Từ Cánh đồng… thương Nỗi buồn…

08/12/2009 09:08 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Cánh đồng… ở đây là Cánh đồng bất tận, tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, vừa được Hãng phim Việt chính thức bấm máy hôm 25/11. Còn Nỗi buồn… là Nỗi buồn chiến tranh, một tác phẩm khác được độc giả trong nước và cả nước ngoài yêu quý không kém của nhà văn Bảo Ninh, từng được Hãng Việt Film chuẩn bị đưa lên màn ảnh rộng, nhưng rồi hủy bỏ.

“Cố thủ” tại một nơi heo hút - vùng sâu vùng xa của huyện Mộc Hóa, tỉnh Tây Ninh, đoàn làm phim Cánh đồng bất tận (CĐBT) dự kiến sẽ bám trụ tại miền Tây (chủ yếu ở Đồng Tháp, Cần Thơ và Long An) để quay liên tục trong 2 tháng (ngay cả LHP Việt Nam lần thứ 16 sắp diễn ra tại TP.HCM, đoàn cũng không về tham dự!). Mọi thông tin liên quan tới bộ phim được tiết lộ khá dè dặt, chủ yếu qua những nguồn không chính thức. Điều này khác xa với những gì Hãng phim Việt đã “PR” cho những bộ phim truyền hình “hot” của mình, cho dù ê-kíp mà phim CĐBT đang sở hữu có thể được xem là rất đáng chú ý: biên kịch Ngụy Ngữ, biên tập Nguyễn Hồ, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, các diễn viên Dustin Nguyễn (vai ông bố), Đỗ Hải Yến (vai cô gái điếm tên Sương), Tăng Thanh Hà (vai người vợ)… Có vẻ như nhà sản xuất lường trước những áp lực đang đè lên họ từ chính việc chuyển thể từ một tác phẩm đã quá nổi tiếng và phổ biến, mà chính nó từng gây nên cả một “cơn bão” dư luận một thời. Nên CĐBT chọn cách “im lặng mà đi” hơn là ồn ào ra mắt. Hiện tại thời gian hoàn tất cũng như dự định công chiếu hay tham dự LHP của phim cũng chưa được tiết lộ. Nhưng không phải im lặng là không có chuyện.


Đỗ Hải Yến (trái) và Dustin Nguyễn có vai diễn trong phim CĐBT

Linh hồn của phim - đạo diễn, tới sát giờ bấm máy mới được xác nhận chính thức là Nguyễn Phan Quang Bình. Trước đó, đạo diễn Charlie Nguyễn trả lời phỏng vấn nói rất chi tiết về việc chuẩn bị làm phim này. Nhưng theo người phụ trách truyền thông của đoàn phim, đó chỉ là “mong muốn của Charlie Nguyễn”. Ngoài Charlie Nguyễn thì Việt Linh và Minh Nguyệt (đạo diễn kịch CĐBT) cũng từng được nhắc đến ở vị trí này. Trong số những cái tên đạo diễn kể trên, “nhẹ ký” nhất có thể là Quang Bình. Anh mới thể hiện vai trò đồng đạo diễn phim Vũ khúc con cò39 độ yêu, chưa để lại dấu ấn đáng kể nào và là dân “Bắc kỳ chính hiệu” trong khi CĐBT lại rất miền Tây.

Dàn diễn viên phim CĐBT cũng gây không ít tò mò. Ngoài Dustin Nguyễn được lựa chọn ngay từ đầu trong vai người cha, mãi gần đây, những cái tên khác mới được tiết lộ. Đỗ Hải Yến sẽ vào vai cô gái điếm miền Tây tên Sương. Tăng Thanh Hà sẽ vào vai người vợ hư hỏng. Đây là hai vai diễn hoàn toàn khác biệt với những gì Hải Yến và Tăng Thanh Hà từng thể hiện trước đó. Vai Điền (cậu con trai) được giao cho Võ Thanh Hòa, một gương mặt khá quen thuộc trong các phim truyền hình của HTV và vai Nương (cô con gái) được giao cho một gương mặt còn rất mới là Ninh Dương Lan Ngọc.

Nếu có thể nói gì về các nhân vật trong CĐBT (truyện) thì tất cả đều sống nội tâm với rất nhiều tâm trạng ẩn giấu, phong phú và phức tạp. Điều ấy tạo nên sức hấp dẫn đầy ám ảnh của CĐBT và nó cũng khiến không ít người lo ngại khi biết truyện sắp lên phim. Trên diễn đàn dienanh.net, một khán giả bày tỏ mong muốn “phim chân thật với truyện, đừng cắt xén, che giấu”, kèm theo lo lắng: “truyện chủ yếu diễn tả nội tâm, đặc biệt là hai chị em nhân vật chính, nói chuyện với nhau toàn là bằng ánh mắt, diễn viên Việt Nam không biết diễn được không”…Chỉ riêng đòi hỏi “phim chân thật với truyện” đã có thể khiến nhà làm phim toát mồ hôi, chưa nói đến những đòi hỏi khác. Làm phim từ một tác phẩm văn học nổi tiếng luôn luôn là con dao hai lưỡi.

Nói tóm lại, phim CĐBT còn… chơi vơi cho tới chừng nào nó ra mắt người xem một cách trọn vẹn. Nhưng ít ra, vào lúc này, CĐBT của Nguyễn Phan Quang Bình được một hậu thuẫn rất quan trọng của… nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, “mẹ đẻ” của CĐBT. Trước những “lo lắng giùm” của người hâm mộ, Ngọc Tư có một thái độ cực kỳ… chuyên nghiệp. Cô từ chối đọc kịch bản chuyển thể, còn bảo “viết truyện là việc của em, đã xong. Việc làm phim là của biên kịch, đạo diễn và đoàn làm phim…”.

Song không phải lúc nào nhà văn cũng “dễ tính” như thế. Ít ra là trong trường hợp Nỗi buồn chiến tranh (NBCT), một trong những dự án phim gây chú ý nhất của dư luận trong năm 2008.

Khỏi phải bàn thêm về giá trị của NBCT ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nó được dịch ra nhiều thứ tiếng, được xếp trong top ten những kiệt tác văn học Đông Nam Á thế kỷ 20 và lọt vào top 50 tác phẩm văn học nước ngoài dịch sang tiếng Anh hay nhất trong nửa thế kỷ qua. Chính vì vậy, mọi thứ ồn lên khi tháng 7/2008, có thông tin chính thức NBCT sẽ lên màn ảnh với một ê-kíp quốc tế: nhà đầu tư người Anh là giám đốc một quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam, đạo diễn gốc Mỹ từng làm việc ở Việt Nam, biên kịch cũng là một người nước ngoài. Dù quá trình thuyết phục nhà văn, sửa chữa kịch bản kéo dài nhiều năm trời, nhà sản xuất đã tiêu tốn khoảng nửa triệu USD để chuẩn bị sẵn sàng cho việc bấm máy, nhưng phút chót nhà văn tuyên bố không dính líu gì đến bộ phim này, vì rằng bộ phim đã không đúng tinh thần như ông đã đề nghị sửa chữa… Vốn là bạn thân của nhà văn, trước tình cảnh dở khóc dở cười này, nhà đầu tư Dominic Scriven đã quyết định bỏ luôn dự án. Đạo diễn Nicolas Simon do quá say sưa với dự án đã đề nghị được mua lại để tự làm, nhưng cũng bị từ chối. Thế là NBCT một lần nữa lại bỏ lỡ cơ hội lên màn ảnh (trước đó đạo diễn Khánh Dư từng có ý định này)!

Thật lạ, người Nga không phản đối khi điện ảnh Mỹ dựng Chiến tranh và Hòa bình, dân Trung Quốc vẫn nô nức đi tuyển vai cho Hồng Lâu Mộng bản mới dù bản dựng trước đã được xem là rất thành công. Bởi vậy, nếu CĐBT của Nguyễn Phan Quang Bình có “không giống” như CĐBT của Nguyễn Ngọc Tư thì đó cũng là chuyện hoàn toàn bình thường. Cũng như có thể sau Nguyễn Phan Quang Bình, lại có thêm những đạo diễn khác muốn dựng CĐBT theo cái nhìn của họ… thì sao? May cho CĐBT nhưng tiếc NBCT quá!

Nguyễn Ngọc Tư nói gì về phim Cánh đồng bất tận?

     * Chị có quan tâm tới việc tác phẩm văn học của mình chuyển qua các thể loại khác như thế nào hay không?

     - Tôi có quan tâm chút xíu vào lúc… thương thảo hợp đồng chuyển nhượng tác quyền. Nghĩ hơi nghiêm túc chút thì tôi cho là mỗi loại hình nghệ thuật có một đặc điểm riêng, từ tác phẩm của tôi, nó bắt đầu có đời sống khác, một đời sống ngoài tầm với của tôi. Đành vậy thôi, tôi cũng không thích cứ lẽo đẽo chạy theo một tác phẩm đã lâu rồi, tôi còn phải dành tâm sức viết gì đó mới chứ.

     * Cảm giác đầu tiên của chị khi tác phẩm điện ảnh bắt đầu được “hình dung” qua hình ảnh của các nhân vật chính?

     - À, tôi hình dung vầy, cô con gái phải là người có khả năng diễn bằng mắt, vì truyện của tôi cô bé chẳng nói bao nhiêu câu, chị Sương phải hơi già tí, kém nhan sắc tí, nếu không thì cô ấy ở thành phố sống ngon lành chớ dạt về quê chi. Người cha phải quyến rũ tí, chăn vịt mà quyến rũ cũng khó, ha?

     * Dustin Nguyễn, Đỗ Hải Yến, Tăng Thanh Hà - chị đã xem những phim của các diễn viên này chưa? Chị có nhận xét gì về diễn xuất của họ? Và đạo diễn Quang Bình nữa?

      - Chị bạn tôi khen, Hải Yến đóng Chơi vơi hay lắm, cốt cách rất sang trọng. Tôi nghe tới đây liền nghĩ, ôi, làm sao cô ấy ra đồng được. Nhưng nếu cô ấy chịu ra đồng thì tốt chớ sao. Bạn Hà tôi quen trên truyền hình, anh Dustin Nguyễn tôi quen trên… tạp chí, còn anh Bình quen lúc… ký hợp đồng.

      * Chị tin tưởng vào đạo diễn và ê-kíp làm phim hay chị khá thoải mái trong việc để người khác “chế biến” từ tác phẩm gốc của mình?

      - Tôi thoải mái. Thật ra nếu có anh nhà văn nào phóng tác hoặc viết lại truyện của tôi theo kiểu của anh ấy thì tôi mới giãy. Tôi có ý nghĩ hơi bị vui khi đọc báo thấy cái phim này khởi quay, nghĩ cái truyện miền Tây của mình được toàn quốc hóa, quốc tế hóa, cũng ngộ. Để coi sao…

      * Trong phim chị có tham gia vai trò gì không, cố vấn nghệ thuật chẳng hạn?

      - Tôi tham gia với vai trò… khán giả.

      * Khi trao quyền chuyển thể tác phẩm lên phim cho Hãng phim Việt, chị có phải phân vân lựa chọn giữa nhiều lời đề nghị tương tự hay không?

      - Anh Bình liên lạc với tôi khi báo Văn nghệ vừa in xong. Tôi gật đầu ngay. Lúc đó chưa có lời đề nghị nào khác. Ôi, mà tôi ghét ngã ba ngã tư lắm, phải chọn lựa, chọn lựa không suôn sẻ lại phải nuối tiếc, ôi giá mà mình đi đường kia.

      * Ngoài CĐBT, có tác phẩm nào của chị nhận được lời đề nghị chuyển thể nữa?

      - Thôi không nói, cương quyết không nói, kẻo người ta bảo rằng mình khoe.


Thủy Phạm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm