Xúc động với “Những lá thư từ Trường Sa”

23/10/2012 16:00 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong “Ngày hội sinh viên với biển đảo quê hương” tổ chức tại Hà Nội ngày 21/10, nhiều bạn trẻ đã rất xúc động trước những bức ảnh sống động cùng những dòng tâm sự chân tình của chiến sĩ và nhân dân Trường Sa gửi tới đất liền, đó là “Những lá thư từ Trường Sa”.

Trước đó, bộ ảnh đặc biệt gồm 21 bức này đã được trao tặng cho Cục Chính trị Hải quân Việt Nam và Báo Hải quân, Bảo tàng Hải quân vào ngày 11/10.

Tâm sự đảo xa

Ảnh được chọn sau chuyến đi thực tế tại Trường Sa, phần tiếp theo của dự án chụp ảnh và triển lãm ảnh “Trường Sa - Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế!” do nhóm phóng viên và nhiếp ảnh gia thực hiện với sự bảo trợ của Thông tấn xã Việt Nam và Quân chủng Hải quân.

“Những lá thư từ Trường Sa” không chỉ là lời thư tâm tình của những người lính ngày đêm giữ đảo mà còn của trẻ em, của người dân và cả những người tu hành trên quần đảo Trường Sa.



Một lá thư từ Trường Sa của chiến sĩ đảo Cô Lin viết trên ảnh nền của Đoàn Bắc

Em Hiền - một học sinh lớp 5 ở đảo Sinh Tồn gửi lời cảm ơn tới các bạn nơi đất liền đã chia sẻ tới đảo xa những cuốn vở, sách giáo khoa, truyện, cùng đồ dùng học tập... Hiền bày tỏ mong muốn được gặp gỡ các bạn ở đất liền để cùng vẽ và vui chơi. Hiền cũng mời các bạn có dịp đến thăm trường của em ở đảo Sinh Tồn, nơi có những bãi biển trải dài, bãi cát trắng và những hàng cây xanh mát.

Sư trụ trì ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn - Đại đức Thích Đức Hỷ viết: “Khi xem những bức ảnh của quê nhà, tôi rất vui mừng và hạnh phúc vì hậu phương rất quan tâm đến những người nơi đầu sóng ngọn gió. Đây cũng là động lực để chúng tôi có thêm sức mạnh bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc”.

Lời khẳng định của người lính đảo

Kiến trúc sư - nhà sưu tầm ảnh Đoàn Bắc cho biết: Anh đã ấp ủ ý tưởng về những bức ảnh từ đất liền gửi ra và từ đảo xa gửi về kèm theo những lá thư. Thật may mắn cho anh và các cộng sự, ý tưởng này đã thành hiện thực khi anh và các đồng nghiệp được tham gia đoàn ra Trường Sa vào tháng 5/2012. Đảo chìm Đá Nam là nơi đầu tiên KTS Đoàn Bắc và các cộng sự đặt chân lên dải đất Trường Sa. Điểm cuối cùng trên tuyến hành trình mà cuốn sổ ghi lại những dòng lưu bút là nhà giàn Tư Chính DK1/14 trong một ngày biển đầy sóng dữ.

Đoàn Bắc tâm sự: "Khi đoàn dừng chân ở đảo chìm Đá Tây C, Thượng úy Hoàng Văn Sinh (Chính trị viên đảo) rất bối rối, mãi không viết nổi được dòng nào vì xúc động. Cả đoàn cứ giục tôi khẩn trương trở về tàu cho kịp giờ hành quân nhưng tôi cứ nấn ná chờ. Cuối cùng, anh Sinh cũng kịp chạy xuống xuồng trao cho tôi cuốn sổ và còn dúi vào tay tôi 1 gói nilon nhỏ. Đến khi về tàu, tôi mở ra xem thì ra đó chính là lá quốc kỳ chủ quyền từng tung bay giữa nắng gió biển Đông trên nóc đảo Đá Tây C cho đến khi bạc màu và sờn mép".

Mở cuốn sổ ghi chép, những dòng chữ của người Chính trị viên đảo chìm không phải những câu văn thông thường mà là một đoạn trích trong bài thơ Sao Chiến thắng của Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”. Đó chính là lời khẳng định đanh thép quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Hồng Kỳ - Thanh Giang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm