(TT&VH) - Qua báo chí tôi được biết là Sở VH,TT&DL Quảng Ngãi đang vận động các họ tộc trên đảo và vùng ven biển còn lưu giữ hiện vật liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa hiến tặng để trưng bày. Huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang gấp rút hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa”. Nhân đây tôi xin giới thiệu một tài liệu quý mà gia đình tôi đang lưu giữ.
Quần đảo Hoàng Sa (còn gọi là Tây Sa) được các chúa Nguyễn khai thác và xác định chủ quyền từ thế kỷ 18. Các chúa Nguyễn sớm nhận biết nguồn lợi từ các đảo xa bờ, hàng năm sai lính và dân ra thu nhặt hải sâm, ốc hoa, đồi mồi, ba ba, tổ yến. Tháng 7 năm Giáp Tuất (1754) chúa Nguyễn Phúc Khoát cho đặt đội Hoàng Sa 70 người sai trấn thủ các đảo Hoàng Sa, Côn Lôn, Bắc Hải và 130 bãi cát cách nhau hàng ngày đường, gọi là Vạn Lý Hoàng Sa.
Tin về Hoàng Sa trên báo Đuốc Tuệ năm 1938
Tháng 7/1938 quân đội Nhật Bản định chiếm đóng Hoàng Sa, nhưng bị nhà chức trách Pháp với danh nghĩa bảo hộ Việt Nam, đã cho tàu chiến ra ngăn chặn. Sau một hồi tranh cãi, người Nhật đã đồng ý rút lui khỏi Hoàng Sa. Sự việc này được báo Đuốc Tuệ, cơ quan của Hội Phật giáo Việt Nam đăng tải tại trang 41 số 91 ra ngày 15/8/1938. (Báo có 48 trang khổ 15cm x 22,5cm, xuất bản mỗi tháng hai kỳ vào ngày mồng 1 và 15 dương lịch. Cha mẹ chúng tôi là những người sùng đạo Phật mua đọc, còn để lại). Nội dung bài báo là:
Bảo hộ thay mặt nước Nam đã cho tầu chiến ra trú phòng và cho hiến binh lên một hòn trong quần đảo Tây Sa giữ quyền địa chủ. Người Nhật trước còn kháng nghị, sau cũng êm, xin lính nước Pháp bảo hộ cho Nhật kiều lấy chất bón ở đấy và xin cấp cho họ ít sắt. Ngày 15/7 vừa rồi người Nhật đem tầu chiến đến chiếm lấy một hòn đảo khác trong quần đảo Tây Sa. Trong quần đảo Tây Sa này có hai hòn to còn thì bé nhỏ quá và có nhiều hòn còn lờ mờ dưới nước. Bảo hộ giữ được một hòn to ngay giữa đường tầu đi Hồng Công - Sài Gòn, còn hòn kia thì ở cách xa, xế về mé Đông.
Nếu điển cố mà có thế lực trong quyền sở hữu đảo Tây Sa tức Hoàng Sa này, phi nước Nam không còn ai nữa. Bởi vậy các báo đã lục đăng hết những văn-thư của bản triều có can hệ đến đảo Hoàng Sa ra. Nhưng một cái chúc-thư vừa lâu vừa có giá trị hơn cả là ở trong sách “Phủ biên tạp lục” của cụ Lê Quý Đôn chép từ Hậu Lê, nói về chúa Nguyễn đệ niên cho đội lính làng An Bình, Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa lấy hải vật, có cả đoạn công văn chúa Nguyễn sai quan phúc đáp quan Huyện bên Tầu hộ tống 2 tên lính đội Hoàng Sa bị bão rạt sang bên ấy về nước ta. Việc vào năm Càn Long thứ 19 (1754). Báo Tiếng-Dân đã lục tường. Coi đó biết cái học cụ Lê Quế Đường thực dụng là dường nào”(xem ảnh chụp bài báo).
Năm 1938 là thời gian nước Nhật ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh thế giới lần thứ hai, họ rất cần đặt các cứ điểm quân sự ngoài khơi, nên đã tìm đến quần đảo Hoàng Sa. Song quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam, các báo chí Việt Nam rầm rộ trưng dẫn tài liệu lịch sử, làm hậu thuẫn cho chính quyền bảo hộ Pháp có chứng cứ đấu tranh, và người Nhật phải đồng ý tôn trọng sự thật lịch sử đó.
Năm 1938 nhà chức trách Nhật Bản đã xử sự như vậy, công nhận Hoàng Sa của Việt Nam.
Vũ Kim Biên (nhà nghiên cứu, ĐT 02103.840248)