(TT&VH) - Năm 1977, Hội LHVHNT tỉnh Thừa Thiên-Huế ra đời. Ngay từ Đại hội Mỹ thuật lần thứ nhất, các hội viên đã đề cập đến vấn đề xây dựng một Bảo tàng Mỹ thuật cho Huế. Tại các phiên họp HĐND tỉnh TT.Huế, đại biểu của Hội lại tiếp tục trình bày ý tưởng về một bảo tàng Mỹ thuật cho Huế. Thế nhưng, hơn 30 năm trôi qua, việc xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật mãi dậm chân tại chỗ mà không có một lý do chính đáng nào.
Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế có một quá trình lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Văn hóa Huế được tạo nên bởi sự đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo về nội dung, được thể hiện rất phong phú trên nhiều lĩnh vực như: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật... Các nhà lý luận mỹ thuật đã thừa nhận rằng, mỹ thuật Việt Nam phát triển rực rỡ dưới triều Nguyễn. Giai đoạn này, nhiều họa sĩ nổi tiếng về tranh thủy mặc sơn thủy, trúc lan, tranh gương… xuất hiện. Ðặc biệt, họa sĩ Lê Văn Miến (1870-1912) đã trở thành người họa sĩ vẽ tranh sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1958, Trường Cao đăng Mỹ thuật Huế ra đời đã góp phần hoàn thiện nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật Huế nói riêng. Nơi đây đã trở thành cái nôi đào tạo những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam theo phong cách Tây phương như Tô Thất Toàn, Tô Thất Sa, Lương Văn Duyệt… Mỹ thuật Huế cũng đóng góp cho cả nước nhiều họa sĩ tên tuổi như: Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Lê Yên… Kế đó, các họa sĩ Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Nguyễn Văn Liễu (Trịnh Cung)… tiếp tục tiên phong cho nền mỹ thuật đương đại.
Một triển lãm mỹ thuật tại Huế
Với một lịch sử mỹ thuật đáng tự hào đó, ngay sau khi đất nước thống nhất, vấn đề thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã được đặt ra. Thế nhưng, hơn 30 năm chờ đợi, mọi việc vẫn không chút tiến triển. Đó là chưa kể đến sự ra đời muộn mằn của Bảo tàng Mỹ thuật đã để tuột khỏi tầm tay nhiều bức tranh quí. Những bức tranh cổ quí giá dưới triều Nguyễn lần lượt “xuất ngoại”, sang viện Bảo tàng của các nước khác; gia đình của họa sĩ Tôn Thất Đào đã bán hết tranh của ông. Từ ngày họa sĩ Bửu Chỉ từ trần, gia đình ông đã không bán tranh mà giữ làm kỷ vật…
Ông Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội LHVHNT của tỉnh cho biết: “Huế thật sự rất cần một Bảo tàng Mỹ thuật. Đó không chỉ là nơi chúng ta phát huy những lợi thế của nền mỹ thuật tỉnh nhà mà còn là nơi giao lưu của các họa sĩ trẻ. Cứ mỗi dịp Festival, chúng tôi phải chóng mặt tìm cho ra địa điểm triển lãm. Nhà trưng bày số 4 Hoàng Hoa Thám hay Trụ sở của Hội Liên hiệp quá nhỏ, chỉ phù hợp với những triển lãm cá nhân”.
Vấn đề đặt ra là: việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật đang vấp phải khó khăn gì? Điều quan trọng nhất để một Bảo tàng Mỹ thuật ra đời là số lượng tranh. Thế nhưng, đây lại là vấn đề có thể giải quyết được. Tháng 10 vừa qua, khi họa sĩ Đinh Cường từ Mỹ trở về nước, chúng tôi đã trao đổi với ông về việc xây dựng một Bảo tàng Mỹ thuật, ông đã bày tỏ sự ủng hộ hết mình. Ông cũng tin chắc rằng, không chỉ một mình ông mà sẽ có nhiều họa sĩ tên tuổi cũng như các Bảo tàng Mỹ thuật khác trên thế giới sẵn sàng tặng tranh, cho mượn tranh để tổ chức triển lãm. Vậy, vấn đề mấu chốt ở chỗ, chúng ta chưa thật sự quyết tâm cho sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật.
Đến bao giờ Huế, thành phố Festival, thành phố du lịch mới có một Bảo tàng Mỹ thuật?
Lý Hạnh