20/09/2008 12:50 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Từ giữa năm 2007, Viện Nghiên cứu xã hội (Viện NCXH) TP. HCM đã tiến hành các thủ tục để nhận 18.200 cuốn sách và tạp chí của nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Tiến Văn (Canada) trao tặng. Đây là phần lớn số sách được trích ra từ tủ sách gia đình của nhà nghiên cứu này. Sáng 22/9 tới đây Viện NCXH sẽ tổ chức lễ ra mắt thư viện chứa số sách trên tại 149 Pasteur, Q.3, TP. HCM.
TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng cho biết:
- Đây là một số sách khá lớn, tương đương một thư viện vào loại trung bình ở Việt Nam hiện nay và có giá trị trong nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn. Thật tình tôi không thể ước đoán được số tiền mà chủ nhân đã bỏ ra để mua số sách này. Tuy nhiên tôi biết rằng sách ở nước ngoài rất đắt, nhất là các bộ từ điển bách khoa và chuyên dụng. Điều quan trọng là chủ nhân đã bỏ nhiều công sức để tìm mua những cuốn sách hay, có giá trị từ nhiều nguồn, nhiều ngoại ngữ và nhiều nước khác nhau, trong suốt một thời gian dài mấy chục năm. Đó là cái mà không thể tính bằng tiền được.
* Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn chủ động tặng số sách này, hay bên chị chủ động nhận, vì ông ta cũng muốn tặng từ trước đó 1-2 năm nhưng một số cơ quan ở Việt Nam không chịu nhận?
- Qua một người bạn tôi được biết ông Nguyễn Tiến Văn có nhã ý tặng một số sách nghiên cứu cho một viện nghiên cứu hoặc trường đại học trong nước. Tôi không biết đã có cơ quan nào chưa hay không muốn nhận, nhưng khi tôi báo cáo việc này với ông Viện trưởng Viện NCXH, PGS-TS Phan Xuân Biên thì được sự chỉ đạo là tìm cách liên hệ với ông Nguyễn Tiến Văn để nếu ông Văn đồng ý thì sẽ nhận số sách này.
* Từ khi sách được chuyển bằng container loại lớn về cảng Cát Lái (Q.2, TP. HCM) đến nay là khoảng bao lâu rồi?
Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Tiến Văn từ chối trả lời phỏng vấn về sự kiện này, ông chỉ nói: “Tôi thấy mình cũng đã lớn tuổi rồi, sức sử dụng số sách chuyên ngành này đã bắt đầu suy giảm, tôi muốn được chia sẻ nó với nhiều độc giả khác, nhưng nếu tại tư gia ở Toronto (Canada) thì rất khó, vì ở đó các thư viện công cộng rất phong phú và khổng lồ. Tôi muốn tặng cho các bạn đọc ở Việt Nam và rất vui khi Viện NCXH đã đồng ý tiếp nhận. Tôi chỉ hi vọng một điều là sẽ có nhiều người đến tham khảo và chia sẻ các thông tin mà thư viện nhỏ này có thể cung cấp được”.
- Tháng 4/2007 chúng tôi nhận được giấy báo có lô hàng 300 thùng sách từ Canada gửi về, tại cảng Cát Lái. Ngay sau đó chúng tôi tiến hành làm các thủ tục để nhận lô hàng này. Hoàn tất các thủ tục và nhận hàng mất gần 2 tháng. Sau đó vì chưa có chỗ để nên phải gửi tạm tại một cơ quan bạn, nay mới đưa về trụ sở của viện.
* Thủ tục để nhận số sách này có khó không? Tại sao bên viện của chị lại chấp nhận làm một việc được xem là có tính “nhạy cảm” và gần như “hy hữu” này?
- Thủ tục nhận số sách này không khó, nhưng hơi lâu, vì đây là lần đầu tiên có một lô hàng nhập đặc biệt là sách nghiên cứu đã qua sử dụng. Vì vậy cũng cần làm một số văn bản giải trình… Chúng tôi đã được sự chấp thuận và giúp đỡ của các cơ quan chức năng nên đã nhận được lô hàng khá suôn sẻ. Là một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, chúng tôi nhận thấy đây là nguồn tài liệu rất hữu ích cho công việc hiện nay và về sau, cho nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu không chỉ ở TP. HCM. Vậy nên có cơ hội thì chúng tôi cố gắng để có được nguồn tài liệu quý này.
VĂN BẢY thực hiện
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất