Định mức khuây khỏa - Có thực sự là một cuộc dạo chơi?

20/11/2008 16:57 GMT+7 | Phim

(TT&VH Online) - Không ai có thể phủ nhận thành công của tập phim Sòng bạc Hoàng gia trên cả bình diện phê bình lẫn doanh thu. Thế nhưng tập phim Định mức khuây khỏa có thực sự như diễn viên Daniel Craig đã nói: "Đối với Định mức khuây khỏa, Sòng bạc Hoàng gia chỉ là một cuộc dạo chơi”?

Thay thế một Pierce Brosnan đầy lịch lãm và phong lưu bằng một Daniel Craig đầy góc cạnh và uẩn khúc vào loạt phim James Bond mới là một quyết định hợp lý của Eon Productions (đơn vị sản xuất phim 007) vì hình ảnh chàng James lịch lãm đang bước dần vào lối mòn. James Bond của Sòng bạc Hoàng gia đã thực sự làm được một cuộc cách mạng khi từ bỏ vẻ “phớt Ăng lê” cố hữu để hỉ nộ ái ố với tình ái. Và thành quả của cuộc cách mạng này không chỉ thể hiện qua những lời ca ngợi suông, mà còn qua những con số cụ thể với doanh thu toàn cầu 594 triệu USD, cao hơn bất cứ tập 007 nào khác.

James Bond trong Định mức khuây khỏa kế thừa và phát huy thành công trước đó: vẫn bùng nổ, vẫn tàn bạo, vẫn… hận tình, thế nhưng anh không còn tạo ra được một hình ảnh khác biệt như tôn chỉ đổi mới tư duy của nhà sản xuất nữa. Những pha đuổi bắt, những tình huống đối kháng bằng tay không của anh trông không khác gì một JB khác trong bộ ba phim rất thành công về nhân vật Jason Bourne. Thậm chí còn có cảm giác James Bond sử dụng cả trí thông minh của Jason trong trường đoạn vở Opera Tosca, dù cho đây là một ý tưởng mới. Việc từ bỏ một hình ảnh đã gắn liền với cái tên James Bond để theo đuổi hình ảnh đã gắn liền với một cái tên khác, thay vì tạo ra một hình ảnh hoàn toàn mới không còn là một việc làm đúng đắn nữa.

Quả là một thách thức không nhỏ đối với đạo diễn Marc Forster khi lần đầu làm phim hành động đã được ấn vào tay kịch bản 007. Cảnh đua xe bắn súng ngay đầu phim là một điển hình cho sự bỡ ngỡ đó. Những cảnh đuổi bắt kiểu như vậy đã dần trở nên nhàm chán với khán giả khó tính, nếu không thực sự khác biệt, thì cho dù chiếc xe có là Aston Martin đi chăng nữa, những pha luồn lách, cháy nổ như vậy vẫn khó có thể tạo ra được những ấn tượng tốt đẹp ngay từ những thước phim đầu tiên. Định mức khuây khỏa cũng không có đủ kịch tính cần thiết cho một bộ phim hành động. Không phải vì nó thiếu những pha nghẹt thở, mà vì tổng thể nội dung phim bị thiếu mất yếu tố gây kịch tính. Nếu mục đích cuối cùng của James Bond chỉ là tìm ra manh mối của một tổ chức bí mật và cứu lấy nguồn nước cho một đất nước xa xôi nào đó, thì dù những pha hành động có hoành tráng đến đâu, có nghẹt thở đến mấy cũng không thể xóa đi cảm giác hụt hẫng trong lòng người xem.

Tuy nhiên không phải ngẫu nhiên những nhà sản xuất phim chọn Marc Forster. Ông là tác giả của nhiều bộ phim có tính thẩm mỹ cao, cho dù đó là bộ phim lấy bối cảnh Neverland, một vùng đất thần tiên; cho dù đó là bộ phim về đất nước Afganistan cằn cỗi; hay cho dù đó là một bộ phim hành động không ngừng nghỉ. Marc Forster đã thổi được vào Định mức khuây khỏa một vẻ đẹp ý nhị nhưng đầy khơi gợi. Trong phim có một cảnh quay gồm rừng cây và mặt nước, dĩ nhiên bản thân đó đã là một khung cảnh tự nhiên đẹp đẽ, thế nhưng trên mặt nước còn có thêm một chiếc ca nô lượn một đường hình chữ S chéo qua khuôn hình. Marc Forster quả là cách tô điểm cho những thước phim của mình.

Có thể Bond Girl Camille (của nữ diễn viên Olga Kurylenco) gây được nhiều sự chú ý, thế nhưng nàng thơ thực sự của Marc Forster trong Định mức khuây khỏa lại là nhân vật Strawberry Fields (Gemma Arterton), cho dù cô chỉ xuất hiện trong một vài cảnh phim ngắn ngủi: cảnh Bond hôn lên lưng cô có sức gợi tình thật khó cưỡng; cảnh cô bước lên cầu thang trong bữa tiệc với hiện thân của Audrey Hepburn, biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ; ngay cả cảnh khi cô chỉ còn là cái xác phủ kín dầu thô cũng có một vẻ đẹp thật đặc biệt. Đạo diễn Marc Forster đã thực sự xóa nhòa kinh nghiệm làm phim hành động bằng cảm quan thẩm mỹ của mình.

Có thể những nhà sản xuất phim không đánh bạc trong Sòng bạc Hoàng gia nhưng họ đã thực sự làm vậy trong Định mức khuây khỏa. Xét về tính dân tộc, James Bond là một người Anh tiêu biểu với vẻ lịch lãm, tinh tế nhưng cũng đầy quyết đoán. Chính vì thế, tiêu chí đầu tiên đối với tất cả diễn viên vào vai Bond đều phải là người Anh (nếu không cũng phải thuộc Liên Hiệp Anh). Trong khi đó, Jason Bourne lại là một sản phẩm của Mỹ (nguyên gốc nhân vật này được đào tạo tại Sài Gòn trong cuộc chiến tranh Việt Nam). Như vậy việc để James Bond học theo theo phong cách của Jason Bourne ít nhiều sẽ làm tổn thương đến niềm tự hào dân tộc của người Anh. Còn nếu xét theo bình diện chung, rõ ràng sự trùng lặp này cũng không phải là điều khán giả mong muốn, nhất là khi James Bond của Craig sẽ còn kéo dài thêm ít nhất một tập nữa, trong khi diễn viên Matt Damon cũng đã công khai thừa nhận sẽ xuất hiện trong tập phim tứ tư về nhân vật Jason Bourne.

Trần Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm