1. Năm 1991, tôi học lớp 6, 11 tuổi, ở cùng bố mẹ và em trai trong ngôi nhà cấp 4, mái ngói xi măng – nhà do Bộ Văn hoá cấp. Hè thì nắng nóng, mưa thì ngập phải chặn bao cát, tát nước bợt tay, nước ăn thủng chân mẹ tôi. Nhưng bố tôi không ngại mời, đón những “tao nhân mặc khách” đến chơi, giữ ăn cơm. Chiếc Simson nữ màu ghi xám, đã cũ, đạp long ruột mới nổ, là phương tiện để bố dùng chở khách quý. Hôm ấy, bố báo trước, nhà có khách đặc biệt. Tôi bò ra lau nhà, nền gạch men nâu bóng lên lau cả bàn đá, mấy chiếc ghế cũ. Mẹ tôi hối hả làm cơm. Thằng em tôi còi dí, cứ loanh quanh ở cổng gỗ, ngóng bố về.
Ngồi sau bố là một bác khổ người to béo, trán rộng, mặt rỗ, đeo kính đen. Bố tôi đưa bác vào tận nhà, và giới thiệu. “Đây là nghệ sĩ guitare Văn Vượng”.
Bác Vượng có chất giọng khoẻ khoắn, linh hoạt, phản ứng nhanh nhẹn, cách nói chuyện cuốn hút, hóm hỉnh.
Cảm nhận của tôi lúc ấy, là bác có đôi tai “thần kì” và giác quan thứ sáu siêu đẳng. Không có chút nào mặc cảm, khách sáo, bác ngồi xuống nền gạch, ăn cơm vui vẻ cùng cả nhà, đố vui, pha trò... hấp dẫn. Chưa hết ngạc nhiên, cả nhà lại được bác chơi đàn cho nghe. Bác không chỉ biểu diễn, mà còn dạy nhiều học trò chuyển soạn, sáng tác nhiều tác phẩm. Có chữ nổi cho người mù, nhưng không có loại đàn riêng. Bác phải nỗ lực phi thường mới có kỹ thuật, ngón nghề điêu luyện, vượt qua hoàn cảnh.
2. Bác kể, hồi 4 tuổi, bị thuỷ đậu nặng quá, chạy vào mắt làm hỏng cả hai, những vết rỗ là di chứng đậu mùa (tôi cũng có vài vết ở trán). Rồi bác học chữ, học đàn. Âm nhạc, đàn guitare là niềm vui say mê, nguồn an ủi, nâng đỡ bác. Một bác sĩ đã cảm phục, yêu thương và lấy bác, họ có một con trai, ở khu Nghĩa Tân, cách nhà tôi 1 km.
Hai ấn tượng mạnh hằn sâu trong trí nhớ tôi, là bác sử dụng và chơi guitare điệu nghệ. Rồi bác cho xem chiếc đồng hồ của bác, như mọi đồng hồ đeo tay bình thường và nói giờ. Cả nhà tôi ngạc nhiên và đến giờ, chúng tôi vẫn không thể hiểu được. Bố tôi đưa chiếc đồng hồ của mình để bác “xem giờ” trước lúc đưa bác về, cũng là để “thử” bác, thế mà bác Vượng đoán đúng. Hỏi giờ để khẳng định sự tài tình không lý giải được, và đáp án chính xác.
3. Bẵng đi 18 năm, vừa qua, tôi mới gặp lại bác bằng xương thịt khi nghệ sĩ Văn Vượng thể hiện bản nhạc Người Hà Nội, do ông chuyển soạn từ trường ca Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Đêm diễn Nhớ Nguyễn Đình Thi vẻn vẹn 55 phút, mất 20 phút cho các bài giới thiệu phát biểu, nên phần nghệ thuật, chỉ có 2 ca sĩ: NSND Quang Thọ, Phương Uyên, hợp xướng; quá ngắn và chưa đủ tầm, nên khán giả hụt hẫng. Chỉ có phần biểu diễn của NSƯT Văn Vượng là cảm động, ấn tượng nhất.
Trước khi đàn, ông tâm sự: “Tôi không có đôi mắt sáng để nhìn Hà Nội, nhưng tôi cảm nhận được nó qua nhiều thời kì và nhiều giai đoạn lịch sử, qua bài Người Hà Nội. Tôi nghe thấy tiếng chuông đền Ngọc Sơn, tiếng sóng nước Hồ Gươm, tiếng súng nổ toàn quốc khoáng chiến, tiếng vợ gọi chồng, con gọi bố những năm tản cư, tiếng đoàn quân đổ về các cửa ô Hà Nội...”. Những âm thanh đầy phố phường náo động và cả những khoảng lặng đã ùa vào ông nhịp đời trong tình yêu Hà Nội. Những ngón tay biến hoá tạo bè, tạo âm thanh tiếng chuông, nhịp đồng hồ, nhịp trống, nhạc nền trong cùng một thời điểm. Đến lúc này, khi đã trưởng thành, tôi mới thấy hết tài năng, sự khổ luyện, đam mê của người nghệ sĩ mù qua tiếng đàn. Không nên tránh sự so sánh, để khẳng định, tiếng đàn có hồn, lay động người nghe, tạo bè, đa âm chỉ với một chiếc guitare gỗ, không phải người mắt sáng nào cũng phân biệt được giữa thợ và nghệ sĩ, là khoảng cách của một người chơi đúng, chơi thành thạo với một người chơi sáng tạo, truyền cảm. Cảm xúc rất quan trọng để đánh giá tài năng qua sự thể hiện của nghệ sĩ với công chúng. Nói như hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền: “Nghệ sĩ và nghệ thuật đích thực, phải là nước sôi 1000C, 990C chỉ là nước nóng. Có người cả đời loay hoay vật vã mà không thể cố, không tìm nổi 1 độ để “sôi”.
Văn Vượng không nhìn thấy toàn cảnh khán phòng Nhà hát Lớn, ba tầng khán giả chăm chú nghe ông. Nhưng ông cảm nhận được sự trân trọng qua cách nghe im lặng và tràng vỗ tay dài. Ông chào và đi vào cánh gà. Nỗi khổ và hạnh phúc bao vây ông bằng bóng tối. Cây đàn gắn bó hơn nửa thế kỉ, là nguồn sáng, nguồn sống của ông.
Tôi biết ông đã có băng đĩa riêng và không ít lần lên truyền hình, sau lúc ồn ào, náo nhiệt, vẫn còn thiếu thốn nhiều. Những người mạnh khỏe, năng động có thể tự tìm tài trợ hay lao động để có tiền túi tự làm CD; song với Văn Vượng, dường như nhiều doanh nhân tài trợ đã quên để ủng hộ ông duy trì cuộc sống sáng tạo và tập hợp những bản nhạc thu thành CD để dâng hiến cho đời.
Bác Văn Vượng rất gần tôi, khoảng cách từ hàng ghế 3 lên sân khấu khoảng 5m. Trời cho bác trẻ lâu, hay do cặp kính đen che bớt nếp nhăn, mà trông bác vẫn hầu như vẫn thế, từ bước đi có chậm hơn và mái tóc với 18 năm tôi mới được gặp bác bằng xương thịt 18 năm đủ lớn một con người.
Tôi muốn tìm đến thăm nhà bác Văn Vượng, để nghe bác đàn. Chẳng cần nói gì, tiếng đàn chứa đủ tâm tư. Im lặng là đỉnh cao của âm thanh. Tôi biết, rồi mình sẽ cắt ngang sự yên tĩnh bằng câu đố khi đưa bác chiếc đồng hồ đeo tay mặt kính phẳng: “Bác xem hộ cháu mấy giờ”? để nhớ về buổi chiều 18 năm về trước.
Vi Thùy Linh (nhà thơ)