Lần đầu tiên các curator "lộ diện"

16/12/2008 14:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Không giống với những triển lãm thông thường tụ họp các nghệ sĩ, các tác phẩm dưới cùng một chủ đề mà mỗi người đã có sẵn, triển lãm này đã được hình thành nên từ quá trình làm việc và sự hỗ trợ song song giữa các curator (giám tuyển nghệ thuật) và nghệ sĩ. Đó là triển lãm Bình đẳng là gì?, diễn ra tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, từ 12-26/12.
 
Curator Nguyễn Hữu Đức và nghệ sĩ Đặng Thị Khuê trước tác phẩm "Barie" 
 
Bình đẳng ở đây không chỉ được hiểu theo nghĩa đen của vấn đề được đặt ra cho các tác phẩm, mà còn hiện diện trong chính quá trình trao đổi, đối thoại liên tục nhiều khi là tranh luận gay gắt về ý tưởng bình đẳng để có thể biểu đạt nó một cách trực diện nhất thông qua ngôn ngữ tạo hình.
 
Điểm độc đáo của triển lãm này là sự tồn tại song song của cả triển lãm và ấn phẩm. Nó không phải ghi lại cuộc triển lãm, mà nó còn là cuốn sách cho người ta thấy được một khía cạnh khác của vấn đề. Việc ghi lại những cuộc đối thoại trong suốt quá trình các nhà curator tiến hành dự án với các nghệ sĩ, đã cho người ta thấy được những khía cạnh rất thực tế từ ý tưởng cho đến tác phẩm. Ban đầu những ý tưởng có thể rất đa dạng, nhiều khi là mênh mông, sau đó lại chỉ đi vào một khía cạnh của vấn đề như trao đổi giữa curator Nguyễn Hữu Đức và nghệ sĩ Đặng Thị Khuê. Cái rào cản vô hình hay hữu hình, trước vấn đề về bình đẳng giới, và cả quá trình làm các tác phẩm của bà, đã cho thấy tác phẩm hiện ra ở đây chỉ là một phần trong quá trình tư duy và trải nghiệm của người nghệ sĩ. Một số nghệ sĩ khá kiên định với ý tưởng ban đầu của mình về tác phẩm, nhưng rồi vấp phải những vấn đề không nhỏ trong kỹ thuật thực hiện khiến cho tác phẩm cuối cùng đưa ra ít nhiều khác với sự hình dung ban đầu. Như tác phẩm của Lại Thị Diệu Hà với hình tượng bầu vú phụ nữ tượng trưng cho nữ quyền. Xuất phát từ vấn đề rất cá nhân của nghệ sĩ với những ẩn ức thời niên thiếu sống và lớn lên trong một gia đình không có tổ ấm, thân phận của người phụ nữ và ý tứ tác phẩm sắp đặt kết hợp với video art của cô được nảy ra từ tứ thơ bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương để tạo thành một trái phá nhắc người ta về sự bình đẳng giới…
 
Cuốn sách trong triển lãm

Từ cuốn sách đến triển lãm không phải là sự minh hoạ lẫn nhau, mà là sự bổ sung hữu ích. Để nghệ sĩ có thể tự nói về các tác phẩm của mình là một trong những thành công của triển lãm. Các curator ở đây vừa là người đặt ra các vấn đề những đồng thời cũng là người giúp cho chính các nghệ sĩ buộc phải thay đổi thói quen chỉ làm, mà ít khi chia sẻ bằng lời với công chúng, hoặc dành phần nói cho các nhà phê bình.

Đây cũng là lần đầu tiên một cách làm mới, với sự hiện diện của các curator và một ấn phẩm về một vấn đề xã hội được đề cập đến trong một triển lãm, thông qua ngôn ngữ và cách tạo hình. Triển lãm cũng là kết quả của một dự án đào tạo chuyên nghiệp curator lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam do sự hợp tác trao đổi văn hoá giữa Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam và Học viện nghệ thuật Umea.

Phương Khanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm