Người “bắt sống vua chiến trường” lên tiếng

27/11/2009 09:52 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Người đàn ông với gương mặt sạm nắng xuất hiện trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (LSQSVN). Tần ngần bên hiện vật pháo tự hành 175 ly của Mỹ trưng bày ngay sát lối đi, ông khẳng định: “Tôi là người đã lái cỗ pháo này ra khỏi căn cứ 241 cách đây 37 năm. Sau nhiều lần đối mặt với cái chết tôi mới thoát khỏi sự săn đuổi của máy bay địch”. Ông là cựu trung úy Lương Minh Nghĩa, hiện là “lão nông” ở ngoại thành Hà Nội.

Hôm đó, Bảo tàng LSQSVN khai mạc triển lãm Những kỷ vật kháng chiến, đồng thời tiếp nhận hiện vật kháng chiến do các cá nhân và tổ chức trao tặng. Ông Nghĩa đến để trao tặng Bảo tàng 1 chiếc võng tăng; 1 thắt lưng da vốn là chiến lợi phẩm ông nhặt từ căn cứ 241 của địch và đôi giày ông đã sử dụng trong lần duyệt binh năm 1973.

Lái “vua chiến trường” ra khỏi căn cứ địch

Ông kể: “Từ ngày 30/3 đến ngày 2/ 4/1972, quân ta đã tiêu diệt cứ điểm 241 của địch ở Tân Lâm, Quảng Trị, bắt sống trung tá PhạmVăn Đính, trung tá Vĩnh Phong và toàn bộ lính trung đoàn 56 của ngụy quân Sài Gòn.


Ông Lương Minh Nghĩa bên khẩu pháo “vua chiến trường”
trong Bảo tàng LSQS VN


Tôi nhận lệnh lái xe xích ATC 55 của Liên Xô, chở bộ đội vào bắt tù binh. Xe xuất phát từ chân đồi Động Chi (giáp với Lào), cách cứ điểm 241 khoảng 4km thì bị dính mìn chống tăng của địch. Xe bị hỏng, chúng tôi phải hành quân bộ vào cứ điểm.

Tại cứ điểm 241 có 4 khẩu pháo tự hành - loại pháo mà quân địch tự hào gọi là “sấm sét - vua chiến trường”, còn ta thì gọi là Pháo tự hành 175 ly, một loại hỏa lực mạnh cực kỳ linh hoạt trên chiến trường, có tầm bắn đạt 30 km. Trong số 4 khẩu thì 1 khẩu đã bị hỏng. Là lính lái xe nhưng khi nhìn thấy pháo tự hành, tôi cũng rất lúng túng. Để có thể “bắt sống “vua chiến trường”, phía ta yêu cầu toán tù binh ngụy cử người biết lái cỗ pháo này hướng dẫn tôi. Không có nhiều thời gian, sau khi tiếp nhận hướng dẫn tôi trực tiếp lái hai pháo tự hành ra khỏi căn cứ. Khẩu còn lại do một tù binh địch lái dưới sự kiểm soát của quân ta.

Khi biết căn cứ bị mất, 3 “vua chiến trường” đã rơi vào tay đối phương, quân địch lồng lộn tìm kiếm chúng tôi để phá hủy 3 khẩu pháo tự hành. Máy bay quần đảo trên đầu, pháo sáng rực trời. Chúng tôi buộc phải giấu pháo tự hành cách căn cứ 241 khoảng 3km. Sau đó tôi nhận lệnh bơi qua sông Thạch Hãn để lấy vũ khí của địch. 4 ngày sau, tôi và một đồng chí nữa quê Hải Phòng nhận lệnh đưa 3 khẩu pháo tự hành ra nông trường Phú Quý cách nơi đang giấu khoảng gần 30 km. Đường rừng khó đi, nhiều dốc, góc cua, lại phải đi vào ban đêm, sử dụng đèn gầm và tay lái cũng chưa thực sự thuần thục, trong lúc máy bay vẫn quần đảo tìm “vua chiến trường”, phải một sống, hai chết chúng tôi mới đưa được “tù binh” đến nông trường Phú Quý an toàn. Tôi lái 2 khẩu, mỗi khẩu đi mất 1 đêm. Gian nan vô cùng”.

Cần ghi rõ chiến công này trên hiện vật

Ông Nghĩa chỉ xe pháo tự hành mang biển US AZMY 12 Z446 mà bảo tàng đang trưng bày, khẳng định: “Đây chính là “vua chiến trường” mà tôi đã lái ra từ căn cứ 241. Khẩu pháo đã được Bảo tàng trưng bày nhiều năm, nhưng ai là người lái, ai là người đã “bắt sống” nó thì không thấy nhắc đến.

Tôi đã đến Bảo tàng nhiều lần, nhìn ngắm khẩu pháo và hồi tưởng những năm tháng ác liệt của chiến tranh, đến những giây phút cận kề cái chết trong quá trình vận chuyển pháo. Chiến tranh đã qua lâu rồi, việc trưng bày các hiện vật chiến tranh là để nhắc nhở thế hệ sau biết về những gì mà dân tộc ta đã trải qua, cha ông ta đã phải hy sinh xương máu để giành lại. Nếu là những hiện vật nhỏ và không gắn với những sự kiện lớn thì chẳng nói làm gì. Nhưng pháo tự hành là loại vũ khí mà quân địch rất tự hào, phong cho là “sấm sét - vua chiến trường...” thì việc hoàn chỉnh hồ sơ trưng bày là việc nên làm. Đây là một trong những hiện vật có kích thước lớn nhất ở bảo tàng và được trưng bày ở vị trí bắt mắt.

Vì thế, tôi cho rằng cần bổ sung tên người đã lái khẩu pháo tự hành này ra khỏi căn cứ bên cạnh dòng chữ hiện có giới thiệu về hiện vật này.


Ông Nghĩa và nhà văn Nguyễn Quý Hải

Đã đi vào cuốn nhật ký chiến tranh

Sống ở xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội, ông Nghĩa bây giờ là một lão nông với niềm vui thường nhật bên mấy sào ruộng. Nghỉ hưu lâu rồi nhưng những ký ức về một thời máu lửa hào hùng của dân tộc luôn được ông nhắc đến trong những câu chuyện kể với con, cháu. Ông bảo, ông là người đã lái khẩu pháo tự hành đang trưng bày tại bảo tàng... nhưng người nghe hoài nghi, vì điều ông nói chưa hề có trong hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng LSQSVN. Cho đến gần đây, khi cuốn Nhật ký chiến tranh mang tên Mùa Hè cháy của nhà văn - đại tá Quý Hải được xuất bản với lời tựa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông như được gột rửa một phần tâm tư.

Nhà văn Nguyễn Quý Hải nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 38 Pháo binh Bông Lau. Trong cuốn Mùa Hè cháy tác giả Quý Hải có đề cập đến việc đưa pháo “vua chiến trường” ra khỏi căn cứ của ông Nghĩa, biệt danh là Nghĩa đen: “Trung đoàn trưởng Cao Sơn lệnh cho trung úy Giáp, cán bộ quân lực của trung đoàn cùng trung úy Đạo chỉ huy đại đội 8, khẩu đội trưởng Tô Văn Thành và các chiến sĩ khẩu đội 4 đi trên chiếc xe ATC 55 do Lương Minh Nghĩa lái tới tiếp nhận sự phản chiến đầu hàng của trung đoàn 56... Gần tới nơi, xe bị trúng mìn. Anh Đồng và một vài chiến sĩ bị thương. Anh Thắng, anh Đạo và một vài người đi bộ tới gặp Phạm Văn Đính. .. Trung úy Giáp một mặt cử người đưa trung tá Phạm Văn Đính và trung tá Vĩnh Phong (2 trung tá ngụy) về tuyến sau, một mặt cùng Nghĩa đen (lái xe của ta), trung sĩ Hẩu ( lái xe của trung đoàn 56 ngụy), một khẩu đội trưởng pháo “vua chiến trường”, một pháo thủ 155 ly... đưa pháo “vua chiến trường” và pháo 155 ra khỏi căn cứ cất giấu cách Đầu Mầu chừng 3 km”.

Cùng đến với Bảo tàng LSQSVN với ông Nghĩa dự lễ khai mạc Triển lãm Những kỷ vật kháng chiến, nhà văn Nguyễn Quý Hải nói: “Nghĩa chính là người đã lái pháo tự hành ra khỏi căn cứ. Nếu không có công của cậu ấy, thì 3 pháo tự hành đã bị địch phá hủy rồi. Công lao của ông Nghĩa thì quá rõ. Vì vậy, rất mong điều này được thể hiện trong hồ sơ hiện vật và có chú dẫn ở hiện vật trưng bày tại bảo tàng”.

Nguyệt Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm