(TT&VH) -
88 di sản được vinh danh có phải là nhiều?1. Việt Nam có thêm 2 di sản thế giới trong vòng 20 tiếng đồng hồ, đó là quan họ và ca trù. Chiến thắng này đã làm dày thêm danh sách các di sản Việt Nam được thế giới vinh danh (với 4 di sản phi vật thể là: Nhã nhạc, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ và ca trù; cùng 5 di sản vật thể là: Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Mỹ Sơn, Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng; chưa kể 01 “Di sản tư liệu thế giới” là Mộc bản triều Nguyễn).
Đã có 10 di sản của Việt Nam được vinh danh và đang có hàng loạt các di sản khác đang trên hành trình để được vinh danh là di sản thế giới”.
Có người đặt ra câu hỏi “ngược”: Hình như chúng ta đang “khát” danh hiệu di sản thế giới? Và hình như với một đất nước nhỏ như chúng ta, 10 di sản thế giới cũng là… đủ rồi. Và hình như danh hiệu “di sản thế giới” (nhất là di sản phi vật thể) đang ngày càng “bão hòa” trên thế giới. Chứng cớ là riêng trong đợt này đã có 76 di sản được đưa vào danh sách “đại diện”, và 12 di sản vào danh sách “khẩn cấp”. Số hồ sơ di sản bị loại chỉ là thiểu số. Chúng ta được 2 di sản, nhưng trên tổng số 88 di sản thì cũng… không oách lắm.
2. Nhưng nếu ta nhìn nhận việc vinh danh các di sản phi vật thể như một cách để đánh thức ý thức của cộng động đang lưu giữ chúng, như một cách để khẳng định sự đa dạng trong bản sắc văn hóa của các cộng đồng khác nhau (chứ không phải là để so sánh di sản nào “oách” hơn di sản nào)…; thì sẽ thấy rằng cả 88 di sản được vinh danh trong đợt này đều xứng đáng. Không vì công nhận nhiều mà kém giá trị. Thế giới có đủ chỗ vinh danh cho tất cả các di sản đại diện cho các cộng động khác nhau, và cả các di sản quý giá đang cần phải bảo vệ khẩn cấp.
Quan họ, ca trù trên tranh
Tất nhiên, bên cạnh việc nhấn mạnh tính “đại diện”, và tình trạng “cần bảo vệ khẩn cấp”, thì di sản được công nhận cũng phải hàm chứa những giá trị và những đặc điểm đáp ứng được 5 tiêu chí mà UNESCO đề ra. Đó là lẽ đương nhiên và chắc chắn rằng không thể có sự “châm chước” nào của UNESCO (vì lobby hay vì một lý do ngoài chuyên môn nào đó), bởi sự thẩm định của các chuyên gia là độc lập và… bí mật trong quá trình tiến hành (chỉ công khai khi đã đánh giá xong). Nhưng ở đây, tôi xin mượn lời của Tagor - nhà thơ Ấn Độ được giải Nobel. Trong một bài thơ ông đã viết (thay lời của một bà mẹ nói về đứa con, đại ý rằng): “Tôi yêu nó không phải vì nó ngoan nó giỏi/ Mà là vì nó là đứa con nhỏ của tôi”.
Ở đây không phải là chuyện tình yêu làm cho thiên lệch, mà ở chỗ tình yêu vượt lên mọi sự so sánh, hơn thua.
Cũng gần như vậy, các di sản phi vật thể được vinh danh sẽ không phải là cách để cho cộng đồng đó vỗ ngực tự phụ với các cộng đồng khác rằng di sản của mình là đáng giá “nhất thế giới”, mà chính là cách để cộng đồng đó tự hào nói với thế giới rằng, di sản ấy “đại diện” cho chúng tôi, có những giá trị độc đáo thể hiện bản sắc của chúng tôi, vì thế chúng tôi rất yêu quý nó và nguyện giữ gìn nó.
Tình yêu ấy, niềm tự hào ấy không dẫn đến chỗ so bì, loại trừ, phân biệt thấp cao, mà tất cả đều “nâng” nhau lên để các di sản phát huy giá trị của chúng trong việc giữ gìn sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng, đồng thời để cộng đồng bảo vệ di sản được tốt hơn.
Vì vậy, chúng ta vui mừng vì có thêm ca trù, quan họ là di sản thế giới; đồng thời chúng ta cũng chia sẻ niềm vui với 86 di sản được công nhận trong đợt này; và chúng ta cũng hy vọng rằng tới đây sẽ càng có nhiều di sản trong và ngoài nước tiếp tục được ghi danh.
3. Tuy vậy, cho tới nay, tâm lý “so sánh hơn, thua” vẫn còn nặng. Không phải cộng đồng nào trên thế giới cũng nhận thức rõ ý nghĩa của danh hiệu “đại diện” và “khẩn cấp”. Vẫn có tình trạng cho rằng danh hiệu “đại diện” là “oai” hơn danh hiệu “khẩn cấp”. Chứng cớ là hầu hết các quốc gia đều quan tâm nhiều hơn đến danh sách “đại diện”: có tới 111 hồ sơ của 34 quốc gia là ứng viên của Danh sách “đại diện” nhưng chỉ có 15 hồ sơ của 9 quốc gia đăng ký vào danh sách “khẩn cấp”. Trong khi đó thì hai danh hiệu này là tương đương nhau và di sản từ danh sách này có thể chuyển sang danh sách khác căn cứ vào hiện trạng, sức sống của di sản đó.
Đông Kinh