Gia Miêu ngoại trang, nơi phát tích của nhà Nguyễn
Như TT&VH đã phản ánh, hội thảo được sự chuẩn bị nội dung trong khoảng 20 năm nhằm nhìn nhận lại khách quan, khoa học, công bằng những đóng góp cũng như mặt còn hạn chế của vương triều Nguyễn. Trong ngày hôm qua 19/10, các đại biểu thảo luận về các nhóm đề tài: Mở mang lãnh thổ và xác lập chủ quyền trên đất Nam Bộ; chính sách đối nội và đối ngoại của triều Nguyễn, nhân vật lịch sử thời chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn; quan hệ Nguyễn - Tây Sơn và vấn đề thống nhất đất nước; tình hình kinh tế xã hội; kinh tế hàng hóa và đô thị; vấn đề canh tân đất nước và thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp; di sản văn hóa. Một số quan điểm thú vị đưa ra trong cuộc hội thảo nhưng do thời gian không cho phép đã không được triển khai, như làm rõ hơn về nhân vật Bá Đa Lộc là người thế nào, một cố vấn quân sự - chính trị hay chỉ là một “chuyên gia nước ngoài” - từ dùng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.
Theo GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, cần có nhận thức mới về nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc trên tinh thần “công minh lịch sử”. Vương triều Nguyễn vừa là tác nhân lịch sử, vừa là sản phẩm của lịch sử xã hội, vì vậy nhận thức về nhà Nguyễn cũng phải được đặt trong bối cảnh lịch sử của dân tộc và nhân loại, xem xét cả trục “tung” (lịch sử) và trục “hoành” (đương đại) của lịch sử. Kể từ Gia Long - Nguyễn Ánh, “người dựng nên đế nghiệp cho Nguyễn triều” từ năm 1802 đến Bảo Đại, người tự nguyện thoái vị, nhận là công dân một nước Việt Nam độc lập tự do năm 1945, vương triều Nguyễn đã tồn tại 143 năm.
Không nên coi sự nghiệp thống nhất đất nước là hoàn toàn thuộc về Nguyễn Huệ, cũng như không nên dựa vào sự hoàn tất và củng cố nền thống nhất của nhà Nguyễn mà coi sự nghiệp thống nhất Việt Nam TK 18 - 19 chỉ là của nhà Nguyễn để phủ nhận công lao của Tây Sơn. Cái thống nhất của vua Gia Long nhờ cắt đất cho thực dân mà có được đã gây mầm chia cắt đất nước, không phải chia cắt nội bộ như Trịnh - Nguyễn mà là chia cắt do ngoại xâm tồn tại lâu dài. Sau này, từ Gia Long đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, tất cả đều ân hận, lo toan giải tỏa lỗi lầm này, khắc phục hậu quả của nó bằng việc sát đạo, đuổi giáo sĩ, hạn chế giao thương với phương Tây... nhưng vẫn không sao khắc phục nổi.
Tổng kết hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Cuộc hội thảo lần này đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi không chỉ của giới khoa học mà còn của dư luận xã hội, chứng tỏ những nhận thức trước đây về vai trò của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc theo hướng phê phán và phủ định đã không còn thỏa đáng nữa. Những kết quả hội thảo lần này đã đạt được cũng là kết quả của quá trình nghiên cứu từ những năm 1990 và cũng là tiếp nối của 20 cuộc hội thảo trước đó. Hội thảo lần này cũng chỉ là một bước tiếp tục nhìn nhận, đánh giá để đi đến nhận thức về một thời kỳ lịch sử kéo dài trên 3 thế kỷ với nhiều biến động lớn cả về đối nội và đối ngoại, nhằm đi đến nhận thức rõ ràng hơn, sáng sủa hơn, phục vụ việc xây dựng một bộ quốc sử chính thống. GS Phan Huy Lê cho rằng cùng với kết quả khoa học, hội thảo lần này còn góp phần giải tỏa được tâm lý mặc cảm về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn và tiến tới biên soạn một bộ chính sử về triều Nguyễn.
Cũng tại hội thảo này, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) đã tặng cho tỉnh Thanh Hóa 2 bộ sách quý là: Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm do Viện Cao học Thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp phối hợp thực hiện, xuất bản (bộ sách lưu giữ hơn 10.000 văn bia các loại được khắc bằng chữ Hán, gồm tổng số 10 cuốn, mỗi cuốn dày khoảng 1.000 trang). Và bộ sách thứ 2 là Đồng Khánh địa dư chí của 3 tác giả Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin. Bộ Đồng Khánh địa dư chí có tổng số 6 cuốn, mỗi cuốn dày gần 1.000 trang.
Hôm nay 20/10, đoàn chủ tịch hội thảo quốc gia này sẽ họp tổng kết chung dưới sự chủ trì của ông Vương Văn Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh và GS Phan Huy Lê. Đoàn thư ký sẽ tổng kết các vấn đề đã đưa ra về thời kỳ chúa Nguyễn, thời kỳ vương triều Nguyễn và về di sản văn hóa nhà Nguyễn để lại.
Theo một nguồn tin, Thanh Hóa đã chi khoản tiền gần 1 tỷ đồng cho cuộc hội thảo quan trọng này. Nếu không có nguồn kinh phí trên, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khó có thể đơn phương tiến hành cuộc hội thảo được dư luận hết sức quan tâm này.
Thế Vinh