NSND Thế Anh: "…đã tạo ra được đối trọng của vở diễn"

05/11/2008 00:04 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - NSND Thế Anh, người đóng vai vua Minh Mạng, khi vở này diễn đêm đầu tiên tại Nhà hát Hòa Bình trò chuyện với TT&VH về vai diễn đáng nhớ này.
 
 NSND Thế Anh trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt.

* Cảm giác của ông khi vào vai vị vua mặc hắc bào ngồi trên?

Ngay khi đọc kịch bản, tôi đã biết vai diễn của mình hoàn toàn không phải là vị vua tài danh trong lịch sử, mà qua hình tượng này, tác giả kịch bản và đạo diễn muốn nói về một thế lực cản trở sự cấp tiến. Là một diễn viên chuyên nghiệp, cảm giác thế nào không quan trọng bằng việc tôi phải thể hiện vai diễn ấy ra sao mà thôi. Tôi đại diện cho thế lực đó (gồm 5 người), một đối trọng với phía Tả quân Lê Văn Duyệt (mặc toàn áo đỏ, gồm 4 người), lớp diễn lại không nhiều, nên làm cách nào để khán giả thấy được tầm quan trọng của vai diễn mới là khó.

* Ông có nghĩ rằng mình đã làm tròn vai chưa?

Ngay khi đọc kịch bản, nếu thấy vượt ngoài sức của mình, hoặc không đủ tầm, tôi sẽ không nhận vai ấy. Trong vở này có một câu thoại rất quan trọng, đại ý như vầy: “Cả thành Nam này có ai giỏi hơn Lê Văn Duyệt, Lê Văn Duyệt không muốn cho trẫm lên làm vua, nhưng trẫm cứ làm vua… Trẫm biết dùng người, thì trẫm cũng biết trị người”. Minh Mạng là một minh quân, thích canh tân, đổi mới đất nước nhưng thời cuộc quá rối ren, thế lực bên ngoài quấy phá, ông đã không làm được như ý muốn. Lê Văn Duyệt là linh hồn của thành Gia Định và quân dân miền Nam, luôn sát cánh cùng vận mệnh nhân dân, đất nước. Nhìn lại các buổi diễn, tôi nghĩ mình đã tạo ra được đối trọng của vở diễn, dù có thể ghét, nhưng khán giả phải nhớ đến vai này.

* Khi kết án tử hình Lê Văn Duyệt với 9 trọng tội khác nhau, xin được hỏi cảm xúc ở trong lòng ông (chứ không phải trong lòng của vai diễn) như thế nào?

Kết thúc suất diễn đầu tiên tại Nhà hát Hòa Bình (đêm 1/11), do sân khấu rộng hơn, và do rút được kinh nghiệm từ các đêm diễn trước ở sân khấu Nhà hát kịch TP.HCM, vở Tả quân Lê Văn Duyệt đã có nhiều nhấn nhá thú vị hơn, mọi người nhập vai tốt hơn, nên các xung đột thêm nhuần nhuyễn và căng thẳng. Tuy nhiên, cho dù giá vé đã giảm 50% (so với giá gốc từ 100.000-250.000 đồng), nhưng một phần do trời mưa, một phần do kịch lịch sử ít thu hút, và cũng một phần do các thông tin bất lợi – sai lệch về vở này, nên khán giá đến rạp rất ít. Giá vé chợ đen cho dãy ghế G, H, F… chỉ có 50.000 đồng 1 cặp, nhưng cũng khá ế ẩm.

Khi cùng đạo diễn và đoàn kịch đi thắp nhang ở Lăng Ông từ trước khi bắt tay vào tập vở, tôi đã khấn với Ngài Tả quân rằng: “Con là kẻ hậu bối làm nghề diễn viên, đạo diễn muốn con hóa thân vào vai gì và làm gì thì con nhận vai ấy. Con không dám xấc láo trong việc ra lệnh chém đầu Ngài, mong Ngài bỏ quá cho con, cùng đạo diễn và đoàn kịch”. Cảm xúc của lòng tôi như vậy, tôi rất kính trọng con người và nghĩa khí của Ngài Tả quân, luôn lo nghĩ cho dân cho nước.

* Cũng có một vài ý kiến phàn nàn về chuyện vua mặc áo đen, và một vài điểm khác trong vở diễn này, cá nhân ông nghĩ sao về những điều này?

Tôi không bao giờ bị lung lay bởi những ý kiến đó, vì mình có trình độ và quan điểm nghệ thuật của mình. Nhưng nghĩ cho cùng, ý kiến ấy đã không sòng phẳng, vì nhìn vào thang điểm 10, vở này cũng thuộc điểm 7 điểm 8, tùy góc nhìn. Đó là chưa nói, cũng rất lâu các sân khấu phía Nam mới dựng được một vở chính kịch lịch sử có quy mô lớn như vầy, vội vàng chê bai thì lần sau còn ai dám bỏ tiền túi ra làm nữa. Hơn nữa, tinh thần của vở này là đứng về phe nước mắt, bảo vệ đa số người dân thấp cổ bé miệng, chống áp bức, đả phá tham ô, nhũng nhiễu… vậy mà báo chí không ủng hộ thì còn ủng hộ chuyện gì nữa? Tôi nói thật lòng mình, với cả trách nhiệm của một công dân, tôi nghĩ báo chí phải bỏ qua các tiểu tiết để mà biểu dương, cổ vũ cho vở này.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm