Bài 4: Tam Đảo - hòn ngọc Đông Dương

30/10/2008 11:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Có lẽ không còn mấy ai nhớ rằng, người Pháp đã dùng cụm từ “hòn ngọc Đông Dương” để chỉ Tam Đảo ngót 100 năm trước. “Nhã hiệu” này đã chìm lấp theo thời gian, trong mây núi, cỏ hoang, dưới bước chân hàng triệu lượt người qua lại. 
 
 
* Lai lịch khách sạn cổ nhất Tam Đảo

Tài liệu thời Pháp ghi: Tam Đảo là một trạm nghỉ trên núi cao (930 mét) nằm trong vùng châu thổ Sông Hồng. Đây là khu nghỉ mát lý tưởng đối với các quan chức người Âu và gia đình của họ, nhất là vào những ngày nắng nóng. Trong suốt 15 năm, chính quyền thuộc địa đã chi vào đây khoảng 50.000 phơrăng mỗi năm.

Tài liệu lưu trữ về Tam Đảo tại Trung tâm lưu trữ quốc gia không nhiều, ngoại trừ một số thông tin như năm 1904, một phái đoàn quân sự được Phủ Toàn quyền giao nhiệm vụ tìm trong dãy núi Tam Đảo, một địa điểm thuận lợi để đặt một trạm nghỉ mát mùa hè. Phái đoàn đã báo cáo là ở độ cao 930 mét có một khoảnh đất hình vành chảo có thể đáp ứng những yêu cầu của dự án nói trên.

 Khách sạn Thác Bạc - cổ nhất ở Tam Đảo

Năm 1906, Phủ Toàn quyền quyết định xây dựng trạm nghỉ mát này. Một hợp đồng xây dựng đường sắt cáp kéo và một khách sạn lớn đã được ký kết giữa Chính quyền thuộc địa và một Công ty tư nhân. Nhiều công trình nghiên cứu tốn kém cũng đã được thực hiện nhưng việc thực hiện chương trình này ban đầu bị chậm lại và sau đó buộc phải từ bỏ hoàn toàn do chiến dịch Yên Thế và vì lý do tài chính. Ngay từ khi đó, người ta chỉ bằng lòng với việc nâng cấp con đường đi từ Vĩnh Yên lên núi và tiếp tục kéo dài thêm 300 - 400 mét rồi tới độ cao 930 mét.

Bên cạnh những căn nhà nghỉ của Công sứ Vĩnh Yên và của Phủ Thống sứ, cho đến tận năm 1912 ở Tam Đảo hầu như chỉ có nhà ở của lính gác chính, đồn lính khố xanh, một hoặc hai ngôi nhà nghỉ và hai hoặc ba hầm trú ẩn. Mặc dù vậy, lượng khách du lịch và khách nghỉ mát hàng năm đến đây ngày càng đông và vào năm 1913, một khách sạn đầy đủ tiện nghi với 16 phòng được mở, ngay lập tức khách sạn đó không còn một chỗ trống. Đó chính là Khách sạn - Nhà hàng Thác Bạc (Hôtel - Restaurant de la Cascade d’Argent) và là khách sạn đầu tiên và lớn nhất tại Tam Đảo.

Việc xây dựng Khách sạn - Nhà hàng Thác Bạc là dấu hiệu phát triển mang tính quyết định của trạm nghỉ. Vào đầu năm 1914, một ngôi làng được xây dựng gần khách sạn cùng với các toà biệt thự của tư nhân, của các Cty…

* Xây dựng ròng rã trong 40 năm

Từ 1907, Pháp “mộ phu” làm cầu cống và cho xây khu nghỉ mát trên một thung lũng tròn có đường kính khoảng 2km. Có vè rằng “Suốt năm làm ở đỉnh non/ Ở nhà cha mẹ vợ con mất nhờ/ Thân tôi khổ đến bao giờ…” Ròng rã trong khoảng 40 năm, Tam Đảo được xây dựng khá hoàn chỉnh với chừng trên 100 biệt thự lớn nhỏ, sân vận động, bể bơi, nhà thờ, dần dần hình thành 2 làng riêng: “làng Tây” và “làng An Nam”.

Có lẽ là do may mắn, chúng tôi có được trong tay một số ghi chép về quê hương Tam Đảo của Ban liên lạc đồng hương vùng đất này ở Hà Nội. Theo đó, từ năm 1902 trở về trước, Tam Đảo là một bản làng có hơn một chục hộ dân người Dao ở rải rác ven suối, lòng chảo thôn 1 và phía đông thôn 2 hiện nay. Khi Pháp xây dựng khu nghỉ mát, người Dao bỏ đi, sang Quân Chu (Thái Nguyên), xuống Lập Thạch(Vĩnh Phúc), một số sang Ba Vì (Hà Nội).

Sau Khách sạn- Nhà hàng Thác Bạc (năm 1913), từ năm 1914 trở đi, Pháp xây dựng các nhà bằng gạch đá ở Tam Đảo. Các thập kỉ 10, 20 thế kỷ trước, vật liệu xây dựng gồm đá khai thác tại chỗ, mái kết cấu gỗ và trần toóc xi. Nhà nhiều tầng có cầu thang gỗ, sàn dầm gỗ lát ván, hoặc sắt hình liên kết với gạch cuốn (nhà Toàn quyền, nhà ở của cha cố), ngói lợp chở từ Pháp sang như ngói nung Mác-xây, ngói đá mỏng (ác đoa), loại nhà này phần lớn nằm ở lòng chảo và ở sườn núi phía Tây (nhà Chánh xứ, nhà Hồ Đắc Điềm…)

Ông Nguyễn Hồng Hiệp – Chánh văn phòng huyện ủy, người sinh ra tại Tam Đảo nhận xét: “Sườn núi phía Tây về chiều nhiều ánh nắng, trong vùng không khí ẩm thì đó là một lựa chọn khôn ngoan”.

Đến thập kỷ 30, 40 đã xuất hiện nhiều nhà bê tông cốt thép kết hợp với tường gạch đá và được mở rộng về phía Đông Bắc. Tới năm 1945 có 143 biệt thự lớn nhỏ (lưu ý: chúng tôi vẫn đặt dấu hỏi về số biệt thự này), trong đó có dinh Toàn quyền, nhà kiểm lâm, nhà lục lộ…

Ban đêm ánh điện lấp lánh, rực sáng núi rừng.

Giữa lòng chảo là khu công viên – thể thao văn hóa: có bãi rộng, có bồn hoa, ghế đá, sân chơi trẻ em…Cây cỏ nhiều loại đưa từ Pháp sang (chỉ trồng được ở nơi mát); vào hè, trăm hoa đua nở, trăm màu khoe sắc; có bể bơi dành cho người lớn, có cả bể bơi dành cho trẻ con; có sân quần vợt, có nhà bắn bia; xa và cao hơn về phía Đông bắc có sân bóng đá… có các ki ốt (nhà lục lăng), ở những nơi có tầm nhìn rộng, gần khách sạn Metropole và gần nhà Toàn quyền, phía trước ki ốt có bàn đá hình cánh cung, mặt bàn vạch các mũi tên chỉ hướng và khoảng cách tới các địa danh trung du đồng bằng…

Toàn cảnh Tam Đảo thời Pháp thuộc

* Tam Đảo 2 và kế hoạch dang dở thời Pháp

Tam Đảo thời đó là một nơi thần tiên non bồng, chẳng thế mà người Pháp đã ví lòng chảo này là hòn ngọc Đông Dương.

Đầu những năm 1940, Pháp còn phát hiện về phía Tây và cách Tam Đảo hiện nay chừng 12km, còn một nơi nữa mà chúng gọi là Tam Đảo 2, cũng có thể lập thành khu nghỉ mát, rộng hơn lòng chảo hiện tại, cũng đẹp và cũng có nguồn nước sạch. Pháp đã bắt đầu mở đường, nhưng kế hoạch này dang dở.

Từ năm 1948, hoàn cảnh chiến tranh đã khiến Tam Đảo bị tàn phá. Tam Đảo – với mỹ tự “hòn ngọc Đông Dương” - đã bị lãng quên theo gió núi, sương rừng. Tuy nhiên, chỉ riêng năm 2007, đã có 919.900 lượt người đã đến Tam Đảo (914.000 trong nước, 5.900 nước ngoài). Nhưng có vẻ như còn không nhiều người biết về những gì đã diễn ra trên mảnh đất này. Thậm chí, rất ít người biết ai đã tìm ra Tam Đảo, cũng như đã từng có bao nhiêu biệt thự được xây dựng lên thời Pháp thuộc. Có đồng nghiệp của chúng tôi từng kể, ở lòng chảo này có từng có tròn 100 biệt thự Pháp cổ, và được bố trí xây dựng khéo đến nỗi, nếu đứng ở cửa bất kỳ biệt thự nào cũng có thể nhìn thấy 99 biệt thự còn lại xung quanh. Đó chỉ là một trong những câu chuyện được lan truyền đến mức trở thành… huyền thoại hóa về nghệ thuật quy hoạch lòng chảo Tam Đảo. Hỏi một vị lãnh đạo thị trấn này rằng, Tam Đảo từng có bao nhiêu biệt thự, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Chưa từng đếm lại bao giờ. Cỏ hoang che hết còn đâu…”

Ghi chép của Việt Thường - Hoàng Hằng

Bài sau: Những “nô lệ” đã làm nên "hòn ngọc" Tam Đảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm