Cuộc hội ngộ của những nhà văn trẻ vượt lên cái chết

06/07/2009 15:24 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ngày 8/7 tới, tại NXB CAND sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ những tác giả trẻ nghị lực: Nguyễn Hồng Công (Khát vọng sống để yêu, Ở trọ trần gian), Nguyễn Văn Toán (Những ngọn đèn trước gió) và Nguyễn Ngọc Sơn (Xin đừng khóc nữa mẹ ơi)… Những tác giả trẻ mắc bệnh hiểm nghèo trên đã góp phần làm nên tủ sách “Chuyện đời tôi” với những câu chuyện nhân văn, những bài học nghị lực cho mọi thế hệ trẻ…

Không khuất phục trước số phận

 Tác giả trẻ Nguyễn Hồng Công
Nguyễn Ngọc Sơn
Nguyễn Văn Toán
Điều đáng trân trọng đối với những tác giả trẻ nghị lực trên là họ đã nỗ lực vượt lên trên số phận. Nguyễn Hồng Công, cô gái sinh năm 1978, tại xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, là “công dân” của “xóm chạy thận” của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) 12 năm. Một thời gian không phải là ngắn đối với cuộc đời tươi trẻ của cô nữ sinh trung học. Những tưởng tất cả đã khép lại, chị tâm sự: “Lúc mắc bệnh suy thận em mới có 18 tuổi, em nghĩ mình đã sẵn sàng đón nhận cái chết đến từ từ. Nhưng ngay lúc đó em cũng nhận ra rằng em phải là chỗ dựa vững chắc cho bố mẹ, nhưng em thấy tiếc lắm khi chưa làm được gì cho cuộc đời này”.

Nhưng qua báo chí, tác giả trẻ Nguyễn Hồng Công đã tình cờ biết đến tủ sách "Chuyện đời tôi" của NXB CAND, một tủ sách mang tính nhân văn sâu sắc. Là người thiệt thòi và bất hạnh, nên Hồng Công cũng muốn để lại gì đó cho đời. Chị đã mạnh dạn liên hệ với nhà văn Đặng Vương Hưng, và được các anh chị biên tập ở NXB CAND nhiệt tình giúp đỡ, khuyến khích viết sách. Ngày đó chưa có máy tính, phải viết tay, viết đi viết lại và sửa chữa rất nhiều, nhưng nhờ sự hướng dẫn kiên trì của nhà văn Đặng Vương Hưng, chị đã ra mắt thành công và gây sự chú ý của dư luận qua cuốn sách Khát vọng sống để yêu và trở thành một nữ tác giả trẻ.

Chàng trai Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1979, tác giả cuốn sách: Xin đừng khóc nữa mẹ ơi vốn là cử nhân trường Đại học sư phạm Hà Nội. Sau hai năm học văn bằng hai Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền) anh đã có trong tay hai bằng đại học chính trong đó có một bằng loại giỏi, được cấp chứng nhận cao cấp lý luận chính trị, được bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo về thành tích nghiên cứu khoa học và được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Nhưng đúng vào lúc những ước mơ của tôi sắp thành hiện thực thì bệnh tật đã đe dọa cướp đi của tôi tất cả: tôi bị suy thận giai đoạn cuối. Muốn duy trì sự sống tôi phải chạy thận nhân tạo” – Sơn tâm sự.

Vượt khỏi khuôn khổ những cuốn sách thông thường

Sau khi xuất bản Xin đừng khóc nữa mẹ ơi, Sơn được nhiều cơ quan đoàn thể mời đến nói chuyện trong các chương trình giao lưu, nói chuyện chuyên đề của các trường học, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh Phú Thọ như: Trường Cán bộ quản lý giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ; Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng… và nhiều trường THPT, THCS… Anh cũng được trao các giải thưởng như: Giải thưởng cá nhân của Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi năm 2008, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về thành tích trong lao động, rèn luyện…”

Anh hồ hởi kể về cuốn sách sắp ấn hành với tựa đề Không là cơn gió thoảng qua với mong muốn cuốn sách chính là lời tri ân với cuộc đời.

Góp phần làm giàu lên những tấm gương nghị lực cho tủ sách “Chuyện đời tôi”, chàng sinh viên trẻ Nguyễn Văn Toán 18 tuổi, bệnh nhân ung thư máu từng muốn buông xuôi tất cả. Nhưng khi đến với tủ sách “Chuyện đời tôi”, anh đã góp vào tủ sách một câu chuyện rất cảm động về những bệnh nhân ung thư máu. Anh tâm sự: “Tôi rất muốn mọi người có một sự chia sẻ và cảm thông với những bệnh nhân ung thư máu như chúng tôi. Tất cả những người bệnh đã nỗ lực hết mình để giành lấy cuộc sống. Họ đầu hàng số phận không phải vì họ thiếu nghị lực mà số phận đã quá nghiệt ngã với họ”.

Anh từng bỏ học gần hai năm vì hành trình chữa bệnh dài dằng dặc. Nhưng cuối cùng niềm vui lớn đã đến với Toán, anh đã được nhận trở lại trường để sống và thực hiện giấc mơ đèn sách của mình.

Nhà văn Đặng Vương Hưng, người bỏ nhiều công sức thu thập bản thảo và giúp đỡ những tác giả trẻ không may mắn viết và hoàn thành tác phẩm cho tủ sách “Chuyện đời tôi” tâm sự: “Chỉ trong gần 3 năm, NXB CAND đã cho xuất bản hàng chục tác phẩm của gần 30 nhân vật và tác giả “Chuyện đời tôi” như thế. Theo ông, hiệu ứng của các tác phẩm như: Khát vọng sống để yêu Ở trọ trần gian của tác giả Nguyễn Hồng Công; Xin đừng khóc nữa mẹ ơi của tác giả Nguyễn Ngọc Sơn; Vẫn tin ở ngày mai của cố tác giả Lê Minh Nguyệt; Những ngọn đèn trước gió của Nguyễn Văn Toán… đều đã vượt ra ngoài khuôn khổ của những cuốn sách thông thường, các anh chị đều đã trở thành những “điển hình đặc biệt”, để nhiều bạn trẻ và những người không may mắn noi theo, cùng sống đẹp, sống có ích và khát vọng được cống hiến cho xã hội.

Thu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm