Thu hồi chiếc tàu cổ được trục vớt: Khổ vì… cổ vật!

17/03/2009 10:35 GMT+7 | Tin di sản

(TT&VH) - “Nhiều người bảo tôi vớ bẫm. Ai biết, mấy tuần nay, cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa. Bao nhiêu tiền vốn bỏ ra hết, cộng thêm một đống nợ ngân hàng, không biết bao giờ tôi mới có lại số tiền hơn 200 trăm triệu này…” - anh Hà Công Chuông, người tổ chức trục vớt chiếc tàu cổ trên sông Hồng kể. Sáng qua 16/3/2009, chiếc tàu này đã chính thức bị thu hồi bởi UBND tỉnh Hưng Yên.

>> Trục vớt tàu cổ dưới sông Hồng

Phải giao nộp lại cả những hiện vật bị thất thoát

Cuối tuần qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã chính thức ra quyết định thu hồi con tàu cổ mà anh Chuông trục vớt từ giữa lòng sông Hồng. Sáng qua 16/3/2009, đại diện các cơ quan chức năng đã đọc quyết định trên tại hiện trường xã Đại Tập - nơi tàu cổ đang được cố định. Việc nghiên cứu, phục dựng tàu cổ sau khi thu hồi được giao cho Bảo tàng Hưng Yên. Còn trước mắt, trong lúc chờ tìm ra phương án “khênh” 2 mảnh tàu cổ về Bảo tàng Hưng Yên, công an xã Đại Tập vẫn có nhiệm vụ bảo quản, trông giữ con tàu đã gãy làm đôi này.
 
Anh Chuông và phần đuôi chiếc tàu cổ
 
Theo thông tin từ địa phương, sau khi tàu cổ được trục vớt vào ngày 5/3/2009, một số hiện vật trên tàu như bát, các mảnh đồng lá bọc ngoài tàu… cũng bị thất thoát vì nạn “hôi của” của những người xung quanh. Về phần mình, anh Chuông hiện đang có nhiệm vụ phải thông báo và kê khai rõ về số hiện vật nằm trong thân tàu khi vớt. Trong trường hợp trót để thất thoát những hiện vật đó, anh Chuông phải đi liên hệ và vận động họ cùng tham gia giao nộp lại cho Nhà nước. Nếu cố tình tổ chức buôn bán, tẩu tán cổ vật thì Chuông sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật - một cán bộ của ngành văn hoá Hưng Yên cho biết thêm.

Hiện tại, chiếc tàu vẫn đang được chính quyền xã Đại Tập huy động 4 công an và 12 dân quân để luân phiên trông giữ ngày đêm.
 
“Cần nhất ở anh Chuông lúc này là tinh thần hợp tác”

Tàu cổ thuộc về Hà Nội hay Hưng Yên?

Theo lời anh Chuông, chiếc tàu cổ khi vớt lên thuộc địa phận bờ sông phía Phú Xuyên, Hà Nội. Tuy nhiên, anh quyết định đưa tàu về bờ sông phía Khoái Châu, Hưng Yên với lí do: bờ sông khu vực này nước cạn hơn, thuận tiện cho việc cẩu tàu cổ lên bờ. Vậy tàu cổ thuộc về Hà Nội hay Hưng Yên? Khi được hỏi về điều này, ông Phạm Trung Hiếu cho biết: “Anh Chuông đưa cổ vật nhà nước (cổ vật dưới nước hay trong lòng đất đều thuộc sở hữu nhà nước - PV) về Hưng Yên, bởi vậy đương nhiên tỉnh Hưng Yên có trách nhiệm thu giữ, bảo quản chiếc tàu”.
Theo ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, sau khi tiến hành đưa tàu về Bảo tàng và lượng giá cho cổ vật này, UBND tỉnh sẽ tính kinh phí thực tế để thưởng cho anh Chuông theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, để nhận được phần thưởng, anh Chuông cũng cần phải có những hóa đơn, chứng từ, biên bản… để chứng minh được số tiền mình đã bỏ ra. Mọi chuyện chưa tiến hành thì khó có thể nói là Chuông sẽ nhận được bao nhiêu tiền. Nhưng cái cần nhất ở anh Chuông lúc này là tinh thần hợp tác - ông Hiếu cho biết.

Hiện tại, 2 tuần qua, anh Chuông vẫn cắm lều bạt ngủ lại trên bãi sông Hồng trong quá trình làm việc với địa phương. Theo lời anh, ngoài các thủ tục trong khi làm việc, anh vẫn được đề nghị khai báo thật chính xác về số cổ vật vớt được trên tàu.

“Dân trong vùng còn đồn ầm lên là tôi vớt được mấy bộ bát đĩa bằng đồng cổ. Trong khi thực tế, tất cả chỉ có vài cái bát thôi. Chẳng có chữ gì trên đó cả, nên tôi có cho người dân một cái, một cái thì nộp cho bảo tàng. Bây giờ, nếu họ yêu cầu thì tất nhiên tôi cũng sẽ đi tìm để xin lại cái bát ấy bằng được” - anh Chuông kể.

Nói về khoản tiền 224 triệu đồng bỏ ra, anh kể: lúc mới làm, tôi tưởng tất cả chỉ mất một tuần. Ai ngờ dưới cát là đất rắn, càng làm càng khổ. Mà cái nghề này đau lắm, đã trót làm, biết là lỗ nhưng vẫn phải cố vớt được lên để gỡ lại, nếu không thì mất trắng cả. Bây giờ, nợ ngân hàng Hưng Hà (Thái Bình) một đống tiền, vợ con tôi ở nhà ngày nào cũng điện lên hỏi xem có được mang tàu về bán không?

Rồi anh Chuông than thở: “Học hành ngắn nên tôi phải đi làm cái nghề vất vả này thôi. Khi đưa tàu vào bờ, họ bảo tôi vi phạm gì đó về việc khai báo trong lúc vớt cổ vật, tôi chẳng biết nói thế nào anh ạ. Cục quản lý đường sông đã có giấy đồng ý rồi, nhưng lúc đó họ chưa biết tàu ấy là cổ vật. Biết thế này, tôi đã tránh xa, chẳng vớt nó lên làm gì”.

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm