Cần xem lại phương pháp giáo dục trong nhà trường

13/05/2012 08:30 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Sáng qua (12/5), nhiều người đã chứng kiến cảnh hàng trăm phụ huynh ào ào đạp đổ cổng sắt, ùa vào sân trường PTCS Thực nghiệm (50 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) để tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp 1 cho con.

Những phụ huynh này đã thức trắng đêm và dầm mình dưới mưa để chờ đợi. Qua sự việc trên, một lần nữa khiến nhiều người phải suy nghĩ về phương pháp giáo dục trong nhà trường hiện nay.


Đội mưa, thức trắng đêm vì con

Cảnh phụ huynh xếp hàng để chờ đợi được mua đơn đăng ký học cho con ở Trường tiểu học Thực Nghiệm (thuộc Viện KHGDVN) ngay từ giữa đêm khuya không phải đến bây giờ mới có. Trước đó nhiều năm, cảnh tượng này vẫn thường xuyên xảy ra mỗi khi trường đăng thông báo tuyển sinh vào lớp 1.

Không chỉ xếp hàng “rồng rắn”, mà cảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí là cãi vã giữa những phụ huynh với nhau cũng xảy ra, tất cả cũng chỉ vì… đơn xin học cho con.


Trước đó mấy ngày, Trường tiểu học Thực nghiệm đã dán thông báo ghi rõ: “Nhà trường không chấp nhận việc xếp hàng trước dưới mọi hình thức”, thậm chí còn giải thích: “Không ghi tên xếp giấy khai sinh trước”, nhưng từ giữa đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12/5, rất nhiều phụ huynh đã có trước cổng trường để chờ đợi mua đơn.

Nhiều phụ huynh cho biết, họ buộc phải đến từ nửa đêm để chờ đợi mua đơn đăng ký cho con vì số lượng đơn dự tuyển mà Trường tiểu học Thực nghiệm phát ra chỉ ở mức hạn chế, trong khi nhu cầu của phụ huynh đăng ký cho con vào học trong trường quá cao nên nếu không đến trước thì sẽ không mua được.

Về lý do lựa chọn cho con vào học ở Trường tiểu học Thực Nghiệm, chị Nguyễn Thu Hương, nhà ở Tôn Thất Tùng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Dù biết là xin cho con học tại trường Thực Nghiệm là trái tuyến nhưng tôi vẫn muốn cho con học ở trường này hơn. Ở đây, cháu có điều kiện học tập và phát triển cân bằng hơn.”

Và cũng với tâm lý trên nên rất nhiều phụ huynh vẫn kiên trì “bám chốt” nơi cổng trường, trên tay cầm sẵn tiền, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu để chờ xin đơn cho con theo số thứ tự, bất chấp cả trời đang mưa nặng hạt.


Nhà trường: Sẽ bổ sung thêm số lượng đơn dự thi

Trao đổi với  PV ngay sau sự cố này, bà Lê Thị Mai Hương – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực Ngiệm cho biết: Ban giám hiệu nhà trường thực sự bất ngờ vì số phụ huynh đến mua đơn quá đông so với dự kiến. Cho đến nay, phía nhà trường vẫn chưa hề công bố lượng hồ sơ bán ra là bao nhiêu. Thông tin số lượng hồ sơ nhà trường bán ra là 200 bộ như lời phụ huynh nói với nhau, thực chất chỉ là tin đồn.

Bà Hương cho biết: “Chúng tôi đã in khoảng 300 đơn dự thi. Trường sẽ họp rút kinh nghiệm và có thể bổ sung thêm hồ sơ, nhưng tất nhiên không thể đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh nếu số lượng vẫn đông như hôm nay”.


Ngoài ra, bà Hương cũng cho biết, năm ngoái trường cũng bán gần 300 hồ sơ, những người xếp hàng từ đêm hôm trước đều mua được đơn. Đến 7 giờ sáng hôm sau, hồ sơ vẫn còn mà người xếp hàng đã hết. Nhiều năm được phụ trách bán đơn dự thi, nhưng chưa thấy năm nào đông như năm nay.

Cũng theo bà Hương, sau sự cố này, nhà trường sẽ bàn cách tốt nhất để tuyển sinh hợp lý và đỡ căng thẳng hơn. Trước mắt, nhà trường sẽ mở cửa và tiếp tục bán đơn dự thi vào sáng nay (13/5).


Cần xem lại phương pháp giáo dục

Qua sự việc trên, một lần nữa khiến dư luận lo ngại về phương pháp giáo dục trong nhà trường hiện nay. Tại sao các bậc phụ huynh lại cố gắng hết sức để chọn cho con học trường Thực Nghiệm trong khi có rất nhiều trường tiểu học khác ở trên địa bàn thành phố vẫn dư thừa chỉ tiêu? Giữa trường Thực Nghiệm với các trường khác có sự khác biệt gì nhau? Câu trả lời đó chính là về phương pháp giáo dục.

Qua tìm hiểu được biết, Trường Tiểu học Thực Nghiệm là trường liên cấp (THCS và Tiểu học) đầu tiên ở Hà Nội áp dụng phương pháp dạy học hiện đại, lấy học sinh làm trung tâm, tất cả hoạt động đều gắn với lợi ích của học sinh, để các em được học và phát huy tốt các khả năng học tập của mình. Đây là điểm đổi mới về căn bản so với nhiều trường khác của thành phố.


Trả lời báo chí ngay sau khi xảy ra sự việc trên, ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học của Bộ GD&ĐT cho biết, việc phụ huynh đổ xô vào trường Thực nghiệm là vì nhiều lẽ chứ không đơn thuần do trường có phương pháp dạy đặc biệt. Đó có thể là do ngôi trường này đã đào tạo ra nhiều nhân tài trong đó có GS Ngô Bảo Châu.

Tuy nhiên, ông Thành vẫn thừa nhận, mô hình đào tạo thực nghiệm đã được áp dụng ở Việt Nam hơn 30 năm nay và đã thành công. Mô hình này được Bộ GD&ĐT thông báo ứng dụng và nhân rộng trên cả nước. Hiện đã có 16 tỉnh / thành với hàng chục trường đang dạy theo mô hình này. Sở GD&ĐT Hà Nội chưa đăng ký nên Bộ GD&ĐT không thể ép buộc.


Có một thực tế đang diễn ra trong các nhà trường hiện nay (không riêng gì bậc tiểu học, mà ngay cả THCS, THPT, ĐH, CĐ) là phương pháp dạy học quá nặng về lý thuyết mà coi nhẹ phần thực hành. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của học sinh, điều thấy rõ nhất là sự phát triển không đồng đều. Nhất là khi ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế, không ít học sinh, sinh viên đã tỏ ra bối rối vì có một “độ chênh” nhất định.

Nhiều chuyên gia về giáo dục đều có chung nhận định: Phương pháp dạy và học ở các cấp học của nước ta còn lạc hậu, mô hình tổ chức giáo dục, đào tạo vẫn rập khuôn theo kiểu hàn lâm, phần lớn tập trung vào việc truyền đạt thật nhiều kiến thức, nhưng ít có điều kiện thực hành ứng dụng, và ít có thời gian để người học độc lập suy nghĩ sáng tạo. Cách học này có nguồn gốc vì trước đây ở Việt Nam không có điều kiện ứng dụng và thực hành, nên mục tiêu học chỉ để biết, nắm bắt được lý thuyết và kiến thức.

Đào tạo theo kiểu hình ống mà không có sự sàng lọ nên hiện nay giáo dục ở nước ta vẫn chưa quan tâm đến việc làm cho cho học sinh, sinh viên biết cách học, cách làm người, có óc phê phán và sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, không ngại gian khổ hy sinh để có những thành công trong cuộc sống. 


Qua việc phụ huynh đội mưa, thức trắng đêm để chờ mua đơn đăng ký vào lớp 1 cho con ở trường Tiểu học Thực Nghiệm, hẳn Bộ GD&ĐT, các ngành, các cấp, các nhà trường đã biết được phụ huynh học sinh mong mỏi điều gì ở ngành giáo dục và đến lượt mình, ngành giáo dục Việt Nam cần phải làm những gì để đáp ứng lại sự mong mỏi đó.

Và cuối cùng, nói như Herbert Spencer – nhà triết học, lý thuyết xã hội học của Anh thì: “Mục đích cao cả nhất của giáo dục không phải là kiến thức mà là hành động”.

Hoàng Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm