27/09/2008 10:27 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - "Hậu hiện đại" và "Toàn cầu hóa", theo tôi, là hai vấn đề khác nhau, mặc dù có thể có liên hệ ảnh hưởng. Khái niệm về chủ nghĩa Hậu hiện đại ra đời từ thập kỷ 70 (của thế kỷ trước) là một bước của hành trình hệ tư tưởng và nghệ thuật. Còn vấn đề "Toàn cầu hóa" là một quá trình kinh tế - xã hội- văn hóa… mới diễn ra thành hiện thực những năm gần đây...
Bàn chuyện "hậu hiện đại"...
Về những biểu hiện của “Nghệ thuật Hậu hiện đại” thế giới và Việt Nam, có một số tham luận đáng chú ý của dịch giả Trịnh Lữ và họa sĩ Nguyễn Quân, họa sĩ Phan Bảo… Dịch giả Trịnh Lữ với tham luận “Góp chuyện Hậu hiện đại” đã đi tìm nguồn gốc của khái niệm “Hậu hiện đại” trong triết học. Từ đó ông giải thích các hiện tượng nghệ thuật phá cách của thế giới với các hình thức phá vỡ cái truyền thống cổ điển và cái hiện đại.
Tham luận của hoạ sĩ Nguyễn Quân đi tìm khái niệm Hậu hiện đại từ thuật ngữ trong kiến trúc thế giới những năm 70, sau đó rộng mở sang các lĩnh vực khác. Bản chất của nó là sự kết nối, xóa bỏ trung tâm, xóa bỏ phong cách cá nhân. Chú trọng tính đại chúng, lấy ý niệm, ý tưởng làm yếu tố quan trọng bất chấp thẩm mỹ của những “két sắt đầy tiền” và “đầu óc trưởng giả”. Tuy tham luận là vậy, nhưng phát biểu "vo" của họa sĩ Nguyễn Quân còn vắt được sang cả chủ đề “toàn cầu hóa” với các ý kiến về hội nhập, bản sắc, giáo dục nghệ thuật, đào tạo nghệ sĩ, đời sống văn hóa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “con đường sống” duy nhất của nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu (không chỉ riêng mỹ thuật) là phải trở thành yếu tố được "dân sinh hóa", "công cộng hóa". Và sự trưởng thành tất yếu của nghệ sĩ “toàn cầu” trước hết buộc phải là người nghệ sĩ - trí thức”.
Dẫn một câu nói nổi tiếng của nước ngoài: “Mỗi một thời đại đều có chủ nghĩa hậu hiện đại của riêng nó”, họa sĩ Phan Bảo cho rằng có thể thấy cách nhìn "Hậu hiện đại" có sẵn trong… Nam Hoa Kinh của Trang Tử từ hàng ngàn năm trước. (Điều này làm ta nhớ lại các cụ nhà nho thời trước cho rằng cách chế súng đạn có sẵn cả trong Kinh Dịch). Lý thuyết là vậy, khác chăng là cách biểu hiện của mỗi thời kỳ. Họa sĩ Phan Bảo nghiêng về cho rằng "Hậu hiện đại" là một thái độ sống, một quãng cách không xác định (quá độ) giữa hai thời kỳ xác định…
Dẫu thế, thì các tham luận hay phát biểu cũng không có ai nêu bật ra vấn đề cốt yếu: Ở Việt Nam có nghệ thuật Hậu hiện đại hay không, và nếu có thì nó là những cái gì?...
Và chuyện “Nghệ thuật thời toàn cầu hoá”
Ở Việt Nam, cuốn sách nổi tiếng nhất được biết tới về mọi mặt chân dung của vấn đề “toàn cầu hoá” là cuốn “Thế giới phẳng ” của nhà báo Thomas L. Friedman. Trong đó, tác giả chỉ ra rằng “toàn cầu hoá” là một quá trình tự nhiên trước hết từ trong kinh tế toàn cầu, mà cả nước mạnh lẫn nước yếu, nhóm nước phát triển, đang phát triển hay chậm phát triển đều không thể cưỡng lại…
Các tham luận “bám chủ đề mới” hầu hết không nêu ra được bản chất của vấn đề “toàn cầu hóa” bắt đầu từ đâu, để từ đó dẫn đến những liên hệ với nghệ thuật. Hầu hết chỉ đề cập đến những biểu hiện văn hóa - nghệ thuật xâm thực lẫn nhau trong hội nhập trên mức độ hiện tượng. Do đó câu chuyện trở nên rất thú vị. Ví dụ như hoạ sĩ Đức Hòa kể câu chuyện về “văn hóa thời hội nhập” như sau: Hai nước Senegal (Phi) và Bungari (Âu ) trao đổi văn hóa bằng việc giao lưu các đoàn vũ công biểu diễn. Vũ công Senegal sang châu Âu nhảy múa rất bốc, để ngực trần và rất được tán thưởng. Bộ trưởng VH Bungari gửi công văn sang Bộ VH Senegal đề nghị vũ công Senegal phải mặc nịt ngực cho “hợp với thuần phong mỹ tục”. Bộ VH Senegal đồng ý, với điều kiện vũ công Bungari sang Senegal nhảy múa cũng phải tháo bỏ áo ngực cho hợp với “thuần phong mỹ tục châu Phi”…
Nhà giáo dục học Edgar Morin có cho rằng để tri thức giáo dục tương lai cần có một yếu tố rất quan trọng: Đó là dạy cho các công dân nhỏ ý thức về “căn cước toàn cầu” của mình và sự thông cảm lẫn nhau trước khác biệt về tôn giáo, dân tộc, văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế - xã hội, thì người nghệ sĩ có được “căn cước toàn cầu” ấy sẽ có nhiều hơn cơ hội tay không mang nghệ thuật đi khắp thế giới… Điều tiên quyết là bối cảnh ấy sẽ loại bỏ dần những thái độ sống đi ngược lại với thế giới, xuất phát từ những cái nhìn hạn hẹp “sau luỹ tre làng". Nếu những "điểm nhìn hạn hẹp" ấy còn tồn tại, thì sự đối thoại ngay trong một cộng đồng văn hóa, ngôn ngữ... cũng đã khó hiểu nhau, dẫn đến "ông nói gà, bà nói vịt", nói gì đến chuyện đối thoại quốc tế...
Vũ Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất