Hôm nay, khai hội Gò Đống Đa

30/01/2009 03:05 GMT+7 | Văn hoá

(Tin Tức) - Hôm nay, mùng 5 Tết Kỷ Sửu, Lễ hội Đống Đa diễn ra tại Gò Đống Đa (Hà Nội).
 
Năm nay, nhân kỷ niệm tròn 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức lễ hội với quy mô lớn nhất từ trước tới nay với khoảng hơn 700 diễn viên của 9 đoàn nghệ thuật thủ đô tham gia.

Lễ hội chính thức diễn ra tại khu vực tượng đài vua Quang Trung, với lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống, diễn văn kỷ niệm được thể hiện dưới dạng Chúc văn. Điểm nhấn của Lễ hội là màn sử thi kéo dài hơn 40 phút mang tên "Cánh đào báo tiệp", do đạo diễn Nguyễn Khắc Phục thực hiện. Ngoài ra còn có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ, biểu diễn nghệ thuật dân gian, múa lân, múa rồng, đấu vật, cờ người, chọi gà, đặc biệt là trò rước Rồng lửa Thăng Long. Năm nay thực hiện tinh thần tiết kiệm trong lễ hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã phát động nhân dân tham gia lễ hội đóng góp một cành đào hoặc cành mai để đặt trong khuôn viên.

Lễ hội Đống Đa là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người Anh hùng áo vải Tây Sơn chống giặc ngoại xâm 220 năm trước (1789). Đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (25/1/1789) xuất quân cho đến trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), trong vòng 5 ngày đêm, 29 vạn quân giặc do Tôn Sĩ Nghị làm tổng chỉ huy, đã bị tiêu diệt hoặc đầu hàng. Tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ chết tại sở chỉ huy; Tôn Sĩ Nghị hốt hoảng bỏ chạy. Quân giặc chen nhau qua cầu phao vượt sông Hồng, cầu gãy, hàng vạn quân Thanh rơi xuống nước, chết. Trưa mùng 5 Tết, vua Quang Trung ngồi trên lưng voi, áo bào xạm đen khói súng, đi đầu đại quân tiến vào Thăng Long, giữa cảnh mừng vui khôn xiết của nhân dân.

* Sáng 29/1, mùng 4 Tết, tại thị xã An Khê (Gia Lai), hàng nghìn khách tham quan đã về tham dự lễ kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Hình ảnh người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các võ tướng Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu đã được các diễn viên tái hiện trong buổi lễ một cách uy nghi, hùng dũng.

Thị xã An Khê và các vùng lân cận là một trong những căn cứ đầu tiên của anh em nhà Tây Sơn với những di tích vẫn còn hiện hữu trong quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo như Kho tiền ông Nhạc, Vườn mít cô hầu… Chính quyền tỉnh Gia Lai trong hơn hai năm qua đã đầu tư trùng tu, tôn tạo những di tích này với hy vọng nối liền vùng văn hóa, du lịch giữa Gia Lai - Bình Định - nơi phát xuất phong trào nông dân áo vải oai hùng mà ba anh em nhà Tây Sơn là những hạt nhân.

Phương Lan - Hoàng Cao Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm