Nhiều tác phẩm chưa hiểu về đồng tính

11/08/2012 10:10 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Gần đây, trên các diễn đàn cũng như trong xã hội đang có những thay đổi lớn trong cách nhìn về người đồng tính. Như TT&VH đã phản ánh, cách đây ít lâu, Bộ Tư pháp đã chính thức đưa vấn đề hôn nhân đồng tính ra thảo luận.

Đây là một bước chuyển lớn, và nếu điều này được thông qua vào cuối năm 2013, chúng ta sẽ là quốc gia châu Á đầu tiên chấp nhận hình thức hôn nhân không truyền thống này. Gần đây nhất, trong 3 ngày đầu tháng 8, lần đầu tiên một ngày hội đồng tính của người Việt đã được tổ chức tại Hà Nội.

Một trong những đơn vị góp phần không nhỏ tạo lên sự đổi thay đó là Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE). Để cung cấp cho độc giả có cái nhìn tổng quát hơn về quá trình này cũng như những nhận thức về người đồng tính, TT&VH có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE)

Thạc sĩ Lê Quang Bình (trái) trong buổi trò chuyện

Kỳ thị do lạ lẫm

* Thưa anh, đối tượng chủ yếu mà iSEE quan tâm là hai nhóm thiểu số trong xã hội, đó là các dân tộc thiểu số và người đồng tính, song tính. Đây là hai nhóm người dễ bị tổn thương. Đặt trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, anh thấy người đồng tính, song tính đang phải chịu những áp lực như thế nào?

- Thực ra văn hóa của Việt Nam cũng như những nước Á Đông khác rất coi trọng khuôn mẫu gia đình. Bất cứ một người con gái, con trai nào lớn lên đều cưới chồng/ vợ và có con. Ngoài cái khuôn mẫu ấy ra, thì mọi người thường không chấp nhận một khuôn mẫu nào khác.

Trong bối cảnh của Việt Nam, chúng tôi thấy sự không chấp nhận của gia đình là rào cản lớn nhất đối với người đồng tính. Họ luôn bị sự phản ứng mạnh mẽ từ gia đình của chính mình.

* Gần đây có một số đám cưới của người đồng tính tạo dư luận trái chiều. Anh nghĩ sao?

- Tôi rất hiểu việc này vì đám cưới đồng tính là mới với nhiều người. Tất cả mọi người sinh ra trong gia đình "dị tính" có một bố và một mẹ, hầu như không có giáo dục về tình dục đồng giới. Nên khi thấy hai người con trai hay gái cưới nhau ắt sẽ thấy lạ lẫm. Và khi đó mọi người sẽ có những phản ứng rất khác nhau.

"Văn học nghệ thuật có vai trò quan trọng"

* Văn học nghệ thuật trong đó có kịch nghệ đang rất quan tâm đến vấn đề này. Anh thấy là văn học nghệ thuật có vai trò như nào trong việc truyền thông thay đổi nhận thức của cộng đồng?

Hình ảnh người đồng tính trong vở kịch hình thể Được là chính mình

- Văn học nghệ thuật có vai trò quan trọng. Khi chúng tôi làm việc với Nhà hát Tuổi trẻ, với đạo diễn Bùi Như Lai để xây dựng vở Được là chính mình. Thực ra, kịch bản Được là chính mình được xây dựng trên một nghiên cứu của iSEE làm trước đây. Đó là Câu chuyện của 40 người nữ yêu nữ trong đó những người nữ yêu nữ kể những câu chuyện cuộc sống, tình yêu và hoàn cảnh của họ.

Tôi thấy đây là kịch bản rất hay. Nó thể hiện được rất rõ tâm lý của người đồng tính. Người đồng tính phải hỏi "Tôi là ai?", bởi khi phải trưởng thành, bắt đầu có tình yêu, thay vì yêu một người khác giới như những người "dị tính", thì họ lại yêu một người cùng giới (đồng tính). Và việc đấy như một điều rất mới lạ, khác thường. Vì không ai giáo dục cho người trẻ về việc có người đồng tính, song tính và dị tính. Và trong vở kịch đã thể hiện rất tốt sự ngỡ ngàng, dằn vặt, lo lắng về việc yêu người cùng giới.

Con người ai cũng có một cuộc sống, cũng như bất kỳ một người con trai, con gái nào, tất cả mọi người muốn có tình yêu và muốn tìm được một nửa của mình. Nhưng với những rào cản như thế, việc tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc với người đồng tính gặp biết bao khó khăn. Ở Việt Nam, luật hôn nhân và gia đình cấm kết hôn với người đồng giới. Rất may, hiện nay Bộ Tư pháp đang xem xét chỉnh sửa điều đó.

Nhiều người dị tính còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một nửa của mình thì những người đồng tính còn khó khăn hơn gấp bội. Vì họ đã ít, lại gặp nhiều rào cản. Và vở Được là chính mình của đạo diễn Bùi Như Lai đã nói lên được điều đó. Hơn thế nó còn gây được cảm xúc rất mạnh. Mọi người sẽ thấy được những sự bất công với người đồng tính cũng như khát vọng yêu thương của họ.

Tôi nhớ hôm công diễn vở Được là chính mình có nhiều người chia sẻ, trong đó có chị Tạ Bích Loan. Chị Loan nói đại ý rằng, đúng là con người ai cũng mong muốn sống được là chính mình. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng rất ủng hộ. Ông cũng là người công khai ủng hộ hôn nhân đồng giới. Khi những người nổi tiếng công khai ủng hộ như vậy, mọi người dần sẽ hiểu ra và ủng hộ nhiều hơn.


Talkshow Radar Văn hóa do báo TT&VH và Truyền hình Thông tấn phối hợp thực hiện, phát sóng vào 18h30 thứ Sáu hàng tuần trên Vnews. Phiên bản online xem tại địa chỉ www.thethaovanhoa.vn.

* Song cũng có những ý kiến cho rằng, nhiều người đang lấy chất liệu đồng tính để sáng tạo nghệ thuật như một cách câu khách. Anh nghĩ sao?

- Thực ra, tôi nghĩ khi những người làm nghệ thuật hiểu và chấp nhận sứ mệnh xã hội của mình, họ sẽ có trách nhiệm hơn khi truyền tải cảm xúc và thông tin cho xã hội. Họ phải làm sao để xã hội có cái nhìn nhân văn hơn, đúng hơn và đều hướng tới một xã hội công bằng hơn. Đó là điều rất quan trọng.

Nhưng tôi cũng đồng ý rằng nhiều tác phẩm đang khai thác khía cạnh tiêu cực của đồng tính. Thực ra khi khai thác như vậy, tôi cảm tưởng người ta không hiểu về đồng tính. Nên người ta hay xây dựng nhân vật theo khuôn mẫu giới: Đồng tính nam thì lả lướt, đồng tính nữ thì mạnh mẽ, nam tính. Song thực ra không phải vậy. Đồng tính hay dị tính là xu hướng tình dục. Xu hướng tình dục đó nằm ở bên trong trái tim của ta, chỉ bản thân ta mới biết. Người đàn ông đồng tính cũng như những người đàn ông bình thường, chỉ khác người đàn ông dị tính là thay vì yêu người khác giới, lại nảy sinh tình yêu với người cùng giới với mình. Họ vẫn mạnh mẽ, vẫn đàn ông như ai.

Khi điện ảnh thể hiện hình ảnh đồng tính theo hướng nam - lả lướt, nữ - mạnh mẽ, tôi nghĩ mục đích của người ta chỉ là gây cười. Song chính điều đó lại đang khoét sâu vào sự kỳ thị với người đồng tính. Thậm chí cung cấp những cái nhìn tiêu cực về người đồng tính. Và nếu người ta biết rằng nhiều người đang lãnh hậu quả vì những cái nhìn như thế, thì họ sẽ làm có trách nhiệm hơn. Và tôi nghĩ các cơ quan quản lý cũng cần vào cuộc để ngăn chặn những cái nhìn sai lệch về đồng tính, gây kỳ thị trong xã hội.

* Nhưng những thành kiến về đồng tính đã ăn sâu, bám rễ ở trong lòng cộng đồng, rất khó thay đổi. Anh có nghĩ yếu tố đó còn gây nhiều khó khăn nữa dù sau này hiểu biết về vấn đề đồng tính của họ đã đầy đủ hơn?

- Thực ra không phải riêng Việt Nam, bất cứ một nước nào khác, bất cứ một sự thay đổi nào liên quan đến gia đình đều là khó khăn. Đặc biệt là những nước Á Đông thì càng khó.

Tôi nhìn khá lạc quan vì gần đây người Việt mình cũng đang có những sự thay đổi rất tích cực và nhanh chóng, nhất là từ khi có sự bùng nổ của Internet. Từ một khái niệm gia đình mẫu 1 người đàn ông, 1 người phụ nữ và hai đứa con sang mẫu gia đình 2 người đàn ông hoặc 2 người phụ nữ…, tôi nghĩ chắc là sẽ rất khó khăn, song nó có cơ hội tồn tại ở Việt Nam.

* Vâng, cám ơn anh!

Yên Khương - Phạm Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm