Nơi chiến tranh chưa kết thúc

27/07/2012 08:45 GMT+7 | Thế giới

Đó là nơi nỗi đau của chiến tranh vẫn còn nằm lại, những người lính không thể trở lại với cuộc sống thường nhật bên gia đình vợ con, họ bị rối loạn tâm thần...

Cách Quốc lộ 1A chừng 10 cây số, Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng, Hà Nam là nơi ở và điều trị của hơn 100 thương-bệnh binh. Đặc biệt trong số đó là hơn 40 thương binh nặng bị loạn thần sau chấn thương do chiến tranh.

Nằm tận cùng trong khu điều dưỡng là khoa Kích động, để vào trong chỉ có một đường duy nhất luôn trong tình trạng “cửa đóng- then cài”. Ở nơi đó có 40 con người, 40 số phận sau cuộc chiến. Họ thậm chí còn không nói được, không nhớ mình là ai và không biết tại sao mình lại ở nơi này.

Họ được sống trong một điều kiện rất tốt, được sự chăm sóc tận tình của cán bộ, nhân viên trong trung tâm, sự quan tâm, tri ân của xã hội nhưng đối với họ, chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Hằn sâu trong tâm trí họ là những năm tháng chiến đấu ác liệt. Trong lúc trái gió-trở trời, ký ức chiến tranh lại hiện về, góc phòng, khoảnh sân nhỏ của trung tâm trở thành chiến trường... Ở một mặt trận khác, những người thương binh này phải tiếp tục đấu tranh với chính mình, đấu tranh với bệnh tật.

Những hình ảnh dưới đây ghi lại một phần cuộc sống của họ, giúp độc giả có thể hiểu thêm về sự đau thương, mất mát của những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.



Đằng sau cánh cổng sắt này là nơi ở của 40 bệnh nhân đều là những thương binh hạng 1/4. Đa phần họ bị loạn thần sau chấn thương do chiến tranh. Nơi đây chỉ có một cửa vào luôn trong tình trạng được khép kín để đề phòng bệnh nhân trốn ra ngoài.



Nhiều người trong số họ chẳng thế nhớ nổi mình là ai, tại sao mình lại sống tại đây.



Người thương binh này đã suốt 20 năm nay không nói một câu nào.



Cách xem TV của thương binh Nguyễn Đình Thắng, quê Thanh Liêm, Hà Nam. Ông đã đến trung tâm điều trị từ năm 1974.



Còn đây là thương binh Nguyễn Xuân Tái, ông bị tâm thần phân liệt, cứ nhìn thấy nước là tắm, thậm chí còn xé cả quần áo.



Giờ uống thuốc.



Mỗi ngày các thương binh ở đây phải uống thuốc 2 lần. Nhiều người sợ thuốc, họ tìm mọi cách để trốn. Mỗi khi uống xong, các y sỹ buộc phải để người bệnh lè lưỡi ra để kiểm tra họ đã uống thuốc thật hay chưa. Có nhiều người uống cả lít nước nhưng vẫn ngậm thuốc trong mồm.



Người thương binh binh này tên Hải, cứ đến giờ uống thuốc là ông lại giả vờ... ngủ kèm theo tiếng ngáy to.



Vết tích của chiến tranh vẫn còn trên những thân thể thỉnh thoảng lại âm ỉ nhưng trên hết chất lính và tình yêu cuộc sống vẫn bừng cháy. Những khi tỉnh táo, họ cố gắng tập luyện, lao động.



Ông là Trần Văn Trọng, 65 tuổi, từng là đại đội trưởng một đơn vị bộ binh và là người khỏe nhất ở đây. Ông  đã ở trung tâm này 33 năm kể từ khi bị thương ở chiến trường C. Qua câu chuyện, ông kể mình có 3 người con trai và cũng thỉnh thoảng về thăm nhà nhưng chỉ muốn sống ở trung tâm tới lúc về thế giới bên kia.



Điều dưỡng viên Đinh Công Sơn chăm lo từng bữa ăn cho thương binh. Mỗi người trung tâm này được hưởng chế độ ăn 1,8 triệu đồng/tháng. Theo anh Sơn thì tất cả những người làm việc ở đây đều bằng tình thương, sự kính trọng và tri ân đối với những thế hệ anh-cha đã hiến dâng cuộc đời mình cho nền hòa bình của đất nước.



Hiện tại ở đây chỉ còn 1 bác sỹ duy nhất còn lại là 8 y tá và 2 hộ lý để chăm sóc cho 40 thương binh bị loạn thần và gần 100 người khác bị mất một phần cơ thể. Các cán bộ đang làm việc ở đây lo lắng vì không một bác sỹ nào muốn tới công tác tại nơi khó khăn này.

Theo VOV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm