(TT&VH) - Bị cạnh tranh gay gắt bởi nhiều loại hình giải trí hiện đại luôn là nguyên nhân được đưa ra để bao biện cho sự xuống dốc của sân khấu cải lương hơn chục năm qua. Thế nhưng phải chăng cải lương đang “tự sát” vì sự dễ dãi, thiếu chuyên nghiệp, làm ăn kiểu… nghệ sĩ của mình?
Chóng mặt vì lịch diễn
Đêm 22/8, nhiều khán giả đã “mồm chữ O, mắt chữ A” khi đứng trước rạp Hưng Đạo vì đèn đóm tối thui trong khi đang cầm trên tay vé xem chuyên đề sân khấu Ngũ hổ tướng. Hỏi ra thì được biết do rạp Hưng Đạo đang “quá tải” trầm trọng, các nghệ sĩ không sắp xếp được lịch tập nên để bảo đảm chất lượng chương trình đành phải hoãn... vô thời hạn.
Poster chuyên đề sân khấu Ngũ hổ tướng dự kiến diễn vào 22/8
đã hoãn... vô thời hạn
Trước đó, vở Đêm lạnh chùa hoang của Sân khấu vàng đã được thông báo rộng rãi công diễn vào tối 14/8 thì vì lý do đột xuất phải đến 20/8 mới ra mắt khán giả. Vở cải lương hài Oọc... rơ của đoàn 2 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dự kiến hát vào 16/8 cũng dời lại một tuần đợi diễn viên Ngọc Trinh từ Hàn Quốc về. Thế nhưng đến hôm qua (4/9/2009) vẫn chưa xác định được ngày diễn.
Buồn hơn nữa là có những chương trình đã treo biển quảng cáo, được báo chí đưa tin đàng hoàng bỗng dưng bị hủy không lời giải thích. Buồn cười nhất là đôi khi ngay cả người tham gia chương trình cũng không biết sô bị hủy như D.Y, nhân viên nhắc tuồng, lên đến rạp mới hay đêm tái diễn vở Một ông hai bà của Sân khấu vàng (14/6) bất thành vì “kẹt” nghệ sĩ.
Quảng cáo vậy nhưng chưa chắc vậy
Tình trạng nhập nhằng giữa quảng cáo và chương trình thật cũng gây ấm ức cho nhiều khán giả khi bỏ tiền mua vé để xem người nghệ sĩ mình yêu mến lại chẳng thấy đâu. Mặc dù được đề tên, đăng hình trên băng rôn, các tờ rơi quảng cáo nhưng hai nghệ sĩ T.S và T.T đã không có mặt trong đêm chuyên đề sân khấu Người đưa đò (15/8), hay diễn viên điện ảnh T.Q được thông báo sẽ vào vai Tùng trong trích đoạn kinh điển Nửa đời hương phấn tạo sự tò mò, háo hức cho không ít khán giả đến với Đêm hội ngộ vì trẻ em khuyết tật (31/5), nhưng T.Q lại bất ngờ ra hát một bài nhạc...
Đây có lẽ là hệ quả của việc dựng biển quảng cáo giới thiệu chương trình trước rồi mời nghệ sĩ sau, ai nhận lời thì tốt còn từ chối thì cứ thay người khác vào cũng chẳng sao vì khán giả cải lương vốn dễ tính không chấp nhất.
Thiếu kế hoạch
Có thể nói hầu như tất cả các nhóm cải lương hiện nay đều tổ chức và hoạt động một cách tự phát, thích là làm chứ chưa có một kế hoạch, một chiến lược phát triển cụ thể. Hễ có vốn, tìm được kịch bản phù hợp, tập hợp được nghệ sĩ là thành lập một nhóm xã hội hóa làm chương trình hát vài suất rồi ngưng chờ kiếm vốn làm tiếp. Còn chuyện thăm dò thị hiếu khán giả, chiến lược PR, tiếp thị hình ảnh, quảng bá vở diễn... là rất xa lạ.
Sự trống vắng của các hàng ghế khán giả trong các chương trình sân khấu cải lương một phần không nhỏ là do họ không được cung cấp thông tin đầy đủ. Hiện nay, cùng với các đơn vị báo, đài có 2 website chuyên cập nhật tin tức sân khấu cải lương là cailuong.org.vn và cailuongvietnam.com. Tuy nhiên không phải khán giả nào cũng có điều kiện vào đọc web, đặc biệt là khán giả lớn tuổi và không phải ai cũng đọc báo (và chắc chắn không có báo nào cứ đưa rồi đính chính lịch diễn).
Chính những người làm cải lương phải chủ động tìm đến công chúng nhưng xem ra thời gian qua vẫn là công chúng tìm đến cải lương là chủ yếu, ngay cả thông tin lịch diễn cũng là do khán giả đưa lên các trang web. Như khi nhóm xã hội hóa Hữu Huệ tái diễn vở cải lương tuồng cổ Tam phùng duyên (27/2) thì buổi sáng dựng quảng cáo, tối hát và chỉ có những khán giả đi ngang rạp mới biết được thông tin về vở diễn để đến xem. Thế nên đêm diễn rất vắng khách trong khi trên các diễn đàn thì nhiều người đã bày tỏ sự tiếc rẻ khi bỏ qua vở diễn do không biết thông tin.
Tất cả thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong giới nghệ sĩ. Nghệ sĩ làm việc chủ yếu theo tình cảm không có hợp đồng rõ ràng nên dễ xảy ra chuyện bỏ vai làm xáo trộn chương trình và kéo theo là lịch diễn thay đổi lung tung. Cũng vì tâm lý: “Yêu nghề là chính, không đặt nặng doanh thu, chỉ mong Tổ thương” mà hiệu quả kinh doanh của sân khấu cải lương yếu kém.
Đã đến lúc những người làm cải lương phải thay đổi tư duy, bên cạnh con mắt nghệ sĩ đầy bay bổng thì nên có cái nhìn thực tế về thị trường làm nghệ thuật.
Và quanh đi quẩn lại chung quy cũng tại cái rạp. Từ nhiều năm nay chỉ có mỗi rạp Hưng Đạo gồng mình gánh lịch tập và diễn của tất cả các chương trình cải lương và khi Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại TP.HCM đã gần kề thì nó gần như trở thành một điểm nóng.
Ngọc Tuyết