(TT&VH) - Ngày 9/7 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà phê bình Hoài Thanh. Đây là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, thân thế và sự nghiệp lớn lao của ông trong nền văn học Việt Nam.
Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15/7/1909 tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Với nhiều cống hiến to lớn của mình cho văn học Việt Nam, năm 2000, nhà văn Hoài Thanh đã được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh. |
1. Mười năm Thơ Mới là cả một thời đại. Thời đại của sự giải phóng tình cảm cá nhân, của sự tự do nảy nở cá tính sáng tạo. Tác giả Thi nhân Việt Nam đã viết một cách sảng khoái, tự tin: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu. Từ người này sang người khác sự cách biệt rõ ràng. Cá tính con người bị kiềm chế trong bao nhiêu lâu bỗng được giải phóng. Sự giải phóng có thể tai hại ở chỗ khác. Ở đây nó chỉ làm giàu cho thi ca. Cái sức mạnh súc tích từ mấy ngàn năm nhất đán tung bờ vỡ đê. Cảnh tượng thực là hỗn độn”.
Hoài Thanh (cùng với người em là Hoài Chân) thực đã hồn nhiên và táo bạo khi tự đứng ra làm tuyển Thi nhân Việt Nam. Nhưng ngẫm kỹ thấy đó cũng là điều tự nhiên. Nhà phê bình tuổi trẻ ngang như các nhà Thơ Mới cùng lứa. Các nhà thơ có tài làm thơ, còn nhà phê bình thơ có tài thẩm thơ. Họ đồng điệu tâm trạng và cảm xúc trong thời họ sống. Họ đầy nhiệt tình và tự tin trong thơ ca. Và họ được sáng tạo như để sống và để chết. Bởi đó mới có Thi nhân Việt Nam như một tổng kết của phong trào Thơ Mới, như một tuyển tập những bài thơ hay, như một đài thơ tôn vinh những người thơ tài năng.
Nói tới Thơ Mới không thể không kể tới Hoài Thanh và công trình để đời này của ông bên cạnh các thi nhân lừng danh với các thi phẩm nổi tiếng của họ. Thử hỏi ở xứ ta văn học hiện đại đã có một tuyển thơ nào có một giá trị chứng nhận lớn lao như vậy chưa? Giới thiệu một tác giả thơ chỉ cần một dòng đề trong tiểu sử: “Có tên trong Thi nhân Việt Nam”, thế là đủ tăng thêm vinh dự cho tác giả và tăng độ tin thơ cho độc giả.
Không phải Hoài Thanh đã tuyển chọn mười phân vẹn mười được cả. Không phải những người khác không có tên trong tập tuyển là đều không đáng chú ý. Nhưng cứ “có tên trong Thi nhân Việt Nam” là như một bảo đảm chắc chắn rồi. Cho mãi đến sau này, khi gợi nhớ lại nữ sĩ Ngân Giang bị lãng quên trên thi đàn, một nhà ngôn ngữ học có tiếng đã phải ngậm ngùi cho nữ sĩ là “nổi tiếng từ 1930-1945 mà Thi nhân Việt Nam không kịp nhắc đến”. Được đảm bảo bằng Thi nhân Việt Nam! Đời một nhà phê bình còn gì sung sướng và tự hào hơn thế nữa.
Mới hay phê bình rất cần tự do. Tự do lựa chọn cái mình thích theo chuẩn của mình. Tự do khen chê thưởng thức, bình giá theo ý mình, theo năng lực và năng lượng cảm xúc của mình. Tự do chịu trách nhiệm sự thẩm bình và đánh giá của mình. Hoài Thanh không bị ràng buộc gì khi làm Thi nhân Việt Nam ngoài hai điều ông tự ràng buộc mình: “Khi xem thơ chỉ biết có thơ” và “Giữ lòng ngay thẳng, ít nhất là trong văn chương”.
Sau này nhà phê bình về già cũng có lúc có ý định làm một tuyển “Thi nhân Việt Nam mới”. Nhưng ông lấy làm buồn vì bận nhiều công việc mà đã không thực hiện được ý định. Song le, nếu ông có bắt tay vào làm thì chắc cũng vất vả, khó nhọc lắm, phần vì thực trạng thơ ca đã khác, phần vì nhiều hệ lụy sẽ níu kéo ông, khi đó hai điều ông tự ràng buộc mình sẽ có cơ bị nới lỏng hoặc đứt mất.
2. Sinh thời, tôi nghĩ, ông có một nỗi oan và một nỗi ức. Nỗi ức là từ năm 1935 khi ông cho rằng “văn chương là văn chương”, viết văn phải có phẩm tính văn, những sự tải đạo trong văn cũng là cần, nhưng nếu người viết văn chỉ thế thôi thì chỉ mới là người cầm bút, chưa phải nhà văn, chỉ vì thế mà ông bị cáo buộc là theo phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” , là đứng về giai cấp phú hào, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân lao động. Ông quyết không chịu bị quàng vào mình cái tiếng ấy, và cực lực phản đối.
Dịp kỷ niệm trăm năm sinh của ông hôm nay, đọc lại tập những bài viết của Hoài Thanh trên báo Tràng An những năm 1935-1936 mới được sưu tập, in ra, độc giả sẽ thấy ông hoàn toàn là nhà văn vị nhân sinh nhưng vẫn rất bảo vệ chất văn, chất nghệ thuật của văn chương, cái mà thiếu đi thì văn chương không còn là văn chương nữa. Nỗi ức này còn để lụy cho ông nỗi oan cuối đời. Nỗi oan trong câu thơ vẽ chân dung ông: “Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên” của Xuân Sách. Thực hư chuyện này chỉ cần mở ra đọc lại các bài ông bình thơ của các nhà thơ từng ở những vị trí lãnh đạo thời ông sống sẽ có câu trả lời thỏa đáng. “Khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ” đó là điều “thiên lương” mà tôi chắc ông đã cố giữ gìn, nâng niu.
Tưởng nhớ ông một trăm năm sinh, thiết thực nhất là ta nghe lại những lời ông nói năm 1935 trên báo Tràng An để chấm dứt cuộc biện luận đã khiến ông mang nỗi ức mãi về sau: “Mục đích của tôi, trong cuộc biện luận này, không có gì khác hơn là yêu cầu cho nhà văn được hưởng một tý tự do (...) Ngoài bao nhiêu sự ràng buộc của tự nhiên, của pháp luật, tôi không muốn thêm một sự ràng buộc của dư luận nữa. Tài là vật quý, quý nhất trong đời này. Làm sao người ta lại nỡ lấy những phép tắc, những khuôn sáo, những sự ngu muội giữa đời mà kiềm thúc, mà hạn chế cái tài là vật bản tính ở trên hết mọi phép tắc, mọi khuôn sáo?”.
Phạm Xuân Nguyên