Bãi đá cổ Sapa còn phong phú hơn bãi đá ở Umea

22/10/2009 13:33 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nằm trong các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa hai nước Việt Nam và Thụy Điển nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, triển lãm Bãi đá cổ Sapa tại Bảo tàng Vasterbottens, Umea Thụy Điển từ ngày 27/9 (còn kéo dài đến 8/11) đã gây được một tiếng vang lớn.

Tham gia chuyến đi này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Viện Mỹ thuật, Trường ĐH Mỹ thuật VN) cho biết:

- Ý tưởng của cuộc triển lãm này có thể nói được bắt đầu một cách khá ngẫu nhiên, đó là khi PGS- NGND hoạ sĩ Lê Anh Vân, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sang công tác tại Thuỵ Điển và tặng cho các đồng nghiệp bên đó cuốn sách Bãi đá cổ Sapa dưới con mắt tạo hình. Họ đã rất ngạc nhiên vì ở Việt Nam lại có một di sản văn hóa hết sức độc đáo, mà hơn nữa, lại ít nhiều có nét tương đồng với những chạm khắc đá nguyên thủy ở niềm Nam Thụy Điển. Do vậy họ đã gợi ý về một cuộc triển lãm để những di sản này có thể được biết đến ở châu Âu. Tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội tốt để hình ảnh Việt Nam được biết đến, đồng thời tạo nên một mối quan hệ học thuật về nghệ thuật khắc đá cổ xưa giữa hai quốc gia cách nhau hàng ngàn km.


Ông Nguyễn Đức Bình

* Ông đánh giá thế nào về cuộc triển lãm và hiệu quả của nó khi đem sang Umea?

- Hơn 50 tư liệu bản rập về các hình khắc trên đá và 70 bức ảnh về bãi đá cổ, con người và thiên nhiên Sapa được chúng tôi mang sang. Đặc biệt, có phiên bản của 4 viên đá có hình khắc, cùng một số hiện vật là các đồ dùng sinh hoạt của đồng bào các dân tộc vùng núi Sapa... Và để tạo gợi nên sự sâu lắng, âm u của núi rừng Tây Bắc Việt Nam, chúng tôi đã dùng hơn 400
m2 vải màu đen để tạo hiệu quả không gian cho các hiện vật trưng bày. Điều này đã được phía bạn rất quan tâm và đánh giá rất cao, mà không phải “xã giao”, khiến chúng tôi rất xúc động.

Rất nhiều người sau khi xem xong triển lãm đã hỏi đường và cách thức đến Việt Nam và đến Sapa. Có lẽ điều này nằm ngoài tưởng tượng của tôi trước khi đến đây. Từ đó mới thấy rằng nếu chúng ta muốn làm du lịch tốt thì nên bắt đầu từ việc nghiên cứu tốt các giá trị văn hóa.


Viên đá cổ ở Umea (Thụy Điển). Trong ảnh là cảnh
ông Bình đang dập lại những hình khắc trên đá

* Tôi được biết trong thời gian ở bên đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam còn đến thăm bãi đá cổ ở Umea. Ông có cảm nhận gì về chuyến đi này?

- Khách quan mà nói, nếu so với Sapa thì bãi đá ở Umea nghèo nàn hơn rất nhiều, có duy nhất một phiến đá lớn có hình khắc rộng khoảng 100
m2 nằm giữa dòng suối. Các hình khắc ít hơn, khá mờ, nhưng chúng tôi cũng đã làm một số bản rập để trưng bày trong cùng triển lãm về Sapa. Tuy nhiên, điều chúng tôi quan tâm là tuy khối lượng di sản không nhiều nhưng công tác nghiên cứu bảo vệ và tôn vinh chúng được họ làm rất tốt. Như trên con đường dẫn đến bãi đá này rất vắng, nhưng họ đã dựng một ngôi nhà nhỏ, trên bãi cỏ gần đấy thì có đặt một cái bàn lớn để các du khách có thể tổ chức ăn uống ngoài trời. Biển hướng dẫn, giới thiệu rất chi tiết về bãi đá có hình khắc, như sơ đồ đường đi, vị trí viên đá, hình dáng các hình khắc được vẽ lại cẩn thận cũng được đặt gần đó.

* Và những biện pháp nào có thể làm kinh nghiệm cho chúng ta trong việc bảo vệ và tôn vinh bãi đá cổ Sapa?

- Ở Umea, người ta đã dùng son tô lại các nét khắc để du khách có thể nhìn rõ. Đồng thời người ta cũng dựng ở đó một cây cầu dẫn ra viên đá để khách tiện tham quan, có hệ thống báo động khi xảy ra lũ.


Trưng bày bãi đá cổ Sapa ở Thụy Điển

Việc tạo ra cây cầu này giúp cho việc nhìn ngắm những hình khắc được rõ ràng hơn, cũng như tránh quá nhiều du khách giày xéo lên viên đá khiến cho chúng bị biến dạng. Điều này cho thấy các nhà quản lý ở đây hết sức coi trọng việc bảo tồn, nhưng không làm cách biệt di tích và khách tham quan. Thậm chí khi xây dựng cây cầu cũng được họ tính toán sao cho nó là một phần của cảnh quan, để không phá vỡ những giá trị cổ của bãi đá. Từ việc nghĩ đến an toàn cho khách tới tham quan, cho đến cung cách bảo vệ di sản rất trân trọng này thì cũng khiến cho bất cứ ai đến đây cũng phải có ý thức về di sản.

Bên cạnh đó, tại Bảo tàng Vasterbottens thường xuyên có những lớp học ngoại khóa cho trẻ em đến để học về thời nguyên thủy. Chúng được hướng dẫn rất cặn kẽ về các loại đá, các cách thức vẽ khắc trên đá, sau đó thì chúng được tự mình thực hành các sáng tạo trên đá sau khi xem rất nhiều các hình chạm khắc trên đá. Tôi nghĩ rằng đây cũng chính là cách họ bảo vệ di sản từ giáo dục. Khi đứa trẻ hiểu, trân trọng những di sản của đất nước thì di sản đó sẽ mãi được gìn giữ.

* Xin cảm ơn ông!

     “Từ thực tế ở bãi đá cổ ở Umea (Thụy Điển), ngẫm lại di sản bãi đá Sapa mà tôi lại thấy buồn: một số những viên đá gần đường quốc lộ chỉ sau chục năm phát hiện đã trở nên mòn vẹt. Thậm chí có viên hiện trở thành điểm dựng xe của đám xe ôm. Sau khi du lịch phát triển thì trẻ con ở Sapa còn vẽ và khắc bậy lên các viên đá. Giá mà chúng ta chỉ làm được một phần như họ thì có lẽ di sản của chúng ta còn được biết đến nhiều hơn nữa” (nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình).


Trang Thanh Hiền (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm