27/09/2012 14:59 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ chết đuối thương tâm, và mỗi năm nước ta có 4.500 trẻ em bị chết vì đuối nước. Một trong nhưng nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng được cho việc dạy và học bơi cho trẻ em.
Trước nỗi nhức nhối này, TS Phạm Anh Tuấn đã xây dựng một cách phòng chống đuối nước mới, đó là "bơi tự cứu", mà người học bơi có thể không cần đến các bể bơi.
"Chuông cảnh tỉnh, gióng đến bao giờ?"
"Cứ sau mỗi thảm họa đuối nước, dư luận lại "gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh" và kêu gọi đưa bơi lội vào trường học, song đâu lại vào đấy. Không biết trách ai bởi hiện tại các trường không thể đủ khả năng để đưa bơi lội vào chương trình đào tạo, vì không có hoặc không đủ bể bơi, không có đủ giáo viên" - TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Theo khảo sát của ông, một số trường học có bể bơi ở Việt Nam đều xây thoải theo kiểu một đầu sâu 1 mét, một đầu sâu 2 mét. Đó là bể bơi đa năng dành cho cả người lớn và trẻ em, cho cả người đã biết bơi và mới tập bơi. Nếu chỉ xây những bể chuyên để dạy bơi sẽ giảm được cả diện tích, khối lượng nước. Qua đó, tiết kiệm nhiều kinh phí thi công, vận hành mà bể bơi vẫn đảm bảo được chất lượng dạy và học.
Nhân lực để dạy bơi trong nhà trường cũng là một bài toán hóc búa với ngành giáo dục. Nhiều trường vài trăm học sinh mới có 1, 2 giáo viên thể chất, chỉ trông học sinh chơi ngoài sân đã đủ mệt, chưa nói đến chuyện dạy bơi, phòng chống đuối nước.
TS Phạm Anh Tuấn (đứng) với lớp dạy bơi cho trẻ trên cạn |
Học bơi không cần bể
Trong cách dạy bơi lội hiện nay, buộc phải có bể bơi và đội ngũ giáo viên đông đảo, điều này phải đợi rất nhiều năm nữa, các trường học mới có thể đáp ứng được. Trong khi đó theo số liệu Bộ LĐTB&XH công bố mới đây, mỗi năm có khoảng 4.500 trẻ em tử vong do đuối nước. Điều này, theo TS Phạm Anh Tuấn, nó buộc chúng ta phải "nghĩ khác đi" và "hành động mau lên". Và ông có sáng kiến phòng chống đuối nước khi không phải xuống nước và không nhất thiết phải biết bơi với cách "bơi tự cứu".
"Bơi tự cứu" là một phương pháp giúp người luyện tập có thể nổi khi rơi xuống nước chỉ bằng cách điều hòa nhịp thở và di chuyển cơ thể đúng cách. Phương pháp trải qua 4 bước cơ bản: Đầu tiên, khi chìm xuống nước, phải nhắm mắt, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, và nó sẽ phồng ra thành "phao cứu sinh" đẩy người nổi lên. Rồi người học bình tĩnh thả lỏng người để nước đẩy lên vào tư thế "bập bênh bán an toàn", để đầu nhấp nhô trên mặt nước. Kế đó, tận dụng việc trong nước người nhẹ, người học đẩy đầu nhô hẳn lên mặt nước để thở, cứ như vậy, "bơi tự cứu" gồm hít thở và thả nổi.
4 bước bơi tự cứu (minh họa: Vũ Minh Chinh) |
Theo ông Tuấn, đây không hẳn là bơi, nhưng với cách này, một người có thể tồn tại dưới nước khá lâu để chờ người đến cứu hoặc lợi dụng dòng chảy để về nơi nông hơn. Các bước trên, mọi người đều có thể luyện tập dần dần trên cạn được. Điều đó không đòi hỏi hạ tầng bể bơi và đội ngũ giáo viên đông đảo nên có thể áp dụng trên diện rộng được.
TS Phạm Anh Tuấn tư vấn: "Với người không biết bơi, khi bị ngã xuống nước, tuyệt đối không được hoảng loạn. Vì càng vẫy vùng nhiều, càng tiêu tốn năng lượng và đốt cháy nhiều oxi, nitơ. Điều này khiến người bị nạn phải hít vào nhiều, có thể sặc nước rồi dẫn đến mất kiểm soát. Nếu tập luyện kỹ càng phương pháp hít thở của "bơi tự cứu" cũng như trang bị sẵn kiến thức để bình tĩnh trước biến cố, các em học sinh sẽ làm chủ được tình huống.
Việc học "bơi" mà không cần bể này không thể hiệu quả bằng phương pháp bơi truyền thống, song thiết nghĩ, trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng được thì "bơi tự cứu" vẫn là một cái "phao" tốt cho việc giáo dục phòng chống đuối nước cho các trẻ em, học sinh, sinh viên.
Ông Đặng Ngọc Phương, nguyên giảng viên bộ môn bơi Trường ĐH Thể dục Thể thao Từ Sơn: "Cách "bơi tự cứu" này phải tập nhiều, mất nhiều thời gian hơn và hiệu quả cũng không thể bằng bơi truyền thống. Nhưng với điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay, việc áp dụng mô hình "bơi tự cứu" vào các trường học là rất tốt. Dù không thể bằng bơi theo cách truyền thống nhưng việc dạy các cháu những bài cơ bản để gặp tình huống nguy hiểm có thể tỉnh táo xử lý nhằm tránh được rất nhiều tai nạn dưới nước không đáng có". |
Phạm Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất