Dustin Nguyễn: Võ thuật kiểu Việt Nam

15/12/2008 10:16 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Dustin Nguyễn đã đóng khá nhiều phim ở Hollywood. Được xem là diễn viên gốc Việt thành công nhất tại các thị trường phim quốc tế, nhưng chỉ thực sự được khán giả Việt Nam chú ý kể từ khi vào vai Sỹ trong Dòng máu anh hùng. Tết này khán giả sẽ được xem một Dustin khác trong Huyền thoại bất tử, vai Long khờ giỏi võ - con trai của Lý Tiểu Long. Anh cũng đã hoàn tất xong kịch bản Lửa Phật, một phim võ thuật, sẽ bấm máy trong năm 2009 tại Việt Nam và anh là đạo diễn.
 
TT&VH trò chuyện với Dustin Nguyễn về những vấn đề võ thuật…
 Dustin Nguyễn

* Sang Việt Nam trong mấy ngày để lồng tiếng lại một vài đoạn thoại không rõ và xem bản dựng, anh thấy võ thuật trong Huyền thoại bất tử thế nào?

- Khi đọc kịch bản, tôi không nghĩ đây sẽ là một phim trọng võ thuật, vì đạo diễn Lưu Huỳnh viết những pha võ chỉ thoáng qua, còn lại là một câu chuyện khá xúc động về chữ hiếu, tình mẹ con và tình người. Tôi nhận lời đóng phim này là do vai diễn khá khác lạ và xúc động, chứ không phải vì đánh võ hay. Nhưng khi tập với võ sư Hải và nhóm cascadeur, rồi quay, tôi mới thấy chất võ trong phim này ngày một nhiều. Nói thật lòng, đây là một phim tôi phải liên tục làm quá sức vì các pha võ, nên khi rời phim trường, tôi vẫn chưa hình dung được hiệu quả thực sự. Nay xem lại, tôi thực sự bất ngờ, vì nó khác với hình dung của tôi rất nhiều.

* Khác với hình dung là do các pha võ thuật không được như ý của anh, hay do hiệu quả đặc biệt mà nó đã tạo ra? Nếu so với Dòng máu anh hùng trước đây thì thế nào?

- Dòng máu anh hùng thiên về võ biểu diễn, còn phim này thiên về võ giang hồ, đường phố, chẳng có điểm nào giống nhau cả. Kịch bản cũng hoàn toàn khác, Huyền thoại bất tử không nhằm kể một câu chuyện về tinh thần võ thuật, và xem các pha đánh nhau chỉ là những “điểm nhấn” trên hành trình đi tìm cha của Lý Tiểu Long “con”. Tôi nói khác với hình dung ban đầu là vì ngoài câu chuyện như vừa nêu được kể khá xúc động, thì chất võ thuật trong phim cũng khá nhiều, thậm chí tính các pha đánh nhau còn nhiều hơn trong Dòng máu anh hùng. Một phim hay - theo nghĩa dễ xem - của Lưu Huỳnh và hình ảnh thì tuyệt đẹp.

* Phim võ thuật thường khá tốn kém, anh nghĩ mức đầu tư cho phim này có thỏa đáng chưa?

- Các nhà sản xuất trong phim này đã “lợi” được khá nhiều thứ, nhất là tinh thần làm việc và sự hy sinh của anh chị em, họ đã bỏ ra khá nhiều trí tuệ và công sức, nhiều hơn phần mà họ sẽ được nhận lại. Ai cũng thương đạo diễn, muốn có một phim hay nên cùng ráng sức, có người phải làm gấp đôi gấp ba, chính tôi, dù được tập luyện khá kỹ thì cũng ở trong tình trạng liên tục bị quá sức do đánh võ. Với một phim như vậy, ở Hong Kong (Trung Quốc) hay Mỹ, nếu chỉ cầm trong tay 5-10 triệu USD thì đừng bao giờ suy nghĩ đến chuyện bấm máy. Kinh phí với phim Việt nói chung là vấn đề còn khá nan giải, đặc biệt với các phim võ thuật, nhưng qua thực tế làm việc của Dòng máu anh hùng, Huyền thoại bất tử… thì rõ ràng chúng ta không nên quá tuyệt vọng. Việt Nam có truyền thống về ứng dụng võ thuật, mà phim võ thuật cũng là một ứng dụng hữu ích, nay đã có được giải pháp sản xuất hợp lý, chúng ta có quyền nghĩ về phim võ thuật kiểu Việt Nam!

* Nhân vật Lý Tiểu Long trong phim này có phải là bản sao của Lý Tiểu Long huyền thoại, khi có lần ở phim trường Quy Nhơn, tôi thấy anh đánh cả nhị khúc?

- Như đã nói, câu chuyện phim được đạo diễn lồng khá nhiều vấn đề, mà đánh nhau chỉ là một khía cạnh trong đó. Tôi và đạo diễn cũng đã bàn khá kỹ về câu hỏi kiểu của bạn đặt ra, để cuối cùng đi đến quyết định là làm hoàn toàn khác đi, ngay cả chuyện đánh nhị khúc cũng chỉ thoáng qua thôi. Nhân vật Long của tôi từ đầu chí cuối luôn nhẫn nhịn, ráng chịu đòn để vượt qua hoàn cảnh, cuối cùng mới chịu tự vệ và đánh nhau. Lý Tiểu Long “tiền bối” đâu có như vậy.

* Sau 2 phim võ thuật thuộc diện “bom tấn” của Việt Nam, phim Lửa Phật anh định khai thác võ thuật theo hướng nào?

- Tôi có ước muốn mình sẽ làm một phim võ thuật kiểu Việt Nam hoàn toàn, với câu chuyện về những nhà sư xuống núi giúp quân khởi nghĩa chống ngoại xâm. Tôi cũng đang nhờ các võ sư Việt tư vấn và tìm các binh khí, các chiêu thức đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam, để khi lên phim, người xem đỡ nhàm chán. Tôi không thích nói trước khi làm, nhưng giải pháp chính là phim nói tiếng Anh, hướng ra thị trường người xem ở bên ngoài, để vấn đề tìm kiếm kinh phí và thu hồi vốn cũng đỡ phải lo một phần.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm