Mơ "đổi đời" cho điện ảnh Việt

23/08/2008 11:49 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Làm việc cho cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), là giám đốc sản xuất của nhiều bộ phim, giảng dạy nhiều lớp đào tạo về điện ảnh ở Mỹ và Pháp, nhưng thường trực ở tiến sĩ Nguyễn Thạc Từ vẫn là kế hoạch nghiên cứu chiến lược phát triển điện ảnh Việt, phải làm sao để điện ảnh quốc nội đổi đời. Từ Mỹ, anh đã trao đổi với TT&VH.
 
 Tiến sĩ Nguyễn Thạc Từ
* Lý do gì khiến anh dành nhiều thời gian nghiên cứu về điện ảnh Việt với mong muốn tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xốc ngành điện ảnh quốc nội phát triển?
 
- Đó là lòng tự ái dân tộc. Nếu bạn xa quê hương lâu như tôi và tạm gọi là thành công ở xứ người, bạn sẽ thấy đau lòng khi nghe ai đó nói quê hương của bạn yếu kém về lĩnh vực nào, nhất là lĩnh vực đó bạn đã có 40 năm kinh nghiệm và đang sử dụng những kinh nghiệm đó để giảng dạy ở xứ người. Tôi nghĩ, để tìm một giải pháp cho điện ảnh Việt Nam không phải là điều khó. Tôi đã đọc rất nhiều bài viết của các nhà làm phim Việt Nam bàn về việc tìm kiếm giải pháp phát triển điện ảnh nhưng thực chất là họ mới chỉ “biết bàn” thôi chứ chưa tìm được giải pháp.
 
* Nói như vậy, có nghĩa anh đã tìm ra, hoặc chí ít là cũng có định hướng về vấn đề này?
 
- Bây giờ điện ảnh là một kỹ nghệ, mỗi người có một nhiệm vụ, không còn thời đạo diễn là cha, là mẹ của sàn quay nữa. Không riêng điện ảnh, bất cứ lĩnh vực nào muốn phát triển cần phải có chiến lược và chiến lược đó phải sáng suốt, phải được nghiên cứu trước khi thực hành. Những năm gần đây, Việt Nam đã đưa một số nghệ sĩ sang Mỹ tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức làm phim. Đáng tiếc là hầu hết các học viên đều kém sinh ngữ, phải mang theo thông dịch viên mà thông dịch viên thì làm sao có thể diễn tả được ý tưởng trong nghệ thuật. Chuyên gia nước ngoài về Việt Nam dạy cũng rơi vào tình trạng này - học viên thiếu sinh ngữ phải dựa vào phiên dịch. Mặt khác, không phải chuyên gia nào cũng hiểu cận kẽ điều kiện sản xuất ở Việt Nam, nên nhiều lúc họ đã dạy cho các nhà làm phim Việt Nam những điều “không tưởng”, những điều mà chỉ có Hollywood mới thực hiện được.
 
* Thế theo anh, phải làm thế nào?
 
- Cần phải đổi mới chương trình đào tạo tại các trường sân khấu điện ảnh, bắt buộc các sinh viên theo học điện ảnh phải học ngoại ngữ, thông thạo ngoại ngữ. Với các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam giảng dạy, chúng ta phải chủ động yêu cầu họ cung cấp những kiến thức gì, dạy cái gì cho phù hợp với thực tế sản xuất ở Việt Nam và có thể “thực hành” ngay các bài giảng sau khi khóa học kết thúc, thay cho việc để họ giảng những kiến thức “trên trời”, lạ đấy, hấp dẫn đấy, nhưng để áp dụng vào Việt Nam là điều vài chục năm nữa chưa chắc đã làm được. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chiến lược đào tạo quy củ thế hệ các nhà làm phim mới, phù hợp với đà phát triển kỹ thuật của điện ảnh thế giới.
 
* Anh xa Việt Nam đã lâu, có khi nào anh nghĩ những giải pháp mà anh đưa ra cho điện ảnh Việt... cũng xa với thực tế không?
 
- Tôi là người làm công việc nghiên cứu chiến lược phát triển điện ảnh và để làm điều này, tôi đã nghiên cứu rất nhiều nền điện ảnh, trong đó có Việt Nam. Điện ảnh với tôi như một “nghiệp chướng”. 19 tuổi tôi sang Pháp học ngành cơ khí hàng không. Chương trình học có một số giờ học về quay phim và chụp ảnh. Thày dạy tôi là ông Jea Gonnet, một giám đốc sản xuất điện ảnh nổi tiếng ở Pháp. Một lần, người phụ tá của Jea Gonnet bận việc, ông hỏi tôi có muốn phụ việc giúp ông không và tôi nhận lời. Thời gian làm việc bên cạnh Jean Gonnet, ông ấy đã truyền niềm đam mê với điện ảnh sang tôi. Tôi đã theo học hai trường về điện ảnh IFC và VUAGIRAT rất nổi tiếng về kỹ thuật điện ảnh của Pháp và làm việc như một cố vấn kỹ thuật cho nhiều hãng phim. Hiện tại, ở Mỹ tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và học hỏi thêm những công nghệ mới của kỹ thuật điện ảnh và hy vọng một ngày nào đó trở về Việt Nam để đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà.
 
* Cảm nhận của anh về các nhà làm phim ở Việt Nam sau khi tham gia giảng dạy hai khóa đào tạo mới đây về diễn xuất trước ống kính và sản xuất phim?
 
- Kịch bản và diễn xuất là hai điểm yếu dễ nhận ra ở phim Việt. Dường như các nhà biên kịch khi đặt bút viết chưa bao giờ tự trả lời câu hỏi, kịch bản mình sắp viết thị trường có mong mỏi không? Đã vậy, cách viết lại quá lỗi thời, lan man, gây khó cho diễn viên trong việc thể hiện diễn xuất. Tôi nhận thấy, diễn viên Việt Nam không chịu tập luyện như diễn viên của Mỹ. Người ta giỏi nhưng vẫn tập luyện hàng ngày để khẳng định mình, còn ở ta thì chưa giỏi đã mắc bệnh “sao” rồi nên hầu hết các phim, khâu diễn xuất của diễn viên rất yếu. Vì thế, cần phải mở thêm những lớp huấn luyện diễn viên chuyên cho điện ảnh; huấn luyện lại kỹ thuật quay phim...
 
* Được biết, ông đã lập một hãng phim ở Wasington. Có phải vì ông là dân “kỹ thuật” nên hãng phim của ông cũng chuyên về lĩnh vực này mà không đầu tư vào việc sản xuất, phát hành phim?
 
- Tôi từng nhận phần thưởng cao quý nhất của NASA - đó là tấm bằng ghi nhận công lao đóng góp của tôi đối với chuyến bay vào vũ trụ của con thoi Endeavour. Tôi cũng là người đầu tiên mang công nghệ vô tuyến cố định vào Việt Nam thời gian làm việc cho hãng Hughes. Vì thế, có thể xem “kỹ thuật” là sở trường của tôi rồi. Hãng phim của tôi chuyên trách về hai lĩnh vực: nghiên cứu, thiết kế ánh sáng thành dòng điện dùng trong trường quay và thẩm định kịch bản cho các hãng phim. Như tôi đã nói ở trên, mọi công việc mà tôi đang làm đều hướng tới cái đích là một ngày nào đó trở về Việt Nam đóng góp trí tuệ, chất xám và những sáng kiến của mình cho sự phát triển của điện ảnh.
 
* Ngày đó có thể là bao giờ?
 
- Tôi luôn sẵn sàng nếu có lời mời!
Nguyệt Nhi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm