(TT&VH) - Tiếng tăm của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, người từ lâu đã nổi danh với điện ảnh, đã lên tới một tầm cao mới sau những màn diễn thành công vang dội của ông ở Olympic Bắc Kinh. Nhiều người giờ đây thậm chí gọi ông là một thiên tài, nhưng Trương Nghệ Mưu vẫn khiêm tốn nhận mình là một đạo diễn bình thường. Thời gian này, ông đang ngập trong nhiều kịch bản phim, song ông vẫn cân chắc lựa chọn và chưa bộc lộ kế hoạch sắp tới của mình sẽ là gì.
Sau Olympic Bắc Kinh Trương Nghệ Mưu trở thành người hùng của Trung Quốc |
“Nhiều người nói rằng tôi là một thiên tài. Không, tôi nghĩ mình chỉ là một người bình thường. Nhưng tôi có thể nói một cách tự tin rằng tôi là đạo diễn làm việc hăng say nhất Trung Quốc”.
Mới đây, tại cuộc họp báo ở Viện Hàn lâm Điện ảnh Bắc Kinh về việc ông sẽ nhận lời mời tới dự lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự của trường ĐHTH Boston (Mỹ) vào tháng 5/2009, đạo diễn Trương nói rằng được giữ cương vị tổng đạo diễn lễ khai mạc và bế mạc Olympic và Paralympic là cơ hội “độc nhất vô nhị” trong đời ông. Ông cho biết: “Olympic đã tác động lớn tới tôi. Qua đây, tôi mới nhận thấy rằng làm một bộ phim dễ dàng hơn nhiều, cả về quy mô lẫn nỗ lực. Song quan trọng hơn, đây là cơ hội học hỏi. Tổng quát cả 5.000 năm lịch sử Trung Hoa và giới thiệu nó theo cách vừa có tính văn học vừa có tính nghệ thuật… là một quá trình này giúp tôi hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa Trung Hoa”.
Đạo diễn phim Hoàng kim giáp trở nên sôi nổi khi ông nói về lòng nhiệt huyết của hơn 40.000 người tham gia sự kiện khai mạc và bế mạc Olympic: "Có được 1.000 người xuất hiện trên phim trường như trong phim Anh hùng, mặc các trang phục của thời đó và cưỡi ngựa đã là một cảnh tưởng kinh ngạc. Nhưng đối với Olympic, thấy 10.000 người trên sân tập là điều hết sức bình thường. Ở sân vận động Tổ chim, đêm nào các nghệ sĩ trình diễn cũng tập đến nửa đêm nhưng tinh thần của mọi người đều rất cao, hát và rất phấn khởi, từ trẻ em tới người lớn. Ở phim trường tôi thường nghe thấy câu hỏi: Chúng ta xong cảnh này chưa? Chúng tôi đói rồi. Nhưng ở các buổi tập cho Olympic tôi không hề nghe thấy một tiếng kêu ca nào. Mọi người đều cống hiến hết mình”.
Hoàng Kim Giáp - một phong cách đặc trưng của Trương Nghệ Mưu
Bản thân đạo diễn Trương là người đam mê công việc nên ông quý trọng tinh thần hăng say của những người tham gia Olympic. Ông đúc kết được từ chính cuộc sống của mình: con người ta có thể làm được bất cứ việc gì mình mong muốn.
Sinh ra ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây vào năm 1951, Trương Nghệ Mưu đã có một sự khởi đầu sự nghiệp khó khăn đến mức ông phải bán máu để có tiền mua chiếc máy quay đầu tiên. Ông theo học quay phim tại Viện Hàn lâm Điện ảnh Bắc Kinh và là sinh viên lớn tuổi nhất trong lớp. Nhưng Trương Nghệ Mưu đã quyết định chuyển hướng sang làm đạo diễn để mở rộng được những lựa chọn của mình. Ông mượn sách về lĩnh vực này từ những người bạn cùng trường như Trần Khải Ca. Nhờ những nỗ lực học hỏi và quyết tâm không ngừng, Trương Nghệ Mưu đã trở thành một ngôi sao sáng trong nhóm đạo diễn thuộc thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, trong đó có Trần Khải Ca và Điền Tráng Tráng - những tên tuổi đã mở ra một kỷ nguyên mới cho điện ảnh ở đất nước của Vạn Lý Trường Thành.
Từ những bộ phim được nhiều ca ngợi như Cao lương đỏ và Đèn lồng đỏ treo cao, tới các phim sử thi như Anh hùng, Hoàng kim giáp, trong hơn 2 thập kỷ qua các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Trương thường nêu bật tính kiên cường và thực tế cuộc sống của người dân và văn hóa Trung Quốc. Ông còn chú trọng đến các cảnh quay nên tác phẩm điện ảnh nào Trương cũng mang đến cho khán giả một bữa tiệc hoành tráng về thị giác. Tại một hội thảo được tổ chức tại Viện Điện ảnh Bắc Kinh vào tuần trước, Trương Nghệ Mưu đã nói với các sinh viên: "Giờ đây sinh viên phải chịu rất nhiều áp lực, trong hoàn cảnh hoàn toàn khác so với thế hệ làm phim thứ 5. Thế nên quan trọng là các em phải nhạy cảm với những thực tế của cuộc sống, phải vững vàng và phải làm việc siêng năng".
Lương Tuấn Vĩ