Những bài ca vùng tây Slave’).

Trong nghiên cứu văn học, khái niệm về MHVC thường gắn với một khái niệm khác nữa là “mặt nạ tác giả” (chữ Nga: ), những cái tên bịa như vừa kể trên, - cũng như cái tên Phạm Thị Lan trong trường hợp Ngựa trắng rồng vàng, - chính là những mặt nạ tác giả. Các học giả định nghĩa “mặt nạ tác giả” là phương thức che dấu diện mạo thực của bản thân mình được nhà văn sử dụng nhằm tạo ra ở độc giả một hình ảnh khác (khác biệt so với cái có thực) của tác giả.

Có một điều tôi hơi thấy lạ, là cả hai khái niệm và thuật ngữ trên đây (“mê hoặc văn chương” và “mặt nạ tác giả”) hầu như chỉ thông dụng ở giới nghiên cứu văn học của Nga, hầu như không thấy thuật ngữ tương đương ở nghiên cứu văn học của Pháp hay Anh, Mỹ.

2. “Mặt nạ tác giả” (MNTG) là thủ pháp căn bản của MHVC. Hiệu ứng của một sự kiện MHVC sẽ diễn ra qua hai giai đoạn tiếp nhận: đầu tiên là gây ra sự lầm tưởng cho độc giả, tiếp sau đó họ khám phá ra sự giả mạo, nhưng không phải vì độc giả đã cả tin mà chỉ do chỗ bản thân cái tên (in lên bìa sách, gắn với tác phẩm) không cho phép độc giả, trong phạm vi thực tại tác phẩm, có thể phân biệt được người trưng tên ở bìa sách đó là tác giả đích thực hay giả mạo. Mục đích của MHVC, theo các nhà nghiên cứu, là sự thử nghiệm, thí nghiệm về thẩm mỹ, về sức sống, sức sáng tạo. Người ta còn phân biệt MHVC với sự ngụy tạo tác phẩm (tức là làm giả những tác phẩm thường là của những thời xa xưa)...

Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng, không ít trường hợp những tác phẩm ra đời bằng một màn trình diễn MHVC, về sau đã trở nên rất nổi tiếng. Được nhắc tới hàng đầu là mấy tác phẩm này: ‘Gulliver du ký’ (1726) của J. Swift; ‘Robinson Crusoe’ (1719) của D. Defoe; ‘Don Quijote’ (1605-15) của M. Cervantes; ‘Chuyện New York’ (1809) của W. Irwing. Tất nhiên một danh mục các tác phẩm xuất hiện trước công chúng theo cung cách này, trong văn học sử nhiều nước, là không hề ít.

Tác phẩm của Swift và của Defoe trong lần xuất bản đầu tiên, ở bìa sách chỉ in tên nhân vật chính chứ không in tên tác giả; chính sự thành công vang dội ngay khi tác phẩm vừa ra mắt đã khiến dư luận công chúng càng thêm thắc mắc về việc ai là tác giả thật sự, - điều mà phải ít lâu sau người ta mới biết.

Ở nước Pháp, nhà văn nào được tặng giải văn chương Goncourt thường chỉ được một lần trong một đời văn; ấy vậy mà cá biệt lại có người được nhận tới hai lần. Ấy là nhà văn Pháp gốc Do Thái Romain Gary: năm 1956 với tác phẩm Chân trời (Les racines du ciel ) và năm 1975 với tác phẩm Cả cuộc đời phía trước (La vie devant soi). Xảy ra chuyện hy hữu này là vì ngoài cái tên Romain Gary mà giới văn chương Pháp quen biết, nhà văn này còn viết và công bố tác phẩm dưới một số bút danh khác: Fosco Sinibaldi, Shatan Bogat, và Émil Ajar, nhưng ông giữ kín liên hệ của mình với các bút danh ấy. Sau khi cuốn Cả cuộc đời phía trước ký bút danh Émil Ajar được trao giải Goncourt, tác giả thật lộ diện, dư luận Pháp ồn ào một dạo và người ta ghi lại việc đó bằng mấy từ “vụ Émil Ajar” (l’affaire Émile Ajar). Nếu đối chiếu các bản chữ Pháp và chữ Nga về tác gia này trên từ điển mở Wikipedia.org, bạn sẽ thấy học thuật Nga mô tả sự việc trên bằng cách khẳng định Romain Gary là “nhà mê hoặc văn chương”, còn học thuật Pháp thì xem cả cái tên Romain Gary lẫn 3 cái tên được nhà văn này sử dụng đều là những “bút danh” (pseudonyme), vì rốt cuộc người ta thấy nhân thân nhà văn này cần được gắn với cái tên Romain Kacew, là họ tên mà con người này được khai sinh tại Vilnius, Litva, vào năm 1914.

3. Nếu đi sâu tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy “mê hoặc văn chương” và “mặt nạ tác giả” không hề xa lạ với chính đời sống văn học ở Việt Nam. Chỉ xin nêu vắn tắt một trường hợp: những năm 1960 ở Sài Gòn xuất hiện cuốn sách ‘Người Việt cao quý’ ký tên tác giả là Pazzi cho thấy nó có vẻ là sách của người nước ngoài, về sau dần dần công chúng mới biết đó là sách của một nhà văn Việt Nam. Đấy chính là một ‘ca’ MHVC và cái tên Pazzi đó chính là một MNTG.  

07/12/2009

Lại Nguyên Ân (nhà nghiên cứu)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm