Nghề tẩm quất cho người đang... toilet!

07/04/2012 13:25 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Thấy khách vừa bước chân vào nhà vệ sinh, một thanh niên liền lấy chiếc khăn lạnh đắp nhanh vào cổ, rồi đôi tay liếng thoắng đấm “bôm bốp” vào lưng khách lúc đang đi vệ sinh. Không ai có thể hình dung nổi đó là công việc hàng ngày để kiếm sống của người đàn ông kia.

Từ 1 năm qua, anh Hiếu, 38 tuổi đã chọn cái nghề mà ít ai hình dung ra nổi để nhận vài chục ngàn tiền “bo” hoặc nhận cái liếc mắt khó chịu từ những vị khách đến vui chơi trong một phòng trà sang trọng giữa lòng Sài Gòn. Anh Hiếu cho rằng, đây là cái nghề “ăn mày” nhưng muốn kiếm được một “chân” đứng trong nghề này cũng đâu phải dễ và số tiền kiếm được cũng không phải là ít.





Anh Hiếu đang “phục vụ” cho khách ngay nhà vệ sinh

Nghề “ăn mày” trong nhà vệ sinh

Theo chân của một vài người bạn, chúng tôi mới có dịp đến một phòng trà ở đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Có thể nói đây là một phòng trà khá sang trọng và ngay cả câu slogan của điểm vui chơi giải trí này cũng đã nói lên điều đó “Điểm hẹn của người thành đạt trong cuộc sống…”.

Bước vào khu vực nhà vệ sinh, chúng tôi gặp anh Hiếu đang cật lực “chăm sóc” cho một vị khách mặt đỏ gay gắt vì rượu trong lúc “trút bầu tâm sự”. Khi thấy chúng tôi bước vào, anh Hiếu quay đầu lại  chào với một nụ cười trông rất thân thiện.

Việc đầu tiên mà anh Hiếu làm là lấy ngay một chiếc khăn lạnh đắp ngay vào cổ, tiếp theo đó là bóp vai, đấm lưng và thậm chí nếu cần thiết anh Hiếu chẳng ngại ngần dùng khăn lau mặt cho khách trong khi đang rửa tay. Sau đó lại dùng khăn giấy khô để lau tay cho khách nếu vị khách đó không muốn từ chối.

Tất nhiên là sự “phục vụ” quá mức chu đáo đã khiến cho vị khách đó bất ngờ. Tuy nhiên sau khi nghe những lời giải thích, gợi ý từ anh Hiếu và nhìn thấy vài tờ tiền trên bàn rửa tay, vị khách đó rút bóp, đưa ngay 20 nghìn đồng cho một “suất” mát xa nhanh mà không thể ngờ tới.

Công việc của Hiếu cứ thế, hết người khách này đến người khách khác bước vào nhà vệ sinh sẽ được “thưởng thức” cảm giác bất ngờ, xen lẫn khó chịu. Anh Hiếu nói chẳng giấu giếm: “10 khách bước vào đây thì 8 người “bo”. Thường thì họ “bo” ít nhất là 10 ngàn, hoặc 20 ngàn, 50 ngàn. Lâu lâu gặp khách “sộp” cho tới 500 ngàn. Bước vào chỗ ăn chơi giải trí sang trọng chẳng nhẽ lại tiếc vài chục lẻ, nhưng cũng có vài người keo kiệt lắm, mình phục vụ cho họ xong rồi chẳng cho mình đồng nào”.

Nói đến chuyện khó chịu của các vị khách khi anh Hiếu tự nhiên đấm bóp mà không xin phép trước, anh Hiếu nói thêm: “Mình mà xin phép trước thì ai mà cho. Mình cứ chào cười thân thiện rồi nhào vô làm đại thôi. Tôi cũng bị mấy lần khách tỏ thái độ khó chịu, thậm chí nhìn “đểu”, chửi mình và không cho làm thì mình sẽ không làm nữa. Thực ra mình phục vụ xong thì họ muốn cho nhiêu thì cho chứ mình không dám xin xỏ, còn cự thì mình im lặng, đâu dám cự cãi lại làm gì cho mếch lòng khách, rồi bị mất việc”.

Cái “giá” để vào nhà vệ sinh

Muốn có “chân” trong nhà vệ sinh ở phòng trà trên đường Mạc Đĩnh Chi, hàng tháng anh Hiếu phải trả cho chủ 4 triệu đồng và kiêm luôn việc dọn dẹp nhà vệ sinh và cả khu vực vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, số tiền mà anh Hiếu kiếm được mỗi đêm lên đến từ 300 - 400 ngàn đồng. Xem ra cái nghề “ăn mày” mà anh Hiếu nói thu nhập không phải là ít.

Hiếu kể: “Mỗi ngày tôi đi làm lúc 4 giờ chiều và chỉ có một mình tôi dọn dẹp vệ sinh trước khi quán đón khách. Sau 12 giờ đêm, tôi quét dọn, lau chùi lại lần nữa trước khi về nhà. Ngoài ra khăn lạnh, nước rửa tay, nước cọ rửa sàn nhà mình phải tự mua hết”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở những quán bar, phòng trà sang trọng thì luôn có nghề phục vụ tại nhà vệ sinh cả nam lẫn nữ. Như quán bar ở đường Sương Nguyệt Ánh, quán bar trên đường Hồ Huấn Nghiệp, quận 1 có đến 10 người làm nghề như anh trong một nhà vệ sinh… Tuy nhiên, theo anh Hiếu, để có thể vào làm nghề này, đâu phải muốn xin vào là được, cũng phải quen biết, giới thiệu.  

“Vợ tôi cũng làm nghề này ở một quán bar trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 nhưng cũng mới nghỉ. Ở nhà vệ sinh nữ ngoài việc mua khăn giấy, khăn lạnh cho khách thì còn phải mua thêm son, phấn trang điểm khi khách có nhu cầu. Thú thiệt, cái nghề này chỉ có đàn ông làm được chứ phụ nữ sao chịu đựng nổi cảnh say xỉn, ói mửa, liếc mắt, khinh thường của các vị khách đến chơi” – anh Hiếu nói.

Hiếu kể, quê anh ở Đồng Nai, anh đã có một cháu nay đã học đến lớp 4 rồi, cháu đang sống với ông bà nội ở quê, rất ngoan và học giỏi. Hai vợ chồng Hiếu đang ở trọ tại quận 7 và vợ Hiếu hiện đang là công nhân may cho một công ty tư nhân.

“Dù cơ cực cỡ nào nhưng cũng ráng kiếm tiền lo cho con học hành, vì con cái là niềm hi vọng của mình mà. Thực ra tôi có nghề cắt tóc nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà mình phải làm cái nghề này mà thôi. Tôi ráng làm lụng tích góp để dành để sau này mở tiệm cắt tóc” - Hiếu tâm sự.

Anh Đức


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm