Bệnh nhân mòn mỏi trông chờ vào y đức

02/04/2010 11:37 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - Giá thuốc trên thị trường nhảy “loạn xạ”, hàng nội – hàng ngoại lẫn lộn, còn người dân thì mù mờ trước “mê hồn trận” chủng loại, chất lượng thuốc. Trước thực trạng đáng buồn đó, các bệnh nhân chỉ còn biết trông chờ vào 2 chữ “y đức” của các vị bác sĩ, dược sĩ.

“Loạn” thị trường thuốc Tây

Trong suốt một thời gian dài, tình hình giá thuốc và chất lượng thuốc tây tại TP.HCM còn nhiều vấn đề nhức nhối. Việc khó kiểm soát giá thuốc, tình trạng buôn bán thuốc lậu (không dán tem) và “lên đời” thuốc nội thành thuốc ngoại đã và đang diễn ra phức tạp. Trong khi người dân hoàn toàn mù tịt thông tin chủng loại, giá cả, chất lượng thuốc thì các cơ quan chức năng lại không thể giải quyết tận gốc vấn đề này.

Chúng tôi tiếp cận với ông T. một dân buôn thuốc Tây thường xuyên lấy nguồn hàng từ trung tâm thuốc Tây (chợ sỉ) tại quận 10 và giao cho một số nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM, thì được biết: “Cơ quan chức năng rất khó kiểm soát được giá thuốc hiện nay vì lực lượng thanh tra – kiểm tra rất mỏng. Nếu là dân buôn thuốc Tây mua hàng tại chợ sỉ thì giá sẽ chênh lệch với người dân đi mua lẻ thuốc tại đây là khoảng từ 12% - 14%. Đây là giá ở chợ sỉ, còn giá tại các nhà thuốc Tây bán lẻ thì “loạn giá”, “hét” bao nhiêu thì bệnh nhân mua bấy nhiêu. Có ai đi mua thuốc mà trả giá bao giờ, vì đây là loại sản phẩm đặc thù, phức tạp về chủng loại, tên gọi nên người dân rất khó nhận biết”.

Ảnh minh họa


Theo bà Phạm Khánh Phong Lan – PGĐ Sở Y tế TP.HCM: “Các nhà thuốc trên thị trường tại TP.HCM thì quản lý theo cơ chế Pháp lệnh giá, có nghĩa những nhà thuốc tự định giá theo giá họ mua vào, thì đương nhiên nếu họ mua được giá rẻ thì bán ra rẻ, còn bán buôn tăng giá thì họ sẽ tăng, nhưng họ không thể tăng quá cao được vì theo cơ chế thị trường. Pháp lệnh giá quy định, nếu như doanh nghiệp, nhà thuốc có niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết thì cơ quan không xử phạt, làm sai mới phạt, đây là vấn đề không riêng mặt hàng thuốc”.
 
Tuy nhiên theo ông T cho biết: Thực tế qui định của Pháp lệnh giá là vậy nhưng việc mua bán tại chợ sỉ, các nhà thuốc vẫn có thể bán thấp hoặc cao hơn giá niêm yết. Thậm chí việc niêm yết giá chỉ là làm chiếu lệ, đối phó với cơ quan chức năng. “Nếu các nhà thuốc mà niêm yết hết tất cả các loại thuốc mà mình đang bán thì phải đóng thuế, lấy đâu ra nhiều lợi nhuận, nên buôn bán mà ngay thẳng thì làm sao mà sống được” – T. nói.
Chúng tôi đi thực tế tại một số nhà thuốc trên đường Nguyễn Sơn, quận Tân Phú TP.HCM và thậm chí ngay tại trung tâm thuốc Tây, rõ ràng việc niêm yết giá của một số nhà thuốc rất sơ sài, có nơi chỉ hơn 10 loại thuốc, rất ít so với các chủng loại thuốc đang được bày bán.

Ngoài vấn đề khó quản lý giá thuốc, ông T. tiết lộ thêm: những mặt hàng thuốc cung cấp từ các công ty dược (có dán tem) thì hàng không dán tem (hàng lậu) với chất lượng thuốc không rõ vẫn được buôn bán tại chợ sỉ, nhà thuốc bán lẻ bên ngoài. Tuy nhiên, các cửa hàng này chỉ dám bán thuốc cho người quen như các phòng mạch tư và các nhà thuốc với nhau… nếu xé hộp bán lẻ thì có thể bán cho bệnh nhân.

Trông chờ vào y đức

Bà Lê Thị Do - đại diện Ban Quản lý Trung tâm thuốc Tây tại quận 10 cho biết: Giá thuốc sẽ tăng vào đầu tháng 4/2010, nguyên nhân dẫn đến tăng giá thuốc nhập khẩu là do tỷ giá tăng và giá điện tăng nên chi phí đầu sẽ vào tăng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định: “Cách quản lý giá hiện nay, cả Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh đều thực hiện theo Thông tư 11/2007/YT-TC-CT, theo đó giá thuốc phải kê khai, nếu thuốc ngoại nhập phải kê khai với Cục Quản lý dược, nếu có thay đổi phải kê khai lại. Sau đó nếu được đồng ý thì mới được phép đưa ra thị trường. Đối với thuốc sản xuất trong nước có thay đổi về giá thuốc thì phải kê khai lại tại Sở Y tế và có thẩm định cùng Sở Tài chính nếu đồng ý mới được cho tăng.

Mặt khác, đánh giá về chất lượng thuốc Việt Nam, đại diện một nhà thuốc Tây tại đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) cho biết: “Giá thuốc sản xuất trong nước rõ ràng là rẻ hơn nhiều so với giá thuốc ngoại nhập. Do vậy, nhà nước phải khuyến khích các bác sĩ kê đơn những loại thuốc sản xuất trong nước vì thuốc sản xuất trong nước đa số đáp ứng được những nhu cầu của người bệnh và giá rất rẻ. Chỉ trừ các loại thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được thì mới phải xài hàng nhập từ nước ngoài. Thực sự chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập vì nhà máy việt nam đều đạt chuẩn GPP nhưng do người dân có tâm lý chuộng hàng ngoại, nhất là khi có bệnh tật họ không dám tiếc tiền vì cứ nghĩ mắc tiền là tốt. Điều quan trọng là cần ở người bác sĩ, dược sĩ phải có lương tâm nghề nghiệp”.

Ngoài ra, bà Phong Lan còn thừa nhận: “Thực ra, hiện nay có một thực trạng các phòng mạch, bác sĩ đa số mua thuốc Việt Nam nhưng bóc tem dán mác bao bì để “lên đời” bán cho người bệnh với giá thuốc ngoại mà người bệnh không biết, trong khi luật cấm bác sĩ được bán thuốc trong phòng mạch. Nguyên nhân này một phần cũng xuất phát từ lối suy nghĩ chuộng hàng ngoại của bệnh nhân. Lực lượng thanh tra còn mỏng mà vấn đề này lại thuộc về y đức, ý thức của người dân. Đôi khi chuyện quản lý về giá thuốc không thể làm một sớm một chiều được, vì lực lượng quản lý rất hạn chế, số lượng nhà thuốc cần quản lý rất lớn lên tới 3577 nhà thuốc, trong khi các tỉnh chỉ có mấy chục nhà thuốc”.

Vậy, câu chuyện thuốc bị “làm giá”, hàng nội – hàng ngoại lẫn lộn, chất lượng thuốc không rõ ràng thì người bệnh chỉ biết còn trông chờ vào y đức y bác sĩ và vào chính ý thức “yêu hàng Việt” của chính người mua thuốc thì mới có thể giải quyết tận gốc vấn nạn này.
            
Điền Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm