(TT&VH) - Ăn giỗ là một tục lệ quan trọng trong đời sống tinh thần và vật chất của người Việt. Nhưng ngày nay, ở nhiều gia đình, cỗ bàn ngày một sang, nhưng không khí cúng giỗ thì lạnh lẽo.
1. Trong gia đình tôi, có một đám giỗ mà mọi người quan tâm nhất. Đó là giỗ cụ nội tôi vào 27 tháng Chạp hàng năm. Cụ nội tôi mất trước khi tôi ra đời có vài ngày vào năm 1947, cụ bị Tây đi càn sát hại. Bởi thế, mỗi lẫn giỗ cụ tôi là mọi người lại nhớ đến cái năm ấy, cái ngày ấy.
Từ mấy tuần trước, các ông trẻ bà trẻ tôi đã về gặp ông bà tôi bàn làm giỗ. Người thì chuẩn bị gạo, đỗ, đong rượu, lo thu gom bát đĩa của mỗi gia đình. Ông tôi và mấy ông trẻ khỏe mạnh nhất thì lo chuyện mổ lợn, dựng rạp.
Cảnh cầu cúng. Tranh khắc trong bộ sưu tập của H.Oger
Con lợn nuôi cả năm để chờ đến ngày giỗ béo nung núc trong chuồng. Các ông trẻ tôi đã đến từ đêm hôm trước lo dựng rạp. Hồi ấy, đám giỗ , đám cưới mà không có tiếng lợn chọc tiết kêu eng éc là coi như đám giỗ, đám cưới xoàng. Cái việc mổ lợn làm cỗ như một màn biểu diễn không thể thiếu được trong cái nghi lễ của đám giỗ cụ tôi. Hồi ấy, tôi còn nhỏ nhưng là chắt đích tôn nên được các cụ chiều lắm. Lợn mổ xong thế nào cũng được cái bong bóng lợn đem xát tro rửa sạch rồi lấy xe điếu thổi phồng lên làm quả bóng chơi rất thú vị. Khi giã giò, bao giờ ông tôi cũng gói riêng cho tôi một cái giò lụa nhỏ xíu ăn ngon vô cùng.
Cỗ đã nấu xong, các cụ bà sắp đặt cẩn thận đồ ăn thức uống lên mâm đồng rồi dâng lên bàn thờ, hương khói nghi ngút. Lần lượt ông nội tôi rồi đến các ông, các bà trẻ khăn áo chỉnh tề thắp hương khấn vái tổ tiên và cụ tôi. Các cụ bà thì quỳ lạy, úp mặt xuống chiếu cầu khấn...
2. Ông bác anh ruột mẹ tôi là một y sĩ nổi tiếng ở Hà Nội. Ông cũng là một người sành ăn. Vì làm nghề y, chăm lo sức khỏe cho nhiều gia đình danh tiếng cũng như bình dân ở Hà Nội, gặp gỡ và được mời ăn nhiều nên ông biết thưởng thức và chế biến nhiều món ăn đặc sắc của Thủ đô. Thời còn nhỏ, mỗi lần giỗ bà ngọai tôi, bác tôi, mẹ tôi cùng các cậu, các dì lại xúm vào lo bữa cỗ giỗ. Bác tôi tính cầu kỳ, ông bỏ cả ngày hôm trước để lo thực phẩm thật chu đáo, thật sạch sẽ, vì làm ngành y nên ông rất am tường cách chọn và bảo quản đồ ăn thức uống. Thủa nhỏ, được về ăn cỗ giỗ bà ngoại, tôi nhớ nhất mấy món lạ như súp vây cá mập, nấm hộp hầm cua bể, bê thui chấm tương gừng, món chè sen nhãn lồng tráng miệng... Những thứ mà chỉ ăn có vài lần trong đời nhưng nhớ mãi không bao giờ quên.
Bác tôi đã mất trên 20 năm nay, theo thường lệ cứ đến ngày giỗ, gia đình, anh em chúng tôi lại tập trung về nhà anh trưởng, nơi đặt bàn thờ bác, để thắp hương và cả nhà lại đầu tắt mặt tối làm một bữa cỗ thịnh soạn mời họ hàng. Nhà chật, trời mùa hè nóng. Đến ngày giỗ là phải trải chiếu phủ giấy báo xuống đất, ngồi kín cả gian nhà. Người nọ ngồi sát người kia, ăn xong bữa cỗ thì mồ hôi vã ra như tắm và chân mỏi nhừ vì phải ngồi bó giò cả buổi. Đồ ăn thức uống thì ê hề và tuyệt ngon vì các bà chị tôi vẫn giữ được các kĩ thuật mà bác tôi truyền lại, chỉ có cái khổ là nhà quá chật lại nằm trong ngõ giữa khu phố xưa của Hà Nội, có muốn dựng rạp cũng chẳng biết dựng vào đâu.
Tuy chật, tuy nóng nhưng mỗi lần về dự đám giỗ bác tôi là các anh chị em chúng tôi đều cảm thấy đầm ấm, quây quần bên nhau. Bác gái tôi tuy đã trên 90 tuổi, chỉ ngồi một góc giường nhưng khi con cháu, họ hàng về dự giỗ thì trên nét mặt cụ vẫn rạng lên nét vui mừng vì được gặp lại họ hàng, con cháu thân thương. Ai cũng cảm thấy trong giờ phút thiêng liêng ấy bác đang về với con với cháu và gia đình.
3. Chiều qua, tôi mang đồ lễ đến dự đám giỗ bác tôi như thường lệ mọi năm. Lạ thay, vào đến cuối ngõ mà chẳng thấy tiếng cười nói ồn ào. Chẳng thấy xe pháo của mọi người đâu cả. Bước chân vào nhà, bác gái tôi vẫn thui thủi ngồi một mình trên góc giường. Bà chị tôi từ dưới bếp chạy lên nói nhỏ: “Cậu thắp hương đi rồi sang nhà hàng bên phố Quán Sứ. Mọi người đang chờ bên ấy. Chị chia chút lộc hoa quả rồi sang sau”.
Tôi bắc ghế trèo lên thắp hương khấn bác, chào bác gái lúc đó vẫn đang ngồi bất động trên giường, rồi tôi theo chỉ dẫn lên tầng 3 của một nhà hàng sang trọng, vách tường lát toàn kính trong suốt.
Qua hai tầng cà phê, giải khát máy lạnh mát rượi, tôi lên tầng 3. Bàn ghế đã sắp đầy đủ, khăn bàn trắng tinh, các món đã dọn lên. Trên tường một tivi màn hình phẳng khổ lớn đang sôi nổi truyền trận đấu bóng. Bố tôi, cậu tôi và các dì, các cháu đã khá đông đủ. Người thì trò chuyện, người thì dán mắt lên màn hình. Ông anh trưởng đã có mặt từ trước nhưng mọi người muốn chờ cho đông đủ cả nhà rồi mới bắt đầu.
Nửa tiếng sau bà chị tôi và các dì mới đến đủ. Cả nhà nâng cốc và các nhân viên nhà hàng ăn mặc đồng phục áo in hoa trên nền vàng như ở xứ Hawaii (Mỹ) bê đồ ăn được trang trí cầu kỳ như trong các tiệc cưới hay các bữa ăn sang trọng. Bóng điện xoay loang loáng gợi cho ta không khí của một vũ hội.
Tôi ngồi thẩn ra và nhớ bác tôi. Hình ảnh ông như hiện về đâu đây.
Ước gì trên màn hình lúc này có một đoạn phim, dù chỉ một phút, ghi cảnh nào đó về sinh thời của bác tôi: Đạp chiếc xe cà tàng với tiếng chuông reng reng đến từng nhà trẻ, mẫu giáo và ngõ hẻm để tiêm chủng, khám chữa cho trẻ con nhà nghèo...
Vũ Thế Long