Ông Dũng “Đại Nam” xoá nợ và lập lời thề

26/07/2010 17:23 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Xưa nay, từ doanh nghiệp tư nhân đến tập đoàn lớn, đã kinh doanh, dính tới vay nợ là điều bình thường. Lần đầu tiên có một doanh nhân công bố xoá nợ vay. Chuyện hiếm thấy! Nhưng đó là sự thật đối với doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc  Công ty Cổ phần Đại Nam (Bình Dương). Việc xoá nợ  như  thoát ra khỏi “vòng xoáy” khiến ông chủ Đại Nam vui như đứa trẻ.

Ông Dũng cho hay, tiến tới Đại Nam không sử dụng vốn vay để đầu tư, việc tiếp tục mở rộng giai đoạn hai khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam văn hiến với nguồn vốn “khủng” dự kiến 3.000 đến 5.000 tỷ đồng  hoàn toàn dựa trên nguồn vốn tích luỹ của doanh nghiệp. Ông khẳng định chắc nịch “Đại Nam là một công trình tâm huyết, máu thịt mà tôi mong muốn để lại cho đời”.

Sau 30 năm lăn lộn trên thương trường, ông Dũng trải lòng về điều ông nghiệm ra: “Cuộc đời như một tua du lịch, hết tua, ta sẽ về nơi xuất phát. Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta, lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”!

Tôi đi ngược lại xu thế…

* Xuất phát từ đâu mà ông có “tư tưởng” xoá nợ vay, rồi công bố thẳng thừng không vay nữa?

- Tôi đi ngược lại xu thế hiện nay là người người vay nợ đang ở tử tâm “vòng xoáy” đi ra, còn tôi ở vòng ngoài đi vào tâm. Việc xoá nợ với tôi, coi như đáng mừng, bởi xu thế hiện nay muốn mở rộng kinh doanh bao nhiêu thì nợ bấy nhiêu. Riêng Đại Nam đang ở vào thời điểm thăng tiến, nên chúng tôi muốn thoát ra khỏi vòng xoáy, xoá nợ “quách” cho xong, để còn trí mà làm cái khác. Chứ “ôm” nợ có khi gặp nhiều lời đồn thổi, gây thêm nhiều điều thị phi có khi ảnh hưởng hơn đến thương hiệu, uy tín cho doanh nghiệp.

* Đầu tháng 7 này, tin vui dồn dập đến với ông, cưới vợ, Đại Nam xoá nợ nần và sắp tới đầu tư giai đoạn hai. Điều gi làm ông vui nhất?

- Tôi xin chia sẻ tin vui này với mọi người, tôi tìm được người vợ, người bạn đồng hành trên cõi đời này. Người phụ nữ cùng chí hướng sát cánh đồng hành gian khổ cùng tôi mặc dù trải qua nhiều điều thị phi, thậm chí tưởng không thể vượt qua sự chịu đựng, thế rồi chúng tôi cùng sát cánh đi bên nhau. Tôi và vợ tôi Nguyễn Phương Hằng cùng chung một mục tiêu nguyện xây dựng Đại Nam “tuyệt vời và thân thiện”.


Núi nhân tạo Đại Nam như núi thật, hàng ngàn con yến kéo về làm tổ

Thêm niềm vui nữa là Đại Nam sau 2 năm đưa vào hoạt động, đến giờ này tôi xin công bố xoá hoàn toàn nợ vay và tôi không còn nợ ai xu nào trên thế gian này. Cùng 2.000 nhân viên tại Đền thờ Đại Nam, vợ chồng tôi đã lập lời thề “Từ bây giờ và mãi mãi cho đến khi nhắm mắt không bao giờ vay mượn của ai đồng nào để đầu tư”.

Tôi hiểu các nhà đầu tư hiện nay, khi bước vào thương trường kinh doanh thì ai mà không nợ và như ông bà nói “thuyền to thì gió lớn”. Do đó, tôi hoàn toàn chia sẻ cảm giác những ai còn nợ đang gánh chịu biết bao khó khăn. Thật sự đối với doanh nghiệp, họ rất cực khổ, họ là “những chiến sỹ kiến quốc trên mặt trận kinh tế” nên chúng ta càng trân trọng, chúc mừng khi họ thành công, xót xa những người chịu thất bại. Tôi chuyển lời đến người nào thay bằng hàng ngày chuyên đi bàn tiếu các doanh nghiệp về “thị phi” trên thương trường thì nên giành thời gian để đi làm những việc có ích cho xã hội.

* Sẽ xây thêm 4 đền thờ, Khu Việt Nam, Thế giới thu nhỏ

* Gần đây, rộ lên tin đồn Đại Nam nợ hàng ngàn tỷ đồng, sắp phá sản và một phần bán cho Cty Hoàng Anh Gia Lai. Điều đó có đi ngược lại chuyện xoá nợ của ông không?

- Đến giờ này, tôi chưa bao giờ gặp “ông” Hoàng Anh Gia  Lai, không quen biết sao có những thông tin “buồn cười” là Đại Nam đang trên đà thăng tiến lại đi bán cho Hoàng Anh Gia Lai. Tôi khẳng định lại: Công ty Cổ phần Đại Nam chưa hề có cổ phiếu nào lên sàn chứng khoán, mặt khác Đại Nam vừa xoá hoàn toàn nợ và tôi không còn nợ ai một xu trên thế gian này. Hiện nay và mãi mãi không bao giờ xảy ra chuyện sang nhượng, mua bán khu du lịch Đại Nam mà tôi giành trọn cuộc đời này để xây dựng.


Hai vợ chồng Huỳnh Uy Dũng sau ngày tuyên bố xóa xong nợ

Cả đời tôi rất kính trọng “Quốc hồn, Quốc tuý” thiêng liêng của dân tộc, nên tôi lập đền thờ các vị anh hùng dân tộc có công với nước, 1067 dòng họ của 54 dân tộc Việt Nam tại Khu du lịch Đại Nam nên có gan bằng trời, cộng thêm một triệu ông Dũng cũng không dám bán “Quốc hồn, Quốc tuý” của dân tộc.

* Hướng tới mở rộng giai đoạn hai, vậy sau hai năm đưa vào hoạt động, Đại Nam đạt những thành quả nào trong kích cầu du lịch?

- Tới thời điểm hiện tại Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến đã đạt được những thành quả ban đầu rất khích lệ: số lượng khách đến vui chơi tham quan ngày càng tăng, trong năm đầu khai mạc, Khu Du lịch đã đón tiếp 3,5 triệu lượt du khách. Năm 2010, Đại Nam kế hoạch đón 5 triệu lượt khách trong năm thứ hai hoạt động của mình. Sắp tới trong gian đoạn hai, Đại Nam xây thêm 4 đền thờ, Khu Việt Nam thu nhỏ và Thế giới thu nhỏ. Đầu tư “mạnh” vào văn hoá du lịch nên chúng tôi đưa ra dự báo số lượng du khách cho đến năm 2012 sẽ thu hút 10 triệu lượt/năm.

Đối với tôi, Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến không phải là nơi để thỏa mãn giấc mơ kinh doanh mà là nơi tôi dành tâm huyết trọn đời cho sự tự hào về văn hóa và lịch sử của đất nước. 

Thành công là sự trả ơn ngọt ngào nhất

* Gần đây, ông hay than phiền chuyện “thị phi”. Từ đâu có những lời “đàm tiếu” khó nghe đó?

- 30 năm lăn lộn trên thương trường tôi đã gặp muôn vàn những khó khăn có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua được, tôi đã “bắt tôi chịu đựng những điều tưởng chừng không chịu đựng được và bắt tôi tha thứ những điều tưởng chừng không thể thứ tha”.

Rất nhiều lời đồn, đàm tiếu những điều tiếng có người nói tôi ngông, có người nói tôi nợ hàng ngàn tỷ đồng và chuẩn bị phá sản, có khi lại còn cay nghiệt hơn là nói tôi không còn minh mẫn và hoàn toàn không còn khả năng quyết định. Những lời đồn đoán ấy tôi hoàn toàn tiếp nhận, lắng nghe tiếp thêm nội lực quyết tâm xây dựng cho bằng được một Đại Nam để đời.             

Đến giờ này, ngày hạnh phúc nhất của tôi, sau hai năm hoạt động với hiệu quả tốt, tôi chính thức tuyên bố Đại Nam hoàn toàn thoát nợ và bắt đầu khởi động giai đoạn hai.

Giai đoạn hai, tôi sẽ dành trọn tâm huyết cho hai công trình trọng điểm là Việt Nam thu nhỏ và Thế giới thu nhỏ mà ở đó tất cả những tinh hoa văn hóa, lịch sử của 64 tỉnh thành trên cả nước và hơn 200 quốc gia và lãnh thổ sẽ được tái hiện đầy đủ…(cười vui vẻ). Vốn đầu tư từ 3 ngàn đến 5 ngàn tỷ đồng hoàn toàn là vốn tự có qua quá trình tích lũy của doanh nghiệp, không sử dụng vốn vay đâu nhé.   

*Ngoài những việc đã làm được ở Bình Dương, có khi nào ông “trăn trở” về quê hương Bình Định nơi sản sinh ra ông còn nghèo khó hay không?

- Vợ tôi mới nhắc nhở tôi: “Quê hương Bình Định của anh còn nghèo lắm”. Tôi đang xây dựng ý tưởng và ước mơ này để làm cái gì đó cho quê hương, nơi quê cha đất tổ đã sinh tôi ra.

Tôi xin cảm ơn những người đã hiểu cho tôi, và cả nhưng ai chưa thực sự hiểu. Tôi luôn biết đón nhận những lời thị phi và biến nó thành một nguồn “năng lượng” để giúp tôi thực hiện giấc mơ gian khổ của mình. Tôi cho rằng “thành công là sự trả ơn ngọt ngào nhất”.

Dương Chí Tưởng (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm