Viết thư pháp trên áo dài người đẹp Vũ Thu Phương

01/11/2008 18:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Để chuẩn bị cho sự kiện Thực hiện cam kết với WTO về phân phối và bán lẻ tại Việt Nam vào ngày 1/1/2009, hôm qua (31/10/2008), từ lúc 16h30 đến 22h tại Khách sạn Park Hyatt (TP.HCM), nhận lời mời của Hãng Relvon, nhà thư pháp Hồ Công Khanh đã có buổi trưng bày và trình diễn viết thư pháp trên áo dài do siêu mẫu Vũ Thu Phương đang mặc. TT&VH có một trò chuyện ngắn với nhà thư pháp này ngay sau buổi trình diễn.

* Thưa anh, giữa việc viết lên 56 cái nón lá để tặng cho các tổ chức, cá nhân quan trọng đến từ khắp nơi trên thế giới, và việc trình diễn viết lên áo dài của Vũ Thu Phương đang mặc, cái nào khó hơn?
 
 Vũ Thu Phương và
chiếc áo dài thư pháp
Tất nhiên viết lên áo khó hơn rất nhiều, vì Vũ Thu Phương mặc áo dài trắng vải voal rất mỏng, việc chọn mực và cách viết là cả một vấn đề. Chúng tôi đã có một giờ tập luyện trước đó bằng bút sạch, nhưng khi vào viết thật vẫn rất khác, quan khách theo dõi đông, áp lực cũng nhiều.

* Tại sao anh lại chọn lối… “họa bì” vốn khó khăn này, anh không sợ thất bại sao?

Tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc này, và chưa từng thất bại khi viết thư pháp lên áo quần của người đang mặc. Tôi thấy cảm xúc của mình được lột tả và nét bút sống động hơn gấp bội.

* Anh đã mất khoảng bao nhiêu phút để viết, và viết trong bao nhiêu nét?

Tôi ước chừng mình mất khoảng 4 phút với chừng 90 nét. Chữ “duyên” và cành trúc trải dài từ ngực áo xuống đến tà áo. Vũ Thu Phương nói rằng mình cũng có chút lo lắng vì phải đứng yên trong khoảng thời gian khá dài đó, bởi nếu không, mực đen và mực xanh sẽ chảy lan ra, tác phẩm sẽ thất bại.

* Chữ “duyên” và cành trúc thì có ý nghĩa gì trong quan niệm của anh?

Theo tôi, giá trị của người phụ nữ là ở cái duyên đoan chính. Cành trúc tượng trưng cho nghĩa đoan chính đó.

* Chiếc áo dài này chắc sẽ là một kỷ niệm đặc biệt với Vũ Thu Phương?

Ban tổ chức và Vũ Thu Phương sẽ cho đấu giá chiếc áo dài này để lấy tiền ủng hộ cho việc điều trị những người phụ nữ bị ung thư vú.

* Còn mấy chục cái nón và 20 tác phẩm thư pháp (khổ 80 x 160 cm) về chủ đề phụ nữ được trưng bày ở đây, anh viết lâu chưa?

Hãng Relvon muốn có một hình ảnh gần gũi và mới mẻ với các quan khách quốc tế nên họ mời tôi làm việc này. Những tác phẩm được trưng bày hay trình diễn ở đây là sự kết hợp ý tưởng của cả hai bên. Từ Đà Nẵng vào, ngoài bút lông, tôi gần như đi tay không, tất cả được tôi thể hiện trong 3 ngày ở khách sạn, dù cẩn trọng, nhưng tôi vẫn thích làm việc tại chỗ và theo cảm hứng.

* Ấn tượng lớn nhất của anh khi tham gia sự kiện này?

Đó là giữa người viết thư pháp (được cho là khô khan, lỗi thời) với người mẫu (được cho là năng động, thời thượng) vẫn có thể kết hợp ăn ý với nhau. Nhìn các quan khách quốc tế thích thú với chiếc nón lá mà thư pháp cũng chính là tên của họ trên đó, tôi nghĩ họ đã có một chút kỷ niệm vui và ý nghĩa.

Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm