Kỳ 2: Mối tình âm dương cách biệt và bài thơ tình bất hủ

01/08/2008 12:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cái đám cưới kỳ lạ “Ngày hợp hôn/ Nàng không đòi may áo cưới/ Tôi mặc đồ quân nhân/Đôi giày đinh/ Bết bùn đất hành quân/ Nàng cười xinh xinh/ Bên anh chồng độc đáo’’ ấy diễn ra vào ngày 16/2/1949. Năm ấy nhà thơ 33 tuổi còn vị hôn thê mới tròn 16 tuổi. Sau ngày cưới ông lại vào chiến trường. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. người vợ trẻ của ông đã đột ngột ra đi …Từ nỗi đau tận cùng ấy một tác phẩm thi ca bất hủ đã ra đời.
 
 Kỳ nhân Hữu Loan
Có lẽ người ta nhớ đến Hữu Loan là nhớ đến bài thơ Màu tím hoa sim với những xúc cảm chân thành của một mối tình âm dương cách trở. Đôi mắt nhà thơ ánh lên khi nhắc về mối tình đầu đau thương và câm nín. Người con gái trong bài thơ Màu tím hoa sim là người đàn bà đầu tiên trong cuộc đời Hữu Loan và dù đã sáu thập kỉ trôi qua nhưng những cảm xúc ngày nào vẫn như đang vây rát trong tâm trí lão nhà thơ.

Không gian của bài thơ được kết thúc bằng những đồi hoa sim tím loang dần những vạt đồi miền trung du. Đấy là những cánh đồi sim mua ngút ngàn ở chân núi Nưa bên dòng sông Yên xanh thẳm. Địa danh ấy ngày xưa gọi là Bến Chuồng với những dãy đồi thấp san sát nhau và những dòng khe, những hồ nước tĩnh lặng đến nao lòng. Mỗi độ thu về hoa sim hoa mua dệt không gian thành màu tím mông mênh nhìn ngun ngút con mắt. Đến tận ngày hôm nay những vạt đồi tím ấy vẫn như chẳng có gì thay đổi như bản thân vùng quê bán sơn địa ấy. Người viết bài này đã từng tắm mình trong cái màu tím mang mang ấy để thấu cái biền biệt sơn khê và cảm giác rất lạ “ khi gió sớm thu về rợn rợn nước sông” mà Hữu Loan đã gọi tên trong bài thơ để đời của ông.

Người con gái “tóc chưa đầy búi” ấy tên là Lê Đỗ Thị Hinh con gái ông Lê Hữu Kỳ, quan tham biện nhà Nguyễn. Thời đi học và hoạt động dân chủ, Hữu Loan trọ học và làm gia sư ở nhà cụ tham biện. Khi đó Hữu Loan gia sư cho ba người anh bà là Lê Đỗ Khôi*, Lê Đỗ Nguyên** và Lê Đỗ An. Sau này ông có nhắc đến họ trong bài thơ “ Nàng có 3 người anh đi bộ đội” hay “ Một chiều rừng mưa/ Ba người anh nơi chiến trường Đông Bắc/ Được tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng” là như vậy. Lúc đấy bà Hinh còn nhỏ chỉ độ 10 tuổi và rất chăm chú nghe ông giảng bài cho các anh. Tình cảm cứ như vậy dần dần nảy nở trong lòng cô gái nhỏ. Cụ Lê Hữu Kì rất quí mến nhà thơ và coi ông như con trong nhà cũng âm thầm vun vén tình cảm cho cô con gái nhỏ. Sau khi cách mạng thành công cụ Lê Hữu Kì về lui về ở ấp nhỏ dưới chân núi Nưa. Ba người con lớn của cụ lần lượt nhập ngũ. Hữu Loan cũng ra nhập sư đoàn 304 làm công tác tuyên huấn. Thi thoảng ông lại đạp xe về nhà cụ chơi. Chính trong thời gian giữa những cuộc đi về chớp nhoáng ấy tình yêu giữa nhà thơ Hữu Loan, một chiến sĩ văn hoá cách mạng, và cô tiểu thư Lê Đỗ Thị Hinh đã đơm hoa kết nụ. Cái đám cưới kì lạ đi vào Màu tím hoa sim ấy diễn ra vào ngày 16/2/1949. Năm ấy nhà thơ 33 tuổi còn vị hôn thê mới tròn 16 tuổi. Sau ngày cưới ông lại vào chiến trường. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. người vợ trẻ của ông đã đột ngột ra đi do chết đuối ngày 29/5/1949. Khi hồi ức đến đây tôi thấy mắt lão nhà thơ như chực khóc. Cái khóc khan của một người đã ngoài 90 tuổi và trải qua không biết bao nhiêu những nỗi đau và đắng cay cuộc đời. Ông cất giọng đọc khe khẽ:

Nhưng không chết
Người trai khói lửa
Mà chết
Người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
Không gặp nàng
Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh…


Giọng đọc của ông không còn tròn trịa bởi đôi hàm răng đã rụng gần hết. Ông cầm li rượu nhấp một chút rồi để xuống mắt nhìn xa xăm như đang dõi đến tận chốn nào xa lắm. Khi tôi hỏi ông có còn giữ được tấm ảnh nào của bà Hinh không thì ông ngồi thần ra mất một lúc. Ông bảo cái năm bão gió cách đây mười mấy năm khi nhà bị đổ, mưa lũ dâng nước ngập nhà ông đã làm thất lạc tấm ảnh mà bấy lâu ông vẫn giữ kề kề bên mình.

Cái chết thê thảm của người vợ trẻ ấy đã đưa cuộc đời nhà thơ rẽ sang một hướng khác. Từ nỗi đau tận cùng ấy bài thơ bất hủ của ông đã ra đời và làm nên tên tuổi nhà thơ dù có lúc bị quy kết, bị dìm xuống tận cùng khổ tận tưởng chừng không bao giờ gượng dậy nổi nhưng cuối cùng ông đã vượt qua tất cả để ngạo nghễ với cuộc đời. Sự ra đời của bài thơ Màu tím hoa sim bắt đầu từ một cái chết thương tâm nhưng cũng mở ra cho nhà thơ một chân trời mới… Và một mối tình si khác không dạt dào không dậy sóng nhưng trọn vẹn và dài lâu đã đến với Hữu Loan.

(*) Liệt sĩ, hy sinh trên đồi Him Lam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 1954.

(**) tức trung tướng Phạm Hồng Cư
(Còn tiếp)
 
Trương Xuân Thiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm