Diễn Đời cười bằng tiếng Anh 100%!

26/06/2009 16:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong phiên bản“Đời cười” bằng tiếng Anh được công diễn vào tối 24/6/2009 vừa qua, các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ đã thể hiện 100% lời thoại bằng tiếng Anh, chứ không hề sử dụng phụ đề, thuyết minh hay lồng tiếng.

Lên bổng xuống trầm, đủ cả “giao đãi” lẫn những câu “nhấn nhá”, cách các nghệ sĩ Sỹ Tiến, Nguyệt Hằng, Quỳnh Dương… thể hiện lời thoại trong vai diễn của mình còn giàu sức biểu cảm một cách bất ngờ, chứ không chỉ dừng ở mức nói lưu loát, không vấp, không gượng. Có thể thấy được điều đó qua tiếng cười và những tràng vỗ tay từ khán giả trong khán phòng. Tất nhiên, đa phần trong số họ đều có quốc tịch nước ngoài - đối tượng mà Nhà hát muốn tập trung hướng tới khi xây dựng chương trình này.


Cảnh trong Trình diễn với thế giới 2

Với tên gọi “Trình diễn với thế giới 2”, 6 tiểu phẩm trong đêm diễn đều được lựa chọn từ các chương trình biểu diễn của kịch Tuổi trẻ trong 6 năm qua: Qua sông, Chơi trò diễn ba diễn má, Phòng trút giận, Lá rụng - Giấc mơ hạnh phúc, Ông già cõng vợ đi chơi hội. Và để có thể đọc thoại một cách “ngon lành” bằng tiếng Anh, hơn một chục diễn viên và đạo diễn NSND Lê Hùng (Giám đốc Nhà hát) đã bỏ ra 6 tháng trời tập luyện, với sự giúp đỡ của một số chuyên gia đến từ Trung tâm Tiếng Anh Apolo.

Mọi chuyện không đơn giản là dịch lời thoại, rồi bắt diễn viên học thuộc và “ghép” - đạo diễn NSND Lê Hùng cho biết. Theo lời ông, các tiểu phẩm này đều phải “vỡ” lại một lần nữa về cấu trúc, sao cho dễ hiểu hơn và phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khách du lịch nước ngoài. Chuyện phối hợp nhuần nhuyễn giữa lời thoại “mới” và diễn xuất cũng là một thách thức với các gương mặt tham gia, để vượt qua thói quen thoại bằng tiếng “mẹ đẻ” vốn đã tồn tại với các diễn viên trong suốt nhiều năm qua. Và 6 tháng trên sàn tập là 6 tháng “cực khổ” với thầy trò ông, cho dù chương trình đã ưu tiên tuyển chọn những diễn viên có vốn tiếng Anh tốt nhất trong Nhà hát Tuổi trẻ (Điển hình là Sỹ Tiến - người vừa là diễn viên, vừa là trợ lý đạo diễn cho NSND Lê Hùng trong chương trình).

Khi được hỏi về khả năng thu hút khán giả, vị đạo diễn này cho biết: Chương trình này đã được khẳng định về sức hấp dẫn đối với khán giả trong nước. Và, tôi tin, phiên bản tiếng Anh của nó cũng đủ sức hấp dẫn khán giả nước ngoài. Bởi cái mà chương trình đem lại không đơn thuần là tiếng cười. Đó còn là những câu chuyện mà cuộc sống hôm nay đặt ra. Chẳng hạn như tiểu phẩm Chơi trò diễn ba diễn má, đó là câu chuyện về những đứa trẻ đang ngày càng mất đi không gian và cuộc sống riêng của mình trong xã hội hiện đại, tới mức chúng muốn bắt buộc phải tự từ bỏ quyền được làm trẻ con của mình.

Theo lời ông, nếu mọi chuyện “xuôi chèo mát mái”, kịch Nhà hát Tuổi trẻ sẽ hướng tới một dự án xa hơn: dựng những vở kịch cổ điển bằng tiếng Anh và mang ra biểu diễn tại nước ngoài.

Hiện tại, sau chương trình biểu diễn mang tính “thăm dò” vào tối 24/6 vừa qua, “Trình diễn với thế giới 2” của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ bắt đầu được lên lịch biểu diễn cố định hàng tuần để phục vụ khách du lịch quốc tế. Trước đó, vào tháng 3/2009,“Trình diễn với thế giới 1” cũng được Nhà hát này xây dựng và thử nghiệm biểu diễn, với nội dung là tổng hợp của một số tiết mục múa dân gian và trình diễn nhạc cụ dân tộc.

"Tôi dựng chương trình này không chỉ đơn thuần nhằm phục vụ khách du lịch. Đi xa hơn, đó là một cơ hội rất tốt để các diễn viên trau dồi khả năng biểu diễn bằng tiếng Anh của mình. Khó thì khó thật, nhưng chúng tôi vẫn phải làm, bởi, đó là cái “ngưỡng” chắc chắn phải vượt qua nếu muốn đưa sân khấu Việt Nam ra ngoài biên giới” (NSND Lê Hùng).

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm