Dân "đi ngủ phải đeo khẩu trang"

11/10/2012 11:11 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Gần 1 năm nay, người dân thôn 7A xã Điện Nam Đông (Điện Bàn, Quảng Nam) liên tục kiến nghị việc nhà máy thép Việt - Pháp (Cụm CN Thương Tín, Điện Nam Đông) gây ô nhiễm môi trường. Nghịch lý là theo kết quả quan trắc về môi trường thì hầu như nhà máy thép đã đạt tiêu chuẩn.

Vấn đề bức xúc kéo dài, ngày 10/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp đưa ra giải pháp xử lý triệt để.

Người dân bức xúc

Con đường dẫn vào nhà máy thép hàng ngày nhộn nhịp công nhân nhưng giờ vắng tanh, bị chắn bởi cành cây, đất đá. Dưới cái nắng chang chang, gần chục người chen chúc trong tấm bạt mỏng căng bên góc đường, đa số là người già, phụ nữ. Họ đã "cố thủ" ở cạnh nhà máy thép Việt - Pháp hơn 1 tuần nay.



Người dân phản đối nhà máy thép ảnh

Bà Lê Thị Thắng (77 tuổi) kể: “Cứ khoảng 8h tối, khi nhà máy "chạy", khói ùa vào nhà mịt mù, không chạy đi đâu được”. Nghề chính của người dân Điện Nam Đông là làm nông, nhưng gần đây, họ thay phiên nhau ra trực ở gần nhà máy để "ngăn" công nhân đi làm.

Anh Trần Văn Cường bức xúc: “Nhà máy nhả khói như sương mù, khét không thể nào chịu được. Khói nhiều quá, tôi phải đưa con nhỏ về gửi nhà bà ngoại, chuyện sinh hoạt, học hành của các cháu đảo lộn hết”.

Theo sự phản ánh của người dân thôn 7A, từ 8h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, khi nhà máy hoạt động, gây ra khói mù mịt và khét lẹt, kèm theo những tiếng động lớn. Hoa màu mỗi nhà chỉ có vài sào mà cũng không lên nổi vì trong khói có chất gì đó màu trắng lạnh lạnh bám lên lá cây.

Về việc này, bà Trần Thị Hanh (71 tuổi) phản ảnh: “Ban ngày, tụi nhỏ đi làm, đi học đã mệt, về nhà chỉ mong nghỉ ngơi nhưng không được. Đi ngủ mà như tra tấn, phải bịt khẩu trang. Nhiều đêm tiếng động mạnh từ nhà máy thép làm tôi ngỡ bom Mỹ những năm chiến tranh, trẻ con cứ giật mình thon thót…”.

Doanh nghiệp cũng khốn đốn

Nhà máy thép Việt - Pháp bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2011 với vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Nhà máy phải có thời gian hoạt động thử 3 tháng.

Bà Võ Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt - Pháp cho biết: “Mấy tháng nay, chúng tôi đã thiệt hại rất nặng nề. Các hợp đồng cũ thì ngưng trệ vì nhà máy không hoạt động được, hợp đồng mới thì không thể ký. Cả mấy trăm tỷ đổ vào, nếu cứ tình trạng này diễn ra thì hàng nghìn công nhân sẽ phải thất nghiệp".

Đề cập về việc dân khiếu kiện tình trạng ô nhiễm, bà Hạnh cho biết khi có văn bản của tỉnh gửi về, nhà máy đã cố gắng khắc phục đến mức có thể. Và theo kết luận của Sở TN&MT, nhà máy của bà hoàn toàn có đủ điều kiện tiếp tục sản xuất.

“Phải có trách nhiệm với dân và doanh nghiệp”

Sau 5 lần tổ chức đối thoại với người dân nhưng không có nhiều chuyển biến, sáng ngày 10/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp giữa các ban ngành nhằm đưa ra giải pháp kịp thời xử lý và khắc phục hậu quả.



Nhà máy thép Việt - Pháp

Tại cuộc họp, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn đề cập tới nhiều vấn đề. Về phía doanh nghiệp, ông cho rằng: “Ngay từ đầu, nhà máy đã sai phạm là trong thời gian hoạt động thử vẫn ký kết hợp đồng kinh doanh. Theo đánh giá của cơ quan môi trường, hàm lượng kẽm và lưu lượng khí thải vượt quá mức cho phép (0,1%), tự ý thay đổi từ công nghệ lọc bụi qua túi sang công nghệ phun sương,…Về phía người dân, ông khẳng định dân hành động lập rào chắn, đập phá máy móc nhà máy thép là hoàn toàn sai quy định pháp luật nhưng tất cả đều có nguyên nhân. Phía chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm về việc này vì còn quá lúng túng trong việc xử lý hành chính, khi giải quyết lại không triệt để khiến dân bức xúc. Ông nói: “Việc di dời dân hay nhà máy đều là bài toán khó nhưng nếu để tình trạng như vậy kéo dài thì tuyệt đối không được”.

Ông Dương Chí Công - Giám đốc Sở TN-MT đưa ra ý kiến: “Hiện, doanh nghiệp đã trình công nghệ xử lý mới là công nghệ phun sương nhưng chính tôi cũng lúng túng không biết công nghệ cũ và công nghệ mới cái nào tốt hơn. Tôi đề nghị tỉnh lập một hội đồng thẩm định xem công nghệ nào đạt để phê duyệt cho doanh nghiệp thực hiện”.

Bên cạnh đó, đại diện Công an tỉnh khẳng định: “Hành động của người đân hoàn toàn không do ai xúi bẩy, cũng không có thế lực thù địch nào chống phá. Vấn đề là phải giải quyết ô nhiễm môi trường thì sẽ yên dân”.

Tổng kết cuộc họp, ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định mong muốn "doanh nghiệp và dân cùng bắt tay nhau hợp tác", không muốn ai phải di dời cả: "Thực tế, trong thời gian hoạt động thử mà nhà máy vẫn ký kết hợp đồng kinh doanh là bình thường vì dù hoạt động thử, nhà máy vẫn tạo ra sản phẩm. Tiếp tục tạm dừng sản xuất đến khi nhà máy hoàn thành báo cáo tác động môi trường và có xác nhận của cơ quan môi trường là đã đạt tiêu chuẩn. Phải thành lập một hội đồng thẩm định về công nghệ xử lý tác động môi trường và giám sát kết quả”. Ông đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta phải có trách nhiệm với cả dân và doanh nghiệp”.

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm