Một câu chuyện rơi vào quên lãng?

13/11/2009 11:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuốn Nhân công Đông Dương, lao động nhập cư cưỡng bức (1939-1952) của tác giả Pierre Daum mới ra mắt đã hé mở cho độc giả Pháp một bi kịch được giấu kín cách đây 70 năm về những người thanh niên Việt Nam bị ép buộc và trưng dụng sang “mẫu quốc” làm lính thợ phục vụ cho nước Pháp trong Thế chiến II. Vài người trong số đó sau này trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như họa sĩ Lê Bá Đảng, nhà điện ảnh Phạm Văn Nhân, (suýt nữa trong danh sách ấy có tên nhà văn Tô Hoài, nhưng ông dừng lại ở bến cảng mà không lên đường rời xứ sở)...

Gần 2 vạn nông dân bỗng chốc trở thành lính…

Nước Pháp thời chiến thiếu nhân công trầm trọng, thế nên một sắc lệnh đã được Bộ Chiến tranh ban ra ngày 2/5/1939 nhằm trưng dụng nhân công thuộc địa. Sắc lệnh ghi rõ các nhân công này phải là những người tự nguyện, được trả lương, đối đãi đúng quy định và sẽ hồi hương khi chiến tranh kết thúc. Chính quyền thuộc địa Đông Dương đã trưng dụng khẩn cấp 19.550 người, trong số đó 96% là nông dân mù chữ (chỉ có 4% là tình nguyện vì biết tiếng Pháp). Biện pháp ép tuyển là gia đình nào có hai con trai từ 18 tuổi trở lên thì phải “giao nộp” một người nếu không người cha sẽ phải đi tù. Bất đắc dĩ, từ nông dân vượt ra khỏi biên giới, họ bỗng trở thành công nhân.

Họ bị cắt cử làm nhiều loại công việc, từ sản xuất cánh máy bay, thuốc súng, phụ đóng tàu đến việc đồng áng, làm rừng... dưới sự cai trị và thái độ miệt thị của các cựu quân nhân thuộc địa. Trên công trường, họ phải làm những công việc nặng nhọc, không được trang bị đồ bảo hộ tối thiểu. Đến vụ mùa, có ngày họ làm việc tới 15 tiếng, công nhân Pháp mệt thì được nghỉ còn họ bị bắt phải tiếp tục làm. Những ngày trời Đông tờ mờ sáng, một đoàn người nối đuôi nhau lặng lẽ đi bộ 5 cây số đến nơi làm việc. Về đến lán trại, sinh hoạt thường nhật của họ cũng hết sức tạm bợ. Ăn đói, mặc rét khiến họ có khi sa vào tình cảnh bi hài thê thảm. Ông Lê Hữu Thọ (cựu thông ngôn) kể lại chuyện một nhóm lính thợ vì đói quá đã nghĩ ra kế dụ con chó nhà dân để nó quen hơi và không sủa bằng cách ném cho nó chút gì ăn được rút từ khẩu phần ít ỏi của họ. Sau mấy ngày “thuần dưỡng” con chó dữ, một sớm mai, họ đột nhập nhà, cho lợn ngửi thuốc mê rồi “cõng” đi hai chú lợn sữa ra ngay con suối gần đó và thổi lửa để nướng. Không dè khói bốc lên, chủ nhà sinh nghi đi báo cảnh sát, thế là cả hội chưa kịp thưởng thức miếng ngon đã bị tống giam!

Và giúp hồi sinh nghề trồng lúa nước Pháp

Chiến tranh xảy ra, giao thương của Pháp với Đông Dương bị ngưng trệ, gạo nuôi công nhân không đủ. Nha Nhân công bản xứ (MOI) nảy ra sáng kiến sử dụng lính thợ vốn là những nông dân tham gia vào việc trồng lúa mì. Khí hậu vùng Camargue vốn dĩ khắc nghiệt, mưa và bùn lầy vào mùa Đông, nắng nóng và ruồi muỗi hoành hành từ Hạ sang Thu. Công việc đồng áng cực nhọc đến nỗi nông dân Pháp từ chối không làm và nếu không có người Việt Nam thì cánh đồng gần như bị bỏ mặc. Từ khi có bàn tay những nông dân Việt Nam, sản lượng gạo tăng lên đáng kể và dân sản xuất lúa trong vùng làm giàu nhờ thứ “vàng trắng” này cho đến tận những năm 1960. Nhưng từ đó tới nay, không một nơi nào trong cả vùng Đông Nam nước Pháp người ta nhớ đến công lao của nông dân Việt Nam dù chỉ qua một bài diễn văn hay tấm bia tưởng niệm...

Trở lại giữa những năm 1940, cuộc sống của lính thợ cũng dần cải thiện sau ngày nước Pháp được giải phóng (1944). Đời sống tinh thần của lính thợ biến chuyển rõ rệt, họ không còn bị coi là dân thuộc địa và chịu sự miệt thị nữa. Trong các trại, đám sĩ quan không còn hống hách như trước và bắt đầu dè chừng thái độ của lính thợ. Lính thợ tiến hành bầu cử để chọn ra người lãnh đạo mới trong trại vì ở nhiều nơi, ban chỉ huy vấy bỏ trách nhiệm quản lý. Do tiếp xúc với phong trào giải phóng, đảng cánh tả, công đoàn Pháp, cộng thêm những thông tin về tình hình chính trị và tranh đấu đòi độc lập tự do ở Việt Nam, lính thợ được giác ngộ chính trị. Họ hoạt động, tranh đấu rất quy củ trên toàn nước Pháp để đòi quyền độc lập cho Việt Nam. Trong trại, họ dạy chữ cho nhau, làm báo, sinh hoạt chính trị... Tuy bất đồng chính kiến về tư tưởng chính trị và có lúc mâu thuẫn căng thẳng nhưng họ một lòng đấu tranh vì nền độc lập của Việt Nam. Ý thức chống thực dân và đòi độc lập ngày càng được các lính thợ phát biểu công khai dưới nhiều hình thức như biểu tình, tuyệt thực hay từ chối chào lá cờ tam tài. Từ năm 1945 đến 1948, chính quyền Pháp huy động lực lượng của Bộ Nội vụ thẳng tay tống giam những người đứng đầu các phong trào nói trên hoặc trục xuất họ về Việt Nam với một nhà lao đang chờ sẵn.

Công nhân, binh sĩ và trí thức Việt Nam ở Pháp (tổng cộng 25.000 người) lần đầu tiên tổ chức Đại hội đại biểu người Việt tại đây vào tháng 12/1944 và thành lập Tổng phái đoàn đại diện Việt Nam, một tổ chức hợp pháp, để yêu cầu giải thể MOI, hồi hương, đòi độc lập. Dĩ nhiên, chính phủ De Gaulle phớt lờ.


Chào cờ ở trại Venissieux, ảnh chụp 1943

Sẽ đến một kết thúc có hậu?

Từ năm 1945 đến 1947, chỉ có 1.000 lính thợ được hồi hương vì ốm yếu. Và phải chờ đến năm 1953, ba phần tư lính thợ bị trưng dụng từ năm 1939 mới được trở về nước. Có khoảng 1.000 người định cư hẳn ở Pháp vì hoặc đã lập gia đình hoặc tìm được việc làm ổn định. Với đa số những người trở về, quãng đời đầy bi kịch và oái oăm vẫn chưa kết thúc: Họ bị tống giam ngay vào tù hoặc đưa tới trại lao động cưỡng bức ở Vũng Tàu và lại tiếp tục chịu sự quản thúc, khai thác phi lý của người Pháp thông qua Căn cứ tiếp quản lao động Đông Dương - nơi “tiếp đón” 10.500 lính thợ từ năm 1948 đến 1950. Hành trình hồi hương vẫn chưa chấm dứt. Về đến quê hương sau bao nhiêu năm xa cách, thời cuộc và thể chế đổi thay, một số người gia nhập ngay kháng chiến, số khác lại bị nhìn với con mắt nghi ngờ vì từng làm việc cho kẻ thù, một số nữa “mắc kẹt” ở miền Nam và chỉ trở về quê nhà nơi đất Bắc sau khi hai miền thống nhất.

Và 70 năm sau, chỉ khoảng 30 cựu lính thợ đã trên dưới 90 tuổi hiện còn sống. Những người ấy, khi đã trở thành cha, ông, rất ít hoặc gần như không “xới” lại chuyện xưa. Những người mà chúng tôi có may mắn gặp gỡ tại Pháp đều giữ một nét tính cách rất thuần Việt: tự hào “khoe” con cháu. Các ông tâm sự rằng đời mình khốn khó, giản dị, đến thời điểm này coi như đã gần xong một kiếp người, chỉ hãnh diện một điều là con cháu hiếu thảo, thành đạt và lương thiện. Theo lời một số con cháu, cha ông họ không muốn kể nhiều về quá khứ đó, bởi nó buồn thảm và đầy bất công, tủi nhục. Ông Nguyễn Trọng Hoàn (94 tuổi) giải thích rằng không muốn nói về cái nước Pháp thời đó để con cái mình hận mảnh đất mà họ đang sống, bởi chính bản thân ông đã vượt qua nỗi hận.

Nhiều năm trước đây, một số trí thức và cựu lính thợ ở Pháp đã đấu tranh với chính phủ nước này để đòi chính sách đền bù, hoàn trả tiền lương, tiền hưu. Âu đây cũng là một đòi hỏi công bằng, nhưng họ chỉ nhận được những câu trả lời “không thể”. Thời gian đã đi quá xa, những người đáng được hưởng sự đền bù nhất thì nay không còn nữa, thế nên điều ý nghĩa nhất bây giờ là thực hiện những việc làm để tưởng niệm các lao động nhập cư này. Theo ông Lê Hữu Thọ cho biết thì dưới tác động của công luận và sức ép từ báo chí Pháp, Tòa thị chính thành phố Arles sẽ đặt tên một con đường là Travailleurs Indochinois (Lao động Đông Dương) vào tháng 12 tới. Một trong những hành động ý nghĩa nữa là vận động để Pháp phải công nhận vai trò của nông dân Việt Nam trong việc hồi sinh nghề trồng lúa và sản xuất ra thứ gạo chất lượng tại cực Nam nước Pháp. Đây là một trong những việc được ông Lê Hữu Thọ xem như nghĩa vụ cuối đời để tưởng nhớ các đồng hương đã khuất và giúp thế hệ sau ghi nhớ công lao của những người lính thợ Đông Dương.

Paris, tháng 10/2009.

Tư liệu ảnh trong bài được tác giả Pierre Daum cung cấp và thuộc bản quyền của ông Phạm Văn Nhân, cựu thông ngôn.

Nguyễn Thụy Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm