Dance không phải là chỗ núp của các giọng ca hạng hai!

09/10/2008 02:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Võ Thiện Thanh được xem là là một trong những nhạc sĩ làm việc sớm nhất và thành công nhất với nhạc dance ở Việt Nam hiện nay.
 
Trong đêm thi Dance và R&B của Sao Mai điểm hẹn 2008 mới đây, các ca khúc của Võ Thiện Thanh trở thành “best-seller”. Trước đó album Thiên đàng (nhạc Võ Thiện Thanh, ca sĩ Thu Minh) được đánh giá là album nhạc dance xuất sắc nhất từ trước tới nay. Ca khúc Chuông gió trong album này giành giải quán quân Bài hát Việt 2006.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh
* Trước Chuông gió, anh đã từng làm nhạc dance cho ca sĩ Phương Thùy. Khi Thu Minh đề nghị anh sản xuất một album có phong cách sôi động, thì anh đã hướng cô ấy đến dance. Anh quan tâm tới nhạc dance từ khi nào ?

Tôi là người ham mê tiết tấu, dance lại là thể loại âm nhạc nhiều tiết tấu. Tuy nhiên để thật sự yêu thích dance, chính là từ nhóm BoneyM với đặc trưng âm nhạc disco. Từ khi còn đi học tôi đã thích cover nhạc BoneyM. Sau đó thì thích âm nhạc dance của Madonna. Còn bắt tay vào làm một album nhạc dance thực sự thì chỉ từ Thiên đàng. Âm nhạc trong Thiên đàng thiên về House và Ambient Dance có tiết tấu hơi chậm. Sau album này tôi có tham gia làm 2 bài nhạc dance trong abum mới của Hồng Nhung (làm với nhạc sĩ Quốc Trung), phong cách nghiêng về electronic hơn (nhiều chất điện tử)

*Sau thành công của Chuông gióThiên đàng, mọi người đều nghĩ anh sẽ “thừa thắng xông lên” với dance. Nhưng có vẻ như anh khá rụt rè với thể loại mà anh yêu thích và rất hợp này ?

Sau Thiên đàng, Thu Minh đề nghị tôi làm tiếp Thiên đàng 2 nhưng tôi cảm thấy mình chưa đủ sức. Nhạc dance là thứ dễ bị rơi vào đơn điệu, dễ trùng lặp. Làm album mới phải tìm ra cách pha chế tiết tấu mới. Chính vì đặc trưng này của dance, để muốn thoát ra khỏi sự nhàm chán, người ta mới đẻ ra đủ loại, khai phá mở nhiều đường trong dance (xem bảng các biến thể trong electronic dance music). Muốn làm mới, mình phải có thời gian dừng lại.

Mặt khác, dance không phải là pop. Muốn thưởng thức dance phải có không gian, vì vậy dance khó phổ biến rộng rãi được như pop. Nghe được dance trước tiên phải là người đam mê âm nhạc tiết tấu, nghe hòa âm là chính, chứ không quan trọng việc nghe ca từ. Hấp dẫn của dance chính là sự cuốn hút của tiết tấu và hòa âm.

Tôi muốn hướng đến loại nhạc dance vừa có thể thưởng thức trong không gian (vũ trường) vừa có thể nghe (CD) bình thường. Theo tiêu chí này thì Ambient dance và Electronic dance (tinh tế) phù hợp hơn dòng Techno (đơn điệu, chát chúa)

Võ Thiện Thanh và ca sĩ Thu Minh trong chương trình Bài hát Việt.

* Với những ca sĩ Việt Nam theo dòng nhạc này, anh có nhận xét gì ?

Khi hát dance, khó khăn với các ca sĩ chúng ta là đa số quen hát bài tiết tấu dàn trải, thậm chí hát lơi nhịp. Điển hình như trong cuộc thi Sao Mai điểm hẹn vừa rồi, nhạc phối dance nhưng ca sĩ lại hát theo kiểu pop, hát lơi nhịp nghe rất khó chịu. Yêu cầu đầu tiên của một ca sĩ hát dance là phải vững tiết tấu. Điểm yếu tiết tấu của ca sĩ thực ra cũng bắt nguồn từ ca khúc Việt Nam xưa nay đa số dàn trải, nghiêng về giai điệu hơn, bởi vậy ca sĩ bị nhiễm cách hát cũ. Muốn thay đổi, phải nghe nhạc dance rất nhiều.

* Với nhiều người, nhạc dance chỉ là thứ nhạc giải trí, nhảy múa thôi mà !

Không chỉ dance, nhiều dòng nhạc nước ngoài khác khi vào Việt Nam đều không được khai thác đến nơi đến chốn do người ta chưa hiểu biết thấy đáo về nó. Dance gắn với vũ điệu, với tiết tấu, nhưng nếu không nắm được bí quyết của dance, không “vào” được “bên trong” nó thì sáng tác không dễ.

Một đặc trưng trong sáng tác của dance, khác với các thể loại khác là dance không viết bài hát trước rồi phối âm sau đó, mà đôi khi làm ngược lại : phối âm trước, làm giai điệu và ca từ sau. Nôm na là làm hòa tấu nhạc nền trước, sau đó mới viết giai điệu và lời ca.

Ca sĩ mình nói là hát dance nhưng thực chất đa số là bài pop được phối theo kiểu dance. Muốn thực sự là dance, nhạc sĩ phải có ý tứ rõ ràng ngay khi sáng tác.

* Nếu coi phối dance cho pop là một thứ “Việt hóa” nhạc dance cho công chúng dễ nghe thì sao, thưa anh ?

Như thế không thể gọi là Việt hóa. Làm như vậy khiến người nghe ngộ nhận về dance. Giống như là đem tân nhạc phối cho cải lương vậy !

* Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Ngô Thanh Vân, Hồ Quỳnh Hương, Thanh Thảo, mới đây có thêm người mẫu lấn sân ca hát Phi Thanh Vân, và nhất là sự trở lại của “công chúa nhạc pop” Mỹ Tâm, rồi sắp tới là “diva” Hồng Nhung đều gắn với dance. Có ý kiến cho rằng dance là lối thoát cho những giọng hát “phần nhìn hơn phần nghe”. Và cũng có nhận định rằng dance là trào lưu âm nhạc mới ở Việt Nam. Quan điểm của anh ra sao ?

Dance là ngôi nhà để núp của các giọng ca “hạng hai” à ? Với một số nhánh đơn giản của dance như techno thì có thể đúng như vậy. Nhưng với những nhánh phức tạp của dance thì đòi hỏi ca sĩ một kỹ năng xử lý cao, khả năng cảm nhận tiết tấu tốt. Như với dòng Ambient Dance , ca sĩ giọng thường thường bậc trung khó lòng theo nổi. Ở Việt Nam, ca sĩ theo được dòng dance cao cấp rất hiếm.

Trên thế giới đây không phải thời điểm thịnh hành của dance. Nói đúng hơn, trên thế giới không có loại nhạc nào thịnh hành hơn loại nhạc nào, loại nào cũng có công chúng của nó. Ở ta, theo tôi, tìm đến với dance chủ yếu do ca sĩ muốn thoát khỏi sự nhàm chán của chính bản thân mình với dòng nhạc quen thuộc.

Tôi thấy ở Việt Nam hiện nay ca sĩ Việt Nam không ai chuyên gì hết. Và đấy là cái vòng luẩn quẩn của show-biz : ca sĩ mới khi tìm đến mình đều bảo “em tâm huyết với dòng nhạc này”, mình hết sức làm album chuyên biệt về thể loại đó, đến khi ca sĩ nổi lên rồi, có nhiều show rồi, thì không thể hát chuyên thể loại đó được, có khi còn hát dòng nhạc khác hẳn.

* Quan điểm của nhiều ca sĩ hiện nay: ca sĩ giỏi là người có thể hát được nhiều dòng nhạc.

Trên thế giới rất hiếm ai có thể hát được nhiều thể loại. Quan điểm của tôi, tốt nhất vẫn là chọn cho mình một dòng nhạc riêng biệt và kiên định với dòng nhạc của mình. Tất nhiên tôi biết ca sĩ đi vào thị trường ít ai kiên định được lắm, họ phải hát nhiều thứ để tồn tại. Rất ít ê kíp có sự kiên định được như Mỹ Linh-Anh Quân (nhưng nếu hai người đó không phải vợ chồng thì cũng khó).Bởi vậy mỗi năm mình lại làm với một ca sĩ mới, lúc nào cũng phải làm từ đầu. Như người khai hoang vậy, hôm nay chỗ này, mai lại đi chỗ khác. Vấn đề hiện nay là người khai hoang rất ít, bởi vậy rất khó tạo được cánh rừng.

* Cám ơn anh

Phạm Thị Thu Thủy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm