Ghi ở cụm đảo Đá Tây

13/05/2012 08:06 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nằm trong số 12 đảo đá ngầm của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà), cụm đảo Đá Tây cách Vũng Tàu khoảng 600km, cách Nha Trang 500km, cách đảo Trường Sa khoảng 36km về phía Đông Bắc, là một trong những đảo có vị trí quan trọng trong quần đảo.

1. Đảo ngầm Đá Tây dài khoảng 7 hải lý, rộng 4 hải lý, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, ở giữa là một cái hồ độ sâu không đều, nơi neo đậu thuận lợi cho thuyền cá khi biển động. Nhìn bằng mắt thường, Đá Tây gồm 4 đảo nhỏ riêng biệt được ngăn cách bằng các luồng. Ở bãi san hô phía Đông có một doi cát di động theo gió mùa và dòng chảy của biển, hết một năm là tròn một chu kì.



Doi cát này di chuyển không ngừng theo sóng và gió biển

Tại đảo Đá Tây, có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá của Bộ Thuỷ sản, nay là Bộ NN&PTNT. Ở đây còn có cơ sở y tế giúp sơ cứu hoặc điều trị cho những ngư dân gặp nạn, có hệ thống cung cấp nhiên liệu và nước ngọt cho các tàu cá hoạt động xa bờ.

Tại đây, tàu bè của ngư dân được cung cấp nước ngọt miễn phí, nhiên liệu được bán cho ngư dân bằng với giá trên đất liền, giúp bà con tăng thời gian bám biển, tận dụng được thời điểm thuận lợi để khai thác, đánh bắt cá.



Nắng và gió: Biển ở đây chỉ cách vài bước chân

Dự án thí điểm nuôi cá lồng theo công nghệ “đánh chìm” của trung tâm, tại đảo Đá Tây, tỉnh Khánh Hoà đang triển khai chương trình nuôi cá lồng, bước đầu với cá hồng và cá chim trắng, tiếp tới sẽ phát triển nuôi cá bò, hải sâm và bào ngư và thí điểm trồng rong nho. Trong tương lai, đây sẽ là một khu kinh tế nông nghiệp và nghề cá, cung cấp sản phẩm cho huyện đảo, đồng thời là trung tâm trao đổi, mua bán hải sản.

2. Đến cụm đảo Đá Tây, giữa mênh mông trời biển, chúng tôi cảm nhận được từng tấc chỗ đứng trên biển này thiêng liêng và giá trị biết chừng nào. Ngoại trừ đảo có trụ sở của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá, tại các đảo nhỏ, chiến sĩ ta phải trụ vững trên những điểm đảo hẹp, nơi chỉ ra vài bước chân là chạm vào biển.


Chiến sĩ Võ Văn Cương


Chiến sĩ Bùi Văn Thông

Nhưng cái chỗ đứng nhỏ nhoi trên biển đó chính là phần lãnh thổ, là cột mốc, là dấu ấn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà chúng ta đang ngày đêm giữ gìn, bảo vệ.

Tôi đã gặp ở đây những chiến sĩ trẻ măng đến từ mọi miền Tổ quốc đang góp sức xây dựng và bảo vệ biển đảo. Họ đội nắng mưa, lặn lội trong nước biển, nước da sạm màu nắng gió, chằng nề hi sinh, gian khổ.

Tôi cũng đã thấy ở đây - cũng như tại hầu hết các đảo trên quần đảo Trường Sa- cả một biên đội đông đảo các chú khuyển. Như những người bạn đồng hành, chiến sĩ ta chia sẻ phần không gian eo hẹp với các chú khuyển thân thiện, chăm sóc, vui đùa và huấn luyện chúng. Họ yêu những chú khuyển đó đến mức lấy tên người yêu, tên các ca sĩ và cầu thủ yêu thích để đặt tên cho chúng. Đổi lại, các chú khuyển cũng luôn quấn quýt bên các chiến sĩ khi nắng gắt cũng như mưa giông, cả khi nghỉ ngơi hay những khi trực đêm canh biển.


Chú khuyển ở đảo Đá Tây đang làm “nhiệm vụ” cảnh giới


Ở đảo các chú khuyển là bạn thân của các chiến sĩ

3. Tôi nghe kể ở đảo Đá Tây, một năm có tới 130 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Từ tháng 7 đến tháng 12 hằng năm bão lớn thường tràn qua đảo. Những khi gió bão, sóng biển táp cả lên nơi đặt bia chủ quyền và phòng nghỉ của chiến sĩ, gây khó khăn cho tàu ra neo đậu làm nhiệm vụ.

Nhưng tất cả vẫn vững vàng. Những người khách từ đất liền ghé lại vài giờ, rồi đi. Ở lại đó Đá Tây với những người bám biển. Ơi Đá Tây, ơi Trường Sa, xin chào những vùng đất, những con người ta gặp một lần nhưng suốt đời sẽ vẫn còn lưu luyến!

Bài và ảnh: Bùi Ngọc Hải

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của Bộ Tư lệnh Hải quân)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm