“Quản” tiền công đức: “Nhạy cảm” cũng phải làm

13/04/2012 14:10 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Một bản Dự thảo Quy chế có liên quan tới việc “quản” tiền công đức - vấn đề được coi là vô cùng nhạy cảm - đã được bàn thảo trong cuộc họp do Bộ VH,TT&DL tổ chức tại Hà Nội vào hôm qua 12/4.

Dự thảo có tên gọi “Quy chế về thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo”. Thực chất, từ cách đây vài năm, sự cần thiết của Quy chế này đã được các cơ quan quản lý nhắc tới khá nhiều, sau hàng loạt bức xúc về những mặt trái của câu chuyện tiền công đức.

Phức tạp khi vượt khỏi "cấp làng"

Gần như toàn bộ đại diện Sở VH,TT&DL các tỉnh phía Bắc đều tham dự cuộc hội thảo. Thông tin được cung cấp cho thấy: Khá nhiều đền chùa, di tích trên cả nước đang có sự không đồng bộ về phân cấp quản lý. Bởi vậy, tùy thuộc vào nơi quản lý (nhà chùa, ban di tích địa phương, các đoàn thể), số tiền công đức cũng được thu- chi theo những hình thức thiếu nhất quán và khá lộn xộn, tùy thuộc “mô hình” thu tiền và số đơn vị quản lý.

Theo khảo sát của Viện Văn hóa Nghệ thuật VN, tại các cộng đồng làng, việc huy động tiền công đức (thường chia theo hộ và vận động thêm) được tiến hành theo cơ chế tự nguyện, tự quản nên khá minh bạch, hiệu quả và không gây xích mích. Ngược lại, sự phức tạp trong việc “quản” tiền công đức thường đến từ các mô hình vượt khỏi cấp làng, nghĩa là các cơ sở thờ tự tư nhân, các di tích có ban quản lý, các lễ hội được tổ chức ở cấp tỉnh, vùng, quốc gia.

Các nhà quản lý văn hóa đang bàn về cách “quản” tiền công đức

Đặc biệt, ngoại trừ một số văn bản của địa phương, hiện tại Bộ VH,TT&DL cùng Bộ Tài chính cũng chưa có một văn bản hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Đó là lí do nhiều địa phương có di tích lớn tỏ ra rất lúng túng trong việc sử dụng nguồn tiền này để trùng tu, tu bổ di tích vì thiếu văn bản hướng dẫn.

Ngược lại, các chủ cơ sở thờ tự lại có nhận thức khá... tự nhiên về trách nhiệm và  nghĩa vụ của người nhận tiền công đức, thậm chí coi việc cơ quan nhà nước “quản” là “can thiệp” vào các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Cũng cần nói thêm, trước khi có dự thảo, một phần lớn các cơ sở tôn giáo cũng không mấy hồ hởi với ý tưởng về quy chế này.

Theo ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban tôn giáo Chính phủ) sự nhạy cảm của vấn đề “tiền công đức” nằm ở việc đây là nguồn thu cơ bản của nhiều di tích hoặc tổ chức tôn giáo. “Thực tế, tiền công đức ngày xưa được coi là tiền “sạch”, đến từ sự thành tâm và kính trọng của khách hành hương. Bản thân, nhà chùa cũng rất nghiêm ngặt và quy củ trong việc sử dụng khoản tiền này và không bao giờ chi vào việc tư ”- ông Dược nói - “Nhưng bây giờ, theo dòng phát triển của xã hội, tiền công đức không hoàn toàn là “sạch” - khi mà có rất nhiều người làm ăn gian dối coi đó là việc buôn thần bán thánh. Cùng với sự phức tạp trong việc quản lý tiền công đức hiện nay, rõ ràng rất cần những văn bản hướng dẫn hợp lý về việc này”.

Công khai, minh bạch số tiền công đức

Bản Dự thảo Quy chế có ghi rõ: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, tài trợ cho cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo” và “Việc đóng góp, tài trợ được xem xét ghi nhận bằng các hình thức thích hợp, được quản lý, sử dụng đúng mục đích”.

Về mặt quản lý tiền công đức, Dự thảo yêu cầu các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng cần có Ban quản lý hoặc Ban quản trị chịu trách nhiệm với nguồn tiền này. Về việc sử dụng, ngoài yêu cầu tuân thủ pháp luật và Luật Di sản văn hóa, Dự thảo cũng đề nghị công khai minh bạch số tiền này theo các hình thức ghi chép cập nhật vào sổ theo dõi, thậm chí khuyến khích việc ghi trên bảng đặt tại nơi dễ quan sát để mọi người cùng được biết.

Một số mô hình quản lý tiền công đức tại địa phương được đánh giá cao tại Hội thảo, trong đó có mô hình tại Đền Hùng (Phú Thọ), Bà Chúa Xứ (An Giang), Yên Tử (Quảng Ninh).

Chẳng hạn, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng có Ban quản lý di tích, có Quỹ tu bổ Đền Hùng, được phép mở tài khoản riêng phục vụ cho tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Di tích lịch sử đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa) giao địa phương quản lý, thực hiện theo quy định tôn tạo, phát huy giá trị. Các di tích khác do UBND xã, phường trực tiếp quản lí, chỉ đạo các BQL di tích thực hiện.

Tại Yên Tử, bên cạnh số tiền giọt dầu được sư trụ trì tại các chùa trực tiếp thu và sử dụng, số tiền công đức (thường là các khoản lớn) được giao cho Ban quản lý khu di tích thu giữ và sử dụng. Hội đồng giám sát của thành phố Uông Bí được thành lập hướng dẫn quản lý số tiền này với nhiều thành phần như Ban quản lý di tích Yên Tử, Công an thành phố, Mặt trận tổ quốc thành phố, tổ trưởng các tổ ghi công đức tại chùa...

Hầu hết đại diện các Sở VH,TT&DL địa phương đều đồng ý về sự cần thiết của Quy chế này. Như lời của thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, Quy chế hoàn toàn chỉ mang mục đích hướng dẫn để việc cung tiến tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được văn minh, lịch sự và khoản tiền công đức được minh bạch hóa, góp phần thu hút các tầng lớp xã hội tham gia đóng góp. Nhưng cũng bởi sự phức tạp của vấn đề, bản dự thảo trên mới chỉ mang tính chất “nghiên cứu ban đầu” và sẽ được đưa ra trong cuộc hội thảo kế tiếp vào 18/4/2012 tại TP. HCM- trước khi tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia để dự kiến hoàn thiện vào cuối năm nay.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm