100 cảnh đầu tiên về “người con của rồng”

07/04/2009 14:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày nghỉ, trong căn phòng quây tạm trên “nóc” trụ sở Hội Điện ảnh, đạo diễn Minh Trí một mình “đánh vật” với những bản vẽ bộ phim Chuyện về người con của rồng. “Chúng tôi đã triển khai được 100 cảnh diễn xuất. Mỗi ngày phải “cày” được 10 cảnh. Làm cật lực thì đến cuối năm mới xong phần tiền kỳ” - anh tâm sự với TT&VH.

* Được biết, Chuyện về người con của rồng có 850 cảnh. Đã thực hiện được 100 cảnh. Với tốc độ 10 cảnh/ ngày, chắc chỉ 3 tháng nữa là có thể thấy một phần “vóc dáng” của bộ phim 3D, dài 100 phút đầu tiên “made in Việt Nam” rồi.

Đạo diễn Minh Trí
- Không đơn giản thế đâu. Với phim hoạt hình 3D, để có 1 cảnh hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là phác thảo bằng bút chì (vẽ 2D), sau đó nặn nhân vật trên công nghệ số; tiếp đến là diễn xuất động tác. Từ cảnh diễn xuất còn phải thêm các yếu tố như phong cảnh đi theo, kỹ xảo, các hiệu ứng đặc biệt... mới ra được một cảnh phim hoàn chỉnh. Trong lúc một nhóm nghệ sĩ đang triển khai các cảnh diễn xuất trên 3D, thì tôi vẫn đang bò ra để vẽ 2D trên giấy... Vì thế mới nói, cật lực thì cuối năm 2009 phim mới có thể vào hậu kỳ.
 
Bối cảnh làng Cổ Pháp nơi Lý Công Uẩn sống thời thơ ấu

* Đã khảo sát các cơ sở làm 3D ở TP.HCM, rồi đi Trung Quốc thăm các tập đoàn làm phim hoạt hình 3D ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu... Kết cuộc, lại chọn một đơn vị ở Hà Nội - Công ty 3D Sao La thực hiện dự án đặc biệt này. Ít tiền, hay vì một lý do nào khác?

- Bộ phim này không “rủng rỉnh” tiền như nhiều người nghĩ. Từ cơ sở là kịch bản được duyệt, chúng tôi cần từ 10-12 tỷ đồng để thực hiện dự án. Tiếc là chỉ được duyệt 50%. Trong khi đó, 1 bộ phim 2D có độ dài 10 phút bây giờ cũng được duyệt giá 500 triệu đồng.

Chuyện về người con của rồng dài 100 phút, lại là phim 3D, điều kiện làm loại phim này ở VN đang “thiếu đủ thứ” - thiếu nhân lực; thiếu cơ sở hạ tầng... nhưng giá sản xuất 10 phút phim cũng chi tương đương với 10 phút phim 2D thông thường khác. Đó là chưa kể, lâu nay phim hoạt hình của ta, đặc biệt là phim 3D mới chỉ làm về các con vật và cũng chỉ có vài nhân vật/ phim. Còn Chuyện về người con của rồng có tới hơn 50 nhân vật, lại là các nhân vật lịch sử cách nay hơn 1.000 năm về trước, đòi hỏi người làm phim phải nỗ lực vượt bậc trong việc thể hiện diễn xuất sao cho sinh động và ra tính cách của mỗi nhân vật. Đó là chưa kể đến sự phức tạp của các bối cảnh cung đình, chất liệu, màu sắc trang phục của mỗi nhân vật.

Vì ít tiền, nên chúng tôi phải “liệu cơm gắp mắm”. Công ty 3D Sao La có 15 họa sĩ vẽ trên máy, đã từng tham gia làm một số phim hoạt hình 3D như: Trung Thu của dưa hấu, Thỏ và rùa, Chú heo may mắn. Tất thảy có khoảng 50 người tham gia làm bộ phim này. Không nhiều, vì 1 phim hoạt hình 10 phút cũng cần tới 25 người rồi.

* Có ý kiến cho rằng, phim hoạt hình sẽ giải quyết được những điều được xem là “khó” đối với phim truyện trong điều kiện làm phim ở ta hiện nay như: bối cảnh, trang phục, những đại cảnh lớn... Là người trực tiếp thực hiện dự án phim hoạt hình lịch sử, anh có nghĩ như vậy?

- Với phim hoạt hình 3D, nước và các đại cảnh là một thách thức. Sang Trung Quốc, đến tập đoàn phim hoạt hình nào chúng tôi cũng nhận được câu hỏi: Phim này có nhiều cảnh nước không? Nhiều đại cảnh sử dụng đông nhân vật không? Để thực hiện những cảnh loại này cần kinh phí lớn, kỹ thuật cao và tốn thời gian. Họ bảo, với kịch bản này, điều kiện đầy đủ như họ cũng cần tới 3 năm để sản xuất. Trong khi ta chỉ có chưa đầy 2 năm, lại thiếu đủ thứ, kể cả kinh nghiệm.

Tuy vậy, Chuyện về người con của rồng vẫn có nhiều cảnh khó nhưng không thể bỏ được như: cảnh cậu bé Lý đi chơi với cá chép trên sông; cảnh cá chép hóa rồng; những cảnh rồng bay trên mây, chui xuống nước; cảnh tay cậu bé Lý phát sáng...
 
Cậu bé Lý trong Chuyện về người con của rồng

* Một trong những điểm yếu của phim hoạt hình Việt chính là khâu lồng tiếng. Anh có giải pháp gì khắc phục nhược điểm này ở bộ phim Chuyện về người con của rồng?

- Đó cũng là một thách thức. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm những nhóm thoại chuyên nghiệp nhất và cũng sẽ đưa phim sang Trung Quốc thực hiện hòa âm, đưa vào phim những tiếng động giả... với mong muốn âm thanh của phim “sạch nước cản”.

* Với một kịch bản đẫm chất huyền thoại sẽ là khó khăn, hay thuận lợi đối với các nhà làm phim khi quá trình sản xuất xét cho cùng vẫn đang trong quá trình mày mò, thể nghiệm?

- Kịch bản đã gợi cho tôi nhiều cảm hứng và tôi đã phát huy sức tưởng tượng ở mức tối đa. Bên cạnh tôi có các họa sĩ chính là Mai Long, Phương Hoa, Lý Thu Hà... Chúng tôi đã đi thực tế ở Bắc Ninh, Ninh Bình... tìm hiểu kỹ các kiến trúc thời Lý, hệ thống chùa cổ, để chắt lọc tư liệu thiết kế các bối cảnh. Đúng là kỹ thuật 3D ở VN vẫn còn manh mún và chưa chuyên nghiệp. Nhưng bằng vào những gì đã và đang làm, tôi dám chắc sẽ đem đến cho người xem những hình ảnh ấn tượng nhất về phim hoạt hình 3D đề tài lịch sử “made in Vietnam”.
 

Chuyện về người con của rồng

Bộ phim được xây dựng trên cơ sở những gì mà dân gian đã xây dựng về nhân vật Lý Công Uẩn. Chuyện về người con của rồng chủ yếu nói về tuổi thơ của vua Lý Công Uẩn thời gian ở Bắc Ninh. Chúng tôi đưa vào phim nhiều trường đoạn mơ, ảo, như: cậu bé Lý đối thoại với tượng Hộ Pháp trong chùa Cổ Pháp; đối thoại với khỉ; đối thoại với rồng ; điều khiển đàn chim sửa lại vườn rau bị dẫm nát... và giấc mơ dời đô của nhà vua trẻ sau này là khúc vĩ thanh đẹp của bộ phim.

Nguyệt Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm