Kỳ 2: Từ curator đến...“cò” dự án nghệ thuật

14/08/2009 14:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Những điều mà các tay “giám tuyển”, những “curator rởm” ấy nói, làm và viết là để làm gì? Có thể nói ngay cái đích họ muốn nhắm đến chính là những dự án nghệ thuật.  

Curator thật sự - rất ít

Một tác phẩm sắp đặt (Ảnh có tính chất minh họa)
Cứ lấy cái chuẩn của nghề curatorial thế giới mà soi, thì ở ta gần như chưa có các curator chuyên nghiệp. Một phần các thiết chế khập khiễng trong đời sống nghệ thuật của ta chưa sinh ra được nghề này một cách chuyên nghiệp. Thứ hai, để đạt đến trình độ chuyên gia đó, nói thực ra là rất khó, phải được đào tạo cực kỳ căn bản trong một thời gian dài. Những curator hàn lâm truyền thống ở các tổ chức nghệ thuật lớn, thường là phải có bằng tiến sĩ triết hoặc ít nhất là cao học về lịch sử và lý luận nghệ thuật. Những curator về nghệ thuật đương đại thì có thể có nhiều nguồn xuất thân và đào tạo khác nhau, các tác phẩm được họ thiết kế chọn lựa sẽ chứng minh nỗ lực tự học cũng như thực hành của họ.

Thực tế thì có một số người Việt Nam từng làm qua công việc của curator bậc một (tư vấn mua tranh cho bảo tàng, tổ chức một số triển lãm cá nhân hoặc triển lãm nhóm trong nước hoặc có yếu tố giao lưu quốc tế). Còn từ curator bậc hai đúng nghĩa trở đi, ở ta rất rất ít, đếm chưa hết đầu ngón của một bàn tay. Có một, hai người từng làm curator vụ việc cho một số bảo tàng hay các dự án nghệ thuật nước ngoài. Họ vốn là các họa sĩ nổi tiếng, hoặc là chuyên gia về phê bình lý luận mỹ thuật nhưng chính họ lại ít khi tự thừa nhận mình là curator. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã cộng tác với Học viện Mỹ thuật UMEA (Thụy Điển) nhiều năm nay, từng mở một khóa tập huấn curator ngắn hạn do người của UMEA sang nói chuyện, nhưng chỉ trong phạm vi nội bộ các giáo viên của trường, và chủ yếu về chuyên môn curator cho bảo tàng.

“Nghệ thuật sứ quán”

Với nhu cầu nghệ thuật đương đại trong bối cảnh văn hóa Việt Nam hiện tại từ mươi mười lăm năm nay, hầu hết những thể nghiệm hay dự án nghệ thuật đương đại có nguồn kinh phí từ chính nghệ sĩ tự góp lại, một số rất ít nhà hảo tâm cộng vài quỹ tài trợ nước ngoài. Cho tới nay, mới có đúng một dự án lớn mang tính chính thống được đầu tư trên “phương diện quốc gia” là Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc năm 2007 với gần 60 tác giả từ ba miền.

Nguồn kinh phí đều đặn và có “màu” nhất vẫn là các quỹ văn hóa có yếu tố ngoài nước, hoặc các trung tâm văn hóa nước ngoài. Những nơi này vẫn liên tục lập các chương trình năm và dự án nghệ thuật, để nghệ sĩ đương đại triển lãm tại địa chỉ của họ. Hình thức đầu tư này sinh ra một loại hình nghệ thuật, mà có nghệ sĩ từng gọi là nghệ thuật sứ quán (Embassy art).

Những dự án nghệ thuật sứ quán này cũng muôn hình muôn vẻ. Nó có mặt tốt là luôn hướng tới những vấn đề cộng đồng hoặc những câu chuyện mang ý nghĩa xã hội rộng rãi, cũng như đưa nghệ sĩ và người xem vào hít thở bầu không khí chung của nghệ thuật thế giới. Nhưng tựu trung lại thì nó không thể tránh khỏi một sự thật hiển nhiên là ảnh hưởng ý muốn của những người đầu tư kinh phí, với những kết quả kiểu như “tỷ số bóng đá giao hữu” vốn như phải thế... Kèm việc tuyên truyền cho văn hóa từ quốc gia có quỹ đó.

Tư vấn cho nghệ sĩ chứ không phải “giám định, tuyển chọn”

Từ các dự án nghệ thuật này sinh ra một loại curator, với cách hành xử kỳ quặc và khó hiểu. Chữ “curator” được dịch thành chữ “giám tuyển”, và lập tức được họ tuyên xưng lia lịa trong các lần trả lời phỏng vấn trên báo mạng. Trong chữ Hán - Việt, không có từ nào như thế này, chắc họ tìm cách ghép từ “giám định tuyển chọn” thành “giám tuyển”.

Tôi không tán thành với cách dịch này. Bởi trước hết là ý nghĩa của từ “giám” không liên quan tý nào với từ curator. Chữ “giám” này đồng nghĩa với các từ đã có như: giám thị, giám ngục, giám đốc, giám sát, giám định... Chữ giám này hàm nghĩa canh chừng, soi xét. Một trạng thái đứng cao hơn và phán xét người khác “tao chọn mày, mày vinh dự lắm mới được đứng trong hàng các nghệ sĩ thời thượng tiền phong đấy”. Điều này là đi ngược tinh thần dân chủ và rất... xược. Bởi như đã nói ngay từ đầu, curator là người phục vụ nghệ sĩ (họ chỉ làm nhiệm vụ kích thích nghệ sĩ, tư vấn, diễn giải và “chỉ điểm” cho các nhà đầu tư cũng như công chúng nghệ thuật) chứ không phải là... “bố” của nghệ sĩ để mà giám định hay tuyển chọn cái gì (họ cũng không có thực quyền để làm điều này, quyền chọn lựa là của các nhà tổ chức và người mua tác phẩm). Nếu cần dịch, thì dịch curator là nhà tư vấn nghệ thuật (hoặc mỹ thuật) là đầy đủ nghĩa nhất. Tuy vậy vẫn hơi dài, cứ gọi là... curator là “gọn ghẽ” nhất).


Tác phẩm của Quang Huy, sử dụng bộ sưu tập từng đoạt giải nhất
Grand Prix Collection (Ảnh có tính chất minh họa)
Có một điều chắc chắn là những người tự nhận là “giám tuyển” này không bao giờ hướng các nghệ sĩ hoặc công chúng trẻ tới việc tìm vẻ đẹp và bản lĩnh nghệ thuật trong vốn nghệ thuật dân tộc. Cũng như họ luôn tìm cách né tránh việc khuyến khích nghệ sĩ trẻ tìm đúng cá tính của mình, dấn thân vào thực tế rồi tự âm thầm kiên nhẫn sáng tác một mình.

Loại “curator rởm” này chỉ lo mình nói gì, phát hiện ra và làm những việc cũ rích nhưng lại luôn tuyên bố là mình làm đầu tiên. Họ không hề sống sâu sát với đời sống nghệ sĩ mà thường tự vẽ lên một ý tưởng rồi đi nhặt tác phẩm ghép vào để minh họa cho ý tưởng của mình. Các “dự án” họ từng thực hiện toàn dúi vào mấy nơi quán xá nghệ sĩ tụ tập, quay đi quay lại lèo tèo mấy qương mặt quen. Tuyên truyền rất nặng về hô hoán trên mạng, nhưng hoạt động thực nơi công cộng thì rất ít, và tất nhiên hiệu quả tác động xã hội cũng rất ít.

Nhưng những điều mà các tay “giám tuyển”, những “curator rởm” ấy hành động, những điều họ làm, họ nói, viết ấy là để làm gì? Có thể nói ngay cái đích họ muốn nhắm đến chính là những dự án “nghệ thuật sứ quán” có tính chất giao hữu, giao đãi, hoặc là các dự án nghệ thuật có tính sân khấu - truyền hình của các công ty cần trưng ra lăngxê. Những “giám tuyển” kiểu này muốn làm cầu nối, làm “giám” và “tuyển” tác phẩm cho những dự án đó. Tất nhiên là họ sẽ được hưởng thù lao từ công “giám” và “tuyển”. Công bằng mà nói, các “cò dự án nghệ thuật” này mến danh hơn tiền.

Vũ Lâm

Kỳ cuối: “Trong trị giá nghệ thuật, kỳ quặc và khó hiểu là bịp bợm”

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm