Ăn, nói, gói, mở và sự “minh triết” Việt Nam

25/11/2009 14:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - GS Hoàng Ngọc Hiến cho rằng minh triết là đạo lý của đời thường; và do đó, “ai cũng có thể minh triết”. Có nghĩa là “biết sống khôn ngoan và hẳn hoi”.

Trong tham luận tại Hội thảo khoa học về minh triết ở Hà Nội ngày 22/9/2009, ông Hà Văn Thùy định nghĩa công phu hơn. Theo ông Hà Văn Thùy thì minh triết là “Sự khôn ngoan và sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hoá và toả năng lượng nuôi sống nền văn hoá”... Rất nhiều học giả khác cũng bàn luận khá sôi nổi về định nghĩa này, nhưng tôi thích ý kiến ngắn của Nguyên Ngọc khi được hỏi về minh triết của Tây Nguyên, ông nói: “Đàn ông là sấm, đàn bà là sét”.

Cách đây mấy ngày, tôi có nhắc đến chuyện tại sao ông cha ta lại khuyên con cháu mình phải Học ăn, học nói, học gói, học mở. Ý tưởng của bài này xuất phát từ chỗ quá buồn về cách ăn nói của một số vị, không hề cân nhắc nên phải nói trước dân, trước truyền hình như thế nào cho hợp lẽ. Thực ra, tôi đã nghĩ từ rất lâu về điều mà cha ông mình đã minh triết: Tại sao trong cuộc đời chỉ cần học có 4 điều thôi? Nhân Hội thảo Khoa học về Minh triết (wisdom) được tổ chức tại Huế (25.11.2009), tôi xin lạm bàn đôi chút về minh triết của 4 chữ ăn, nói, gói, mở.


 Sách về "Học ăn, học nói,
 học gói, học mở"

1.
Thế nào là ăn đúng, ăn không phải xấu hổ, để “nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”? Tại sao cha ông ta lại bàn nhiều đến thế cái chuyện ăn? Miếng giữa làng bằng sàng trong bếp, Rèo tru đực không bằng chực bữa ăn, làm ăn, ăn nói, ăn chắc mặc bền, ăn nên làm ra, ăn ở, ăn nằm, ăn chơi thậm chí là... ăn tiền, ăn dày, ăn mỏng, ăn sương, ăn trộm, ăn cướp, ăn 2-1 trong bóng đá...


Xem ra, cái sự ăn của một miền đất nghèo, vất vả cơ cực suốt đời nó quan trọng và gần gũi lắm. Thế nhưng, nếu chỉ nghĩ cha ông chỉ lo ăn thì con cháu chúng ta đã nhầm to. Bằng chứng thật rõ trong một số cụm từ mà tôi đã nêu ra ở trên. Cái chuyện ăn nó đa nghĩa, đa chiều và, hầu như trong đa số các trường hợp, đều liên quan đến chuyện xấu xa. Bây giờ, trước nạn tham nhũng, mới càng thấm thía hơn cái nghĩa sắc như dao cau của minh triết tự ngàn xưa. Ăn như thế nào, ăn bao nhiêu, để cho người bao nhiêu, quả là điều khó vô cùng. Nhưng, khó gì thì khó, không làm chủ được từ “ăn” tức là đã sai lầm về mặt đạo đức, văn hoá.

2. Còn nói - không phải chỉ để mà nói vì mỗi câu nói đều là ánh phản chính xác của tư duy. Đôi khi tôi lạm nghĩ rằng chỉ cần nghe ai đó nói khoảng 3 câu, trả lời câu hỏi 3 lần; là tôi có căn cứ để biết gần đúng trình độ và khả năng tư duy của anh ta! Người xưa dạy phải uốn lưỡi 7 lần mới nói, chứng tỏ cái sự nói quan trọng đến mức nào. Không phải tự nhiên mà Khổng Tử khuyên: Phải hỏi lúc vội vàng để xem trí. Trả lời càng nhanh, ý tứ càng sâu sắc thì càng chứng tỏ sự vững vàng của tư duy.

“Chính ngữ” là một trong 8 con đường đúng của Phật gia. Nói theo cấp độ âm thanh nào cho một cử toạ bao nhiêu người, cách dùng từ phù hợp trước từng đối tượng, khối lượng từ phong phú hay nghèo nàn..., tất cả đều phải học.

3. Góimở là hai từ bí ẩn và nhiều nghĩa nhất. Đó là minh triết về cách sống, lối sống, trở thành nguyên tắc suốt cả cuộc đời người. Gói có thể là cách “hành xử theo đúng cương vị” như người La Mã nói (Oblig Noblis). Cũng có thể là “áo rách khéo vá hơn lành vụng may”. Gói là cách hiểu đúng về nghĩa của cụm từ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Thậm chí, gói trên tầm vĩ mô của dân tộc trở thành tư thế chính trị, ứng xử khôn ngoan, mạnh bạo như Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Muốn đi tới hoà bình có khi phải chiến tranh” (HCM, TT, T4, tr.125).

4. Mở, trong cấp độ so sánh với “gói” còn cao hơn một bậc. Đức Phật dạy phải biết từ, bi, hỉ, xả. Cả 4 chữ này đều là minh triết của khái niệm “mở”. Họ “mở”, vì thế, nó liên quan đến vị thế cái tôi với tư cách là một con người xã hội. “Xấu che, tốt khoe” là một cách ứng xử mở mà không mở. Nguyễn Du có rất nhiều minh triết. Một trong những câu mà tôi tâm đắc nhất là câu: Cảo thơm lần giở trước đèn. Trân trọng một cuốn sách hay, khó khăn lắm mới hiểu hết cái tinh chọn của tư duy từ nó nên phải “lần giở”. Hãy soi nó trước ánh sáng của chân lý (trước đèn) và nhờ nó mà toả rạng hiểu biết như ánh sáng ta vừa soi vào. Cách “mở” này của Nguyễn trước cuộc đời thật là ý vị, thâm thuý.

Tất nhiên, dù là “gói” hay “mở” thì con người luôn cần đến sự dũng cảm trước sự thật. Chẳng hạn tâm và tầm là chưa đủ đối với một người lãnh đạo. Không có dũng, lãnh đạo chỉ là người bất tài, vô dụng mà thôi bởi không dám làm, không dám thay đổi, không dám nhận trách nhiệm trước nhân dân.

(Nhân Hội thảo Khoa học về Minh triết ở Huế, 25/11/2009)

Hạ Vĩnh Thần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm