Những kẻ "gác nghĩa trang"

12/10/2009 10:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Xa nhau nhiều năm, khi gặp lại, tôi mừng rỡ muốn hàn huyên với chị đủ điều, nhưng cái ngôn ngữ đóng hộp đóng thùng của chị cứ như một hàng rào cản tình thân.

Tôi hỏi người chị họ: Ngoài ấy còn trồng ngô không chị?

Chị trả lời: Báo cáo anh, địa phương chúng tôi hiện nay đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng rồi ạ.

Tôi lại hỏi: Ông bà dạo này sức khỏe thế nào?

Chị trả lời: Báo cáo anh, năm ngoái, tình hình sức khỏe của ông bà hết sức bi quan, nhưng chúng tôi đã kịp thời khắc phục. Đồng thời, chúng tôi lên kế hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho ông bà vào thăm gia đình.


Qua câu chuyện thăm hỏi bình thường, những từ khô khan, cứng nhắc của công việc hành chánh và thời chiến như: báo cáo, tình hình, kế hoạch, khắc phục, cơ cấu, điều kiện, chiến dịch, sách lược... được sử dụng rất nhiều, chúng chiếm một mật độ rất dày trong các câu nói của chị. Mà có vẻ như chị rất thoải mái, thậm chí tự hào cho cách sử dụng ngôn ngữ của mình. Ban đầu tôi ngỡ rằng đó là do đức tính khiêm tốn của chị, nhưng về sau thì thấy không phải vậy. Có vẻ như mục đích của chúng là gián tiếp báo cho người đối thoại về nhân thân, về công việc, về giai cấp của chị... một cách tự hào, hãnh tiến. Hoặc ít ra, chị cũng xem cách nói năng như thế là một sự biểu hiện hay một tiêu chí văn minh.

Tôi lại nhớ ra một câu chuyện tếu khác, như thế này: Chàng là một cán bộ đã khá lớn tuổi mà chưa vợ. Khi tình cờ gặp nàng, một tiểu thương chợ huyện, là chàng choáng váng ngay vì tiếng sét ái tình. Dăm hôm sau chàng quyết định nếu thiếu nàng thì đời sống mình đáng vất đi, bèn lấy giấy bút ra viết thư cầu hôn với nàng. Khổ nỗi, phải làm sao để gây ấn tượng với nàng đây? Quả là nan giải, vì nhìn chung chàng thua sút mọi bề, từ tuổi tác đến tiền tài. Còn danh vọng ư? Một chân cán bộ văn phòng thì chưa thể gọi là danh vọng. Trong lúc ngặt nghèo ấy, chàng chợt nghĩ rằng mình chỉ có thể chinh phục trái tim của nàng bằng tài văn chương thôi, vì nàng là dân ở tỉnh lẻ thì chắc hẳn là ít học, chắc hẳn sẽ trọng người có chữ. Không phải dân ta luôn có truyền thống trọng văn hay sao? Chàng nắn nót viết:

Em yêu,

Từ khi phát hiện ra em, một nhân tố cực kỳ hoàn hảo và năng động trong quần chúng, anh hằng đêm tích cực tư duy với bộn bề suy nghĩ.

Nếu em và thầy me nhất trí, ta hãy cùng nhau ra thôn đăng ký, rồi từ đấy anh quản lý đời em và em thì quản lý đời anh.Chúng ta cùng nhau hợp lực quản lý và phát triển đời của những quần chúng ưu việt sẽ là con cái chúng ta.

Hãy tin ở năng lực và lòng quyết tâm của anh.

Chào đoàn kết.

Thật hết biết!

Câu chuyện trên nhiều phần được thêm thắt mắm muối cho hài hước. Nhưng chuyện sau đây là chuyện thật. Anh bạn tôi có rất nhiều bạn tình. Mỗi lần chia tay với một cô là anh ta lại làm thơ. Và bài thơ nào cũng thế, y như rằng lại xuất hiện các nhóm từ: Em về chân mây cuối trời. Có hôm nổi quạu, tôi nói: Em có về chân mây cuối trời nào đâu? Em vào khách sạn với một thằng nhiều tiền hơn mày. Thế mà cứ một hai năm gặp lại thì anh lại làm thơ, đại loại vẫn thế: Em về chân mây cuối trời / Sầu anh ly biệt chơi vơi.

Ngày nay, ngoài hiện tượng giới trẻ sử dụng ngôn ngữ tả-pí-lù, Anh Việt đề huề, ngôn từ được đơn giản hóa tối đa theo kiểu chat trên mạng, thì còn có hiện tượng nói năng theo kiểu đại bác bắn ruồi, bảo kiếm chọc tiết lợn này. Mà không phải là chỉ có giới bình dân mới nói năng như thế, ngay cả giới văn chương điện ảnh cũng chẳng kém chi. Người ta thường gặp cảnh trai gái hẹn hò nhau bên bờ sông mà câu chuyện tâm tình cứ như chuyện của các nhà ngoại giao bên bàn hội nghị quốc tế.

Không phải do cá tính của một vài người hay một số người mà thôi, mà có cả một bộ phận người Việt nói và viết theo kiểu này. Để tỏ ra rằng mình là người lịch duyệt, những người này tích lũy trong đầu những thuật ngữ của văn học, triết học, chính trị để có dịp là mang ra sử dụng, dù có nhiều khi không đúng chỗ đúng lúc. Ví dụ như, chạy gạo từng bữa thì gọi là làm kinh tế. Nói chuyện cưới vợ thì gọi là hội thảo vấn đề hôn nhân. Muốn ai nói nhanh lên thì gọi là đề nghị phát biểu khẩn trương. Học dốt thì gọi là tiếp thu không nhạy bén.

Ban đầu chỉ là việc làm dáng, lâu ngày trở thành ngôn ngữ phổ quát. Tiếng Việt giờ đây có nguy cơ trở thành những xác chữ lãnh cảm, vô hồn.

Xác người gây cảm giác rùng rợn, xác chuột gây cảm giác ghê tởm, nhưng xác chữ thì không gây cảm giác gì cả, và người sử dụng nó thì lè phè nhàn rỗi làm những kẻ “gác nghĩa trang”.

Nam Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm