Đề nghị an táng thi hài vua Lê Dụ Tông

19/09/2009 10:21 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Thông tin về việc UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ VH,TT&DL đề xuất được “an táng thi hài vua Lê Dụ Tông tại địa điểm cũ, xây dựng như lăng mộ các hoàng đế nhà Lê, với nghi lễ hoàn táng trọng thể cấp Nhà nước…”, một lần nữa đã xới lại vấn đề phải ứng xử ra sao với thi hài vị vua này, để đảm bảo hài hòa cả về mặt khoa học và tâm linh.

Tuy vậy, cho đến đầu giờ chiều qua (18/9), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nơi bảo quản thi hài này vẫn chưa nhận được văn bản, quyết định chính thức về việc đưa thi hài vua về.

“Thi hài vua đã như thế thì nên đưa về”

Không phải ai cũng biết, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trong một kho bảo quản kín đáo có một chiếc quan tài bằng kính, trong đó có xác ướp một người đàn ông trung niên, đã khô đen theo thời gian - và theo khẳng định của một số người được vào thăm - thì một số bộ phận như móng tay, móng chân... của người đàn ông này đã có dấu hiệu bị rụng ít nhiều. Đó là thi hài vua Lê Dụ Tông - ông vua thời Hậu Lê, sống cách chúng ta gần 300 năm. Đã hơn 40 năm qua, ông nằm “cô độc” như vậy.

Bảo tàng Lịch sử VN hiện đang bảo quản thi hài vua Lê Dụ Tông. Do cực kỳ hạn chế việc vào thăm, nhất là vào chụp ảnh, cho nên nhiều trang mạng mấy ngày qua đã đăng bức ảnh một xác ướp phát hiện ở vườn đào Nhật Tân năm 2005, nhưng lại chú thích là thi hài vua Lê Dụ Tông. Điều đó có thể gây hiểu lầm về hiện trạng thi hài vua.


Sự tồn tại của những xác ướp hàng trăm năm trước còn nguyên vẹn hình hài đã là một điều lạ lùng với mọi người. Hơn thế nữa, theo như miêu tả của GS khảo cổ học Đỗ Văn Ninh thì ở một số xác ướp khác, “mọi vật chôn theo, thậm chí cả miếng cau tươi, miếng trầu không, hộp thuốc lào đều còn đầy đủ, màu sắc gần như khi mới bổ mới têm” (có người nói vui có thể bỏ ngay vào mồm mà “nhai” được(!) càng khiến người ta kinh ngạc hơn. Đó là sự thực khoa học về mộ hợp chất - một loại hình mai táng tương đối phổ biến của giới nhà giàu quan lại, vua chúa thời Lê, chứ không phải chuyện hoang đường.

Cơ sở khoa học của cách bảo quản này cũng không có gì là bí hiểm - bằng cách sử dụng các chất sát khuẩn và tạo ra môi trường yếm khí trong quan ngoài quách, người ta có thể giữ gìn một “xác ướp” tới vài trăm năm, dĩ nhiên là không được mở ra. Và dĩ nhiên xác ướp cũng không còn “âm ấm” như cách người ta thêu dệt. Mọi bộ phận còn nguyên vẹn song đều teo đét lại - vành tai còn như một mảnh giấy mỏng, môi co lại lộ rõ cả hai hàm răng, nội tạng co dúm hoặc lép lại thành màng mỏng”.

Những xác ướp như vậy (cho tới nay đã khai quật hàng chục, còn tồn tại thì hàng trăm, phân bố ở nhiều tỉnh thành cả nước) được xem là những tư liệu lịch sử văn hóa quý giá. Xác ướp vua Lê Dụ Tông lại càng quý giá hơn, vì đây là xác ướp duy nhất về một ông vua mà chúng ta còn có thể chiêm ngưỡng.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, trong khi đi cuốc ruộng, một số người dân ở làng Bái Trạch (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã tình cờ phát hiện ra ngôi mộ này, và sau đó ngôi mộ đã bị đào bới khiến thi hài lộ ra không khí trước khi các nhà khảo cổ học có mặt, và tiến hành các công việc cần thiết để đưa thi hài vua về bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử VN.

Từ nhiều năm trước đã đặt ra là vấn đề là nên tiếp tục giữ thi hài vua tại Bảo tàng hay đưa về địa phương để an táng? Đương nhiên, về mặt tâm linh thì nhiều người, nhất là các hậu duệ dòng họ Lê mong muốn được đưa vua về chôn cất tại quê nhà, và họ đã làm nhiều đơn kiến nghị để trình bày tâm nguyện đó. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, thi hài vua đã là một hiện vật khảo cổ, có giá trị lịch sử văn hóa cao, thậm chí có thể coi là “báu vật quốc gia” thì cần phải giữ gìn bảo quản tại bảo tàng để nghiên cứu và trưng bày.

Triều đình nhà Lê


Nhưng đó chưa phải là cốt lõi của vấn đề. Thực tế, theo cảm nhận của khá nhiều người có dịp tiếp xúc với thi hài vua, họ đều lo ngại rằng thi hài vua đang xuống cấp theo thời gian. PGS-TS Nguyễn Lân Cường, chuyên gia số một về nhân chủng học và mộ xác ướp, tỏ ý ngạc nhiên cứ tưởng thi hài vua đã được chuyển về quê an táng... từ 1-2 năm nay rồi. “Cho đến bây giờ vẫn cứ để ở đó à? Tôi nghĩ rằng nên đưa vua về, vì để ở bảo tàng nhưng có trưng bày đâu, hơn nữa, còn có nguy cơ bị hỏng mất. Nếu quyết tâm giữ gìn thì không chỉ tốn kém, mà còn rất khó, vì thi hài đã không được xử lý ngay từ khi mới phát lộ. Vì thế, cứ để như vậy thì thương tâm lắm. Thi hài vua đã như thế thì nên đưa về” - ông Cường chốt lại.

Vẫn đang chờ quyết định chính thức…

Trước thông tin thi hài vua Lê Dụ Tông bị xuống cấp trong quá trình bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử VN, ông Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Bảo tàng có một phòng riêng bảo quản thi hài vua với đầy đủ các trang thiết bị, và không để xảy ra vấn đề gì cả - ông Quân nói thêm - Nếu thi hài vua có bị xuống cấp thì không phải do bảo quản, mà là do thi hài đã không được xử lý ngay từ ban đầu.

Ông phân tích: Khi đưa một hiện vật - ở đây là xác ướp trong mộ hợp chất - ra ngoài không khí thì phải xử lý tại chỗ, cho vào “quan tài” chân không... thì sau này mới có thể giữ gìn được lâu dài. Nhưng thực tế thi hài vua đang ở trong môi trường yếm khí (mộ hợp chất) đã bị đưa ra môi trường bình thường một thời gian trước khi được các nhà khảo cổ khai quật và đưa về bảo tàng, khiến việc bảo quản sau đó rất khó khăn...

“Mộ vua Lê Dụ Tông được phát hiện tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Với tấm bia khắc rõ ràng dòng chữ: “Lê Dụ Tông Hoàng đế lăng...”. Đầu nhà vua cạo trọc, khăn phủ mặt có thêu chữ vạn nhà Phật. Vua rời ngôi và đi tu, rồi mất lúc 52 tuổi (1731)” (theo GS Đỗ Văn Ninh).

“Chúng tôi phải bảo quản tốt lắm mới được như ngày nay, chứ nếu không đã bị hỏng từ lâu rồi” - ông Quân nói - So với thời điểm Bảo tàng được tiếp nhận, thì tới nay thi hài vua vẫn không xảy ra vấn đề gì cả”. Về việc đưa thi hài vua về Thanh Hóa như thông tin đưa ra mới đây, ông Quân cho biết, ông vẫn chưa nhận được văn bản hay quyết định chính thức mà cũng mới chỉ biết thông tin qua báo chí. “Các cụ trong dòng họ Lê cũng có đến hỏi tôi, nhưng tôi cũng chỉ có thể trả lời rằng, khi nào chủ trương, thể hiện bằng văn bản gửi xuống thì chúng tôi mới có thể phối hợp thực hiện. Nếu chưa có văn bản thì chúng tôi đâu dám làm” - ông tâm sự.

Trả lời câu hỏi là “thực bụng” phía bảo tàng có muốn giữ hay không, ông Quân thẳng thắn: “Về mặt tâm linh thì chúng tôi cũng rất lưu ý đến đề nghị của dòng họ và phải thấy nhu cầu của các cụ (là đưa về an táng) là hoàn toàn đúng. Nhưng đứng về mặt khoa học, thì cũng có nhu cầu cần phải giữ lại hiện vật quý này, vì nói như GS Hà Văn Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN, thì đây là ông vua đầu tiên và duy nhất còn di hài để lại. Vì thế việc giữ lại cũng rất cần thiết. Tất nhiên, sau khi cân nhắc giữa hai mặt nêu trên, nếu có chủ trương đưa thi hài vua về hoàn táng, thì chúng tôi sẽ phối hợp thực hiện (trước đây cũng có một đề nghị là xây lăng mộ vua tại Bảo tàng, nhưng chúng tôi không ưng lắm vì khuôn viên bảo tàng là không thể xây như thế được) - ông Quân nói thêm.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm