Chuyện... "chú" Đãng!

23/12/2008 06:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Lớp đạo diễn điện ảnh khóa 1 (Trường Cao Đẳng SKĐA TP.HCM, niên khoá 1996 - 1999) của tôi có một cách xưng hô với nhau rất ngộ nghĩnh. Bất kể nam hay nữ, lớn hay nhỏ đều dùng chữ “chú” trước tên gọi. Thế nên, cùng với Dũng “Khùng”, Đãng là một trong 2 người nhỏ tuổi nhất lớp, nhưng cũng được gọi bằng “chú”… Dưới đây là những câu chuyện “không đụng hàng” về chú Đãng!
 

Ít ai biết là trước khi học đạo diễn, chú Đãng đã từng trải qua một thời gian học ở Trường SKĐA để trở thành… diễn viên! Nhưng khổ nỗi chú lại có tật không thể sửa được (không biết giờ có cải thiện được chút nào không!) đó là… nói nhanh như súng liên thanh, nhanh đến mức nhiều khi lắp bắp rất buồn cười!

Tự thấy nhược điểm đó của mình không thể khắc phục, đồng thời chú cũng rất… “tự trọng” về nhan sắc của mình, nên chú Đãng âm thầm từ bỏ giấc mộng trở thành diễn viên và chờ thời cơ thi vào lớp Cao Đẳng đạo diễn điện ảnh đầu tiên của TP.HCM!
 
Cảnh trong phim Đẹp từng centimet

Thời đó (cuối thập niên 1990) ai thi vào Trường SKĐA cũng nghèo, nhưng có lẽ chú Đãng là một trong những người nghèo nhất! Gia đình của chú ở Tây Ninh cũng không khá giả gì, nên cuộc đời đi học của chú ở Sài Gòn rất vất vả, cái gì cũng phải tự bươn chải một mình. Tiền nhà thì luôn thiếu trước hụt sau, nên nhiều khi chú phải… “chuyển hộ khẩu” vào trường để tá túc qua ngày.

Nói “chuyển hộ khẩu” cho nó oai chứ thực chất là ở lén. Nhà trường không cho học sinh ở lại trường qua đêm, nhưng phòng ốc lúc ấy xập xệ, chẳng có gì đáng giá mà sợ học trò “chôm chỉa”, nên lắm lúc học trò tập bài khuya ở lại đêm nhà trường cũng cho qua. Cũng nhờ khe hở đó mà khối học trò có chỗ ở tạm, và chú Đãng thường xuyên ở trong số đó.

Tôi nghĩ, có lẽ vì cám cảnh thân phận mình lúc ấy sao cứ phải sống chật hẹp chui lủi như một con chuột, nên Đãng đâm ra có “cảm tình đặc biệt” với loài gậm nhấm đó! Và từ ấy cho đến bây giờ, con chuột đã trở thành “nguồn cảm hứng” dễ thương trong sáng tạo nghệ thuật phim ảnh của Đãng. Biết đâu sau này chú Đãng có công ty riêng, hoặc nảy ra ý nghĩ muốn có một logo hay biểu tượng cho riêng mình, tôi cho rằng không có hình ảnh nào ý nghĩa với chú Đãng hơn con chuột!

Thời ban đầu vào học, chú Đãng chưa bị chứng bệnh rụng tóc đến phải húi trọc như bây giờ. Và mặc dù bị cận nặng nhưng ít ai thấy chú đeo kiếng - không dám thì đúng hơn vì đeo kiếng là… đói!

Để kiếm sống qua ngày, chú Đãng làm thêm nghề chụp ảnh. Vay mượn ky cóp chú Đãng sắm cho mình một chiếc máy ảnh cũ mèm để hành nghề (không nhớ hiệu gì nhưng máy cũ và khó xài đến mức chỉ có duy nhất chú Đãng mới… hiểu ý nó!). Hồi đó chưa có máy ảnh số, chỉ toàn chụp bằng phim nhựa, mà chú lại bị cận thị nên hình chụp ra 10 tấm thì bị mất nét đến quá nửa. Khi giao hình ai thông cảm thì còn đỡ, chứ nếu biết do chú cận nên chụp mất nét thì chỉ có nước ăn cám! Do đó dù hành nghề rất khó khăn nhưng chú Đãng đố dám đeo kiếng! Kết quả, chú đã nghèo lại càng nghèo thêm vì cứ phải bù lỗ liên miên.

Cũng may chú Đãng lại có một lượng khách hàng phải gọi là… bao la, toàn sinh viên của trường! Có thể nói hầu như tất cả sinh viên Trường SKĐA trong những niên khoá từ 1996 - 2000 (đặc biệt là các khoa diễn viên) đều đã từng… qua tay chú Đãng (dụ khị chụp hình)!

Nhưng sinh viên thì đứa nào cũng nghèo, nên 90% là chụp hình trước, trả tiền sau! Chính vì “chủ tiệm chụp hình” chơi xộp chấp nhận cho chụp thiếu thoải mái, nên các sinh viên cứ chụp… xả cảng, và đương nhiên biến chú Đãng trở thành một “chủ nợ”… nghèo rớt mùng tơi! May là “dịch vụ” của chú Đãng là độc quyền không có ai cạnh tranh ở Trường SKĐA nên ngoài giờ học, lịch chụp của chú kín mít từ… tờ mờ sáng cho đến hết nắng!
 
Cảnh trong bộ phim nhựa chiếu Tết 2009 Đẹp từng centimet 
do Vũ Ngọc Đãng biên kịch và đạo diễn

Chú Đãng đắt hàng đến mức cả trường thứ Hai nào cũng chào cờ đầu tuần, nhưng ít khi thấy mặt chú vì lúc nào cũng cố tranh thủ chụp vài kiểu cho khách hàng. Đến mức thầy Hòa trưởng phòng đào tạo ngứa mắt phải gọi riêng ra cảnh cáo, kèm theo lời dặn: “Lần sau chào cờ xong rồi muốn chụp gì thì chụp!”.

Còn nhớ, lâu lâu để xả stress, lớp tôi hay mở sòng “xì dách, bài cào” với mấy anh em trong lớp, chú Đãng cũng tham gia ké để thử vận may, nhưng cứ vài ván là nhẵn túi. Mọi người ngạc nhiên vì cứ mỗi lần như vậy, lại thấy chú thoắt ra ngoài sau đó quay lại có tiền chơi tiếp. Cứ nhiều lần liên tiếp bọn tôi tìm hiểu và cười ngất, thì ra chú Đãng tranh thủ đi… thu hồi nợ chụp ảnh!

Ăn uống sinh hoạt thiếu thốn như vậy, nhưng chú Đãng lại có sức bền và dẻo dai đáng kinh ngạc. Không biết bây giờ thế nào chứ hồi ấy chiều nào chú Đãng cũng chạy việt dã đến xẩm tối. Mỗi lần bọn tôi tổ chức đá bóng, Đãng cũng tham gia. Mặc dù đá dở ẹt nhưng bù lại chú Đãng rất bền sức và kèm ai là bám dai như đỉa. Đa số chúng tôi chạy một lát thì thở hồng hộc, trong khi chú Đãng thì vẫn chạy ầm ầm như con ngựa nòi!

Lúc còn học chung, tôi thấy Đãng rất chịu khó xem phim nước ngoài để học hỏi. Do hiếm khi ra ngoài rạp mua vé vì phải tằn tiện, chú Đãng thường tranh thủ tối đa những dịp xem phim miễn phí. Tôi có 5 năm làm chuyên đề điện ảnh thế giới ở Nhà văn hóa Thanh Niên và Nhà hát Bến Thành, Đãng hay hỏi xin tôi vé mời cho các bạn cùng phòng xem, và thường thì Đãng ít khi vắng mặt.

……

Gần mười năm đã trôi qua, và giờ đây chú Đãng đã trở thành một cái tên đáng nhớ trong làng điện ảnh Việt Nam. Đã có nhiều bài báo viết về chú, còn có nhiều lời khen chê bàn ra tán vào, nhưng theo tôi thành công của chú Đãng không phải ngẫu nhiên mà có. Nó đến từ những năm tháng gian khổ nhọc nhằn, nếu ai nhụt chí khó lòng mà đi nổi đến cùng.

Bá Vũ
 
Bài 3: Phim của Vũ Ngọc Đãng chưa mang thông điệp?
 
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm