(TT&VH) - Thị trấn Tứ Hạ, một thị trấn nhỏ của huyện Hương Trà nằm trên quốc lộ 1A cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km về hướng Bắc. Thật ngạc nhiên khi ở đây bức tượng trung tâm của quần thể tượng mang tên Hồ tưởng niệm (của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị) vốn đã được đặt ở một nơi công cộng tại thành phố Marseille (Pháp) từ 1974, nay được xây dựng làm tượng đài tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ của huyện.
Tượng đài Liệt sỹ huyện Hương Trà |
Đến Huế mọi người chỉ biết những tác phẩm của Điềm Phùng Thị ở Nhà triển lãm tác phẩm của bà ở số 1 đường Phan Bội Châu mà ít ai biết đến bức tượng cao 11m này. Tác phẩm của Điềm Phùng Thị được đặt ngoài trời, hiện nay ở TP.HCM có các tượng Vệ sĩ, Người đàn bà Nhật Bản, Cầu nguyện... đặt ở khu du lịch Bình Quới. Nhưng tượng đài xây dựng ở thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế được xem là tượng đài có kích thước lớn nhất và là tác phẩm duy nhất gắn với ý nghĩa của một công trình văn hóa - xã hội ở Việt Nam. Nó cũng là tượng đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ được tạp chí Hội Kiến trúc Việt Nam đánh giá là một công trình mang tính nghệ thuật cao.
TT&VH đã gặp ông Võ Hàng, Chủ tịch huyện Hương Trà, một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tượng đài này để tìm hiểu thêm về sự xuất hiện khá “kỳ lạ” của tác phẩm của Điềm Phùng Thị ở một huyện...
* Tại sao huyện ta lại chọn tác phẩm của bà Điềm Phùng Thị, một tác phẩm điêu khắc với ngôn ngữ mới mà không phải ai cũng có thể cảm thụ được?
Từ tháng 10/1990 huyện Hương Trà tách ra từ huyện Hương Điền cũ, Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Trà mong muốn xây dựng trên quê hương của mình một đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Qua quá trình chuẩn bị khá lâu dài và sau khi đơn vị tư vấn đưa ra nhiều bản vẽ, huyện đã tổ chức các hội thảo với sự tham dự của các ban ngành liên quan... để giúp cho huyện chọn mô hình xây dựng tượng đài. Với mong muốn tượng đài sẽ xây dựng thể hiện được tình cảm của nhân dân đối với các anh hùng liệt sĩ, đồng thời nó cũng là một tác phẩm nghệ thuật, nên huyện chưa đồng ý với các mẫu thiết kế mà công ty tư vấn đưa ra.
Sau đó, anh Nguyễn Thế Truyền, nguyên PGĐ Sở Xây dựng, thường trực Hội đồng Kiến trúc tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gợi ý nhờ sự giúp đỡ của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. Chúng tôi vào làm việc với bà tại Huế và bà đồng ý. Với tác phẩm của bà Điềm Phùng Thị, chúng tôi đã đưa ra tập thể lãnh đạo và các ban ngành để trưng cầu ý kiến, qui trình khá chặt chẽ và cũng mất rất nhiều thời gian...
* Tinh thần của ban ngành ở huyện có đồng thuận?
Thật ra, đại diện các ban ngành trong huyện qua các buổi hội thảo cũng có nhiều băn khoăn, nhưng nhờ các ý kiến tư vấn của nhiều đơn vị và qua phân tích của các nhà chuyên môn, họ cho rằng nó không những phù hợp mà còn là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Quá trình lựa chọn, thiết kế chi tiết và nhất là để đạt được sự thống nhất trong việc xây tượng đài này cũng mất rất nhiều thời gian: hơn 10 năm.
* Như vậy đây là tác phẩm có sẵn chứ không phải huyện đề nghị bà Điềm Phùng Thị sáng tác?
Đây là tác phẩm có sẵn và đang được trưng bày tại Nhà lưu niệm tác phẩm điêu khắc của bà Điềm Phùng Thị ở số 1 đường Phan Bội Châu, thành phố Huế. Nhưng đây chỉ là một tác phẩm với kích thước nhỏ, khi xây dựng thành tượng đài, nó phải được thiết kế lớn hơn, có thêm chân đế của tượng đài, tổng thể quang cảnh nơi đặt tượng đài, vị trị của tổng thể quang cảnh đó... Tất cả đều phải được sự đồng ý của bà Điềm Phùng Thị khi bà đã đích thân đến nơi dự kiến sẽ đặt tượng.
Tượng trung tâm trong quần thể tượng mang tên Hồ tưởng niệm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị được xây dựng làm đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại thị trấn Tứ Hạ trên quảng trường dài 110m, rộng 63m. Tượng cao 9m, đặt trên chân đế cao 2m, rộng 9m |
* Vậy ý nghĩa của tác phẩm có sẵn này là gì, nó có phù hợp với một đài tưởng niệm?
Ngay cả bà Điềm Phùng Thị bà cũng không nói rõ nội dung ý nghĩa của tác phẩm, nhưng bà có nói rằng nếu chọn tác phẩm này để làm một tác phẩm đặt ngoài trời và để làm biểu tượng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ thì rất phù hợp.
* Bản thân ông là người trong hơn 10 năm “đấu tranh” ủng hộ việc chọn lựa tác phẩm này, ông có thể nói cảm nhận của mình về nó?
Đây là một tác phẩm điêu khắc đương đại, theo tôi nó thể hiện được cái hồn dân tộc. Khi ngắm nhìn, hình tượng của tác phẩm mang lại cho chúng ta một cảm giác vừa gần gũi vừa thiêng liêng, nó như là sự hội tụ những tinh túy của tâm hồn. Những anh hùng liệt sĩ là những “tinh hoa” của dân tộc, nên nếu một tác phẩm mà hình tượng gợi liên tưởng về sự hội tụ những tâm hồn cao đẹp sẽ rất hợp lý để chúng ta dùng nó làm một tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đồng thời nó cũng mang ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật. Khác với rất nhiều tượng đài na ná nhau như: hình khối vút cao lên trời, đỉnh là một ngôi sao, các mặt chung quanh ghi dòng chữ “Tổ quốc ghi công”, hoặc tượng bà mẹ, anh giải phóng quân trong tư thế xông lên phía trước... mà chúng ta thường thấy.
* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Hữu Trịnh (thực hiện)