Giữ lấy trái tim VQG Cát Tiên(*)

30/05/2012 14:14 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Chúng tôi tiếp tục chuyến đi thực tế tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Những cảnh rừng nhiệt đới ẩm hiện ra trước mắt với màu xanh tươi đẹp của sự sống và bao quanh là dòng sông Đồng Nai đỏ quạch phù sa…

“Trái tim” của sự sống ấy là vùng đất ngập nước Bàu Sấu, nhưng thật đáng buồn, “trái tim” ấy có nguy cơ bị bóp nghẹt vào một ngày kia.

“Săn” thú đêm

20g, xe “đặc chủng” của Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường của VQG Cát Tiên đưa chúng tôi thâm nhập rừng đêm. Gọi là xe “đặc chủng” nhưng thật ra chỉ là chiếc xe tải, khoang chở hàng được cải tiến thành 30 chiếc ghế sắt, bao quanh là song sắt bảo vệ.

Con đường nhỏ, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe chạy, làn gió mát rượi, trong lành ùa vào mặt chúng tôi.

Một chú nai chạy trốn anh đèn trong chuyến xem thú đêm tại VQG Cát Tiên

Đèn pin rọi vào vạt rừng để tìm kiếm những ánh mắt của muông thú lóe sáng. Bỗng chốc, chiếc xe dừng lại đột ngột, mọi người nhốn nháo, chúng tôi bật dậy, mắt hướng về phía ánh đèn pin sáng rực. “Bầy nai kìa, thấy không?”, mọi người thốt lên và cố giương máy ảnh lên cao mong “bắt” được những hình ảnh có khi cả đời chỉ nhìn thấy một lần.   

Chiếc xe “đặc chủng” lại tiếp tục tiến tới, lần này chúng tôi nhắc nhở nhau phải im lặng để quan sát, vì gây tiếng ồn, các loài thú sẽ hoảng sợ và bỏ chạy  vào rừng sâu. Và chỉ mất mấy phút sau đó, chúng tôi lại phát hiện bầy hươu đang đi kiếm ăn cách con đường mòn hơn 30 mét. Chúng tôi im lặng, rọi đèn vào bầy hươu, chúng cũng ngẩng cao đầu nhìn lại, đôi mắt “bắt đèn” ánh lên màu sáng rực.

Đêm ấy, chúng tôi được “mãn nhãn” khi chứng kiến nhiều loài thú hoang dã như: hươu, nai… đi từng bầy và những loài chim rừng đậu trên nhánh cây cao của bằng lăng, sao, dầu… Nhưng có một thứ khiến chúng tôi tiếc nuối là khó có thể ghi lại được những hình ảnh đó do trời quá tối dù có người cầm trên tay những chiếc máy ảnh thuộc dạng “dã chiến” có giá lên tới vài nghìn đô la. 

Xin đừng giết Bàu Sấu

Xe tiếp tục hành trình trong đêm, đến một khu đất bằng, có tiếng ai đó: “Xin đừng giết Bàu Sấu”. Câu nói bất chợt đó cũng là lời chúng tôi từng nghe từ TS Phạm Hữu Khánh, cán bộ VQG Cát Tiên: “VQG đang còn đứng trước những thách thức gay go, nói thẳng là dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Đến nay vẫn chưa có hồi kết, nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục làm đánh giá tác động môi trường để phản biện. Chúng tôi rất lo ngại, nếu 2 dự án thủy điện này không được làm minh bạch, công khai thì sẽ phá vỡ khu vực Bàu Sấu, vùng ngập nước ở đây”.


Khu Ramsar Bàu Sấu (Ảnh do VQG Cát Tiên cung cấp)

Là người làm công tác nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học và có trên 30 năm gắn bó VQG Cát Tiên, TS Khánh nhấn mạnh Bàu Sấu là “trái tim” của VQG: “Đây là hệ sinh thái mở, nguồn nước từ sông Đồng Nai, qua suối Đắk Lua thông vào đây và cũng là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao nhất. Ngày 4/8/2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận Hệ đất ngập nước Bàu Sấu là vùng đất ngập nước quan trọng thứ 1.499 của thế giới. Bàu Sấu là sinh cảnh tuyệt vời của các loài động thực vật thuỷ sinh, cá nước ngọt, cá sấu, các loài chim nước, các loài thú lớn quần cư ở ven bàu vào mùa khô”.

Nhắc đến chuyện này, ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Phó Giám đốc Trung tâm chẳng ngần ngại nói: “Sau đợt báo chí lên tiếng về vấn đề này, chủ đầu tư đã thuê một đơn vị làm báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Cách đây 2 tuần, nhóm công tác này có đến đây làm việc, ý của họ là tách Bàu Sấu không đưa vào bảng đánh giá tác động môi trường, họ coi như nó không ảnh hưởng. Chúng tôi không đồng ý như thế. Chúng tôi biết, nếu họ đưa Bàu Sấu vào bảng đánh giá tác động môi trường là họ “chết”.

Chúng tôi khẳng định, Bàu Sấu sẽ bị ảnh hưởng từ 2 dự án thủy điện Đông Nai 6, 6A. Bàu Sấu có tầm quan trọng rất lớn, nó liên thông đến sông Đồng Nai, cho nên nó có tác dụng điều phối nguồn nước rất quan trọng. Nếu làm thủy điện, Bàu Sấu sẽ cạn nước và kéo theo đó hàng loạt vấn đề đối với môi trường, sinh thái không thể lường trước”.

TS Khánh chua chát nói thêm: “Ngoài mối nguy thủy điện, VQG cũng đang đứng trước nhiều mối đe dọa. Việc khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai làm thay đổi chế độ thủy văn của hệ đất ngập nước. Việc người dân xâm lấn, phá rừng làm nông nghiệp, làm giảm vùng cư trú của các loài động vậy hoang dã…. Chúng tôi xin nói là VQG Cát Tiên là một tài sản quý cần phải được bảo vệ toàn vẹn, xin đừng giết nó”.

(*) Tiếp theo kỳ 1: “Bệnh viện… giữa rừng” trên TT&VH số vừa qua.

Anh Đức - Thái Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm