Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc trồng lại rừng báng cho quê hương vua Lý

23/03/2012 10:34 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Xưa kia làng Báng (Bắc Ninh) có một rừng báng bạt ngàn, nhưng do nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, rừng báng đã biến mất từ hơn 100 năm trước. Các thế hệ người Đình Bảng sau này chỉ còn được nghe những huyền tích về rừng báng, còn cây báng là cây gì, nhìn nó như thế nào thì rất ít ai biết.

Nhưng trung tuần tháng 2 đến đầu tháng 3 vừa qua, gần 300 cây báng đã được trồng lại trên quê hương vua Lý. Người có ý tưởng và nỗ lực trồng lại rừng báng là thiếu tướng, TSKH Nguyễn Quang Bắc, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Ông chính là con trai của nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (Nguyễn Đức Nguyện).

“Tấn công” rừng để tìm báng

Từ ngày bé, mỗi khi về quê ở với ông bà nội, tướng Bắc thường được ông bà kể cho nghe về làng quê mình, kể về việc người dân khai phá rừng báng để lập làng. Trong ký ức của ông, những mô tả về loại cây huyền thoại của làng qua lời kể của các cụ cao niên là một loại cây thân gỗ, tròn, cao 25-30m, lá to như lá bàng, rất đẹp. Trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La (1010) ông có về quê thăm rừng và đã quyết định nếu sau này băng hà sẽ chọn rừng báng là nơi yên nghỉ. Sau này tôn thất nhà Lý như Nguyên Phi Ỷ Lan cũng có lăng mộ ở đây.

Nhưng trải qua thăng trầm của lịch sử, rừng báng biến mất, các bậc cao niên biết cây báng lần lượt quy tiên, các thế hệ kế tiếp không còn ai biết cây báng là cây gì, rừng báng xưa như thế nào. Sau này lớn lên, tướng Bắc đi thiếu sinh quân, rồi đi bộ đội, hành quân qua các làng quê cũng tranh thủ tìm hiểu cây báng là cây gì, nhưng tuyệt nhiên không ai biết.

Tướng Bắc (bìa trái) cùng với Bí thư Huyện ủy Tương Dương (bìa phải) trồng báng
tại đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan (Đình Bảng, Bắc Ninh)

Thế rồi cách đây 6-7 năm, lòng mong mỏi muốn biết về loài cây này lại thôi thúc ông quyết tâm lặn lội đi khắp nơi để tìm kiếm. Ông nhờ bạn bè, chiến hữu “phong tỏa, tấn công” vào các cánh rừng từ Bắc vào Nam nhưng chỉ có một đồng chí của ông ở Cao Bằng tìm thấy. Ông háo hức đến “nhận mặt giống cây huyền thoại của làng” để rồi buồn thiu vì cây báng bạn ông bứng được trong rừng chỉ là cây búng báng, loại cây thân cau, đói lên có thể “chén luôn” được thân của nó và lá thì như lá dừa, không đúng loài cây mà ông cha đã kể lại.

Tháng 8/2011, ông đến thăm trang trại của TS Ngô Kiều Oanh, bạn ông và được mời ăn một loại rau mà theo tiếng Mường Hòa Bình gọi là rau páng (tiếng Việt là báng). Sau đó TS Oanh đưa ông đi xem cây páng trong vườn. Nhìn thấy cây, tướng Bắc chắc mẫm đó chính là cây báng vì nó đúng với những mô tả của các cụ cao niên kể mà ông đã nằm lòng từ thuở bé.

Tuy nhiên, vì vẫn chưa tin trực giác của mình, tướng Bắc mang mẫu trở về, tìm gặp PGS.TS Lê Xuân Cảnh ở Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KHCNVN) nhờ ông phân tích. PGS.TS Lê Xuân Cảnh sau đó đã cùng với tướng Bắc “hành quân” đến tận nơi để nghiên cứu. Cuối cùng, các chuyên gia kết luận, cây páng này có tên khoa học là Ficus callosa, thuộc chi sung, bộ gai, họ dâu tằm và khi xưa mọc rất phổ biến từ rừng núi đến đồng bằng.

Có được kết luận đó, tướng Bắc háo hức đi tìm thì thấy Hòa Bình, Vĩnh Phú, Sơn Tây, Nghệ An, Huế và ở thảo cầm viên TP.HCM cũng có nhưng ở mỗi nơi người dân gội cây báng bằng mỗi loại tên khác nhau như gùa, đa gáo, đa chai, xung báng, báng, páng, co pảng, nùa, xộp, bốp... hoặc mới đây khi đến Đô Lương (Nghệ An), tướng Bắc còn biết thêm một cái tên khác của loài cây này được người dân hay gọi là cây da vôi.

Tướng Nguyễn Quang Bắc quyết tâm trồng lại rừng báng
mong thế hệ sau tri ân các bậc tiền nhân

Kết nối tình cha con vua Lý bằng… rừng báng

Lý do chính khiến tướng Bắc quyết tâm trồng lại rừng báng là để tri ân các bậc tiền nhân của dân tộc mà cụ thể ở đây là các thời vua Lý. “Hơn thế nữa, trong thời buổi đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta cần phải dành lại những không gian sinh thái, vừa là văn hóa lịch sử, tâm linh, vừa là môi trường” - tướng Bắc nói. “Sẽ là tốt biết bao, đẹp biết bao nếu như chúng ta biết phát triển du lịch dựa trên di tích lịch sử gắn với truyền thống quê hương, đất nước”.

Sau nhiều lần tìm kiếm, ngày 12/2 vừa qua, tướng Bắc đã mang về Đình Bảng 60 cây báng và đã trồng ở đền Đô 25 cây, lăng Lý Thái Tổ 23 cây, lăng Lý Thái Tông 8 cây và khu chùa Dận - nơi vua Lý Thái Tổ sinh ra 4 cây. 60 cây báng này chủ yếu được tìm thấy ở các bản người Thái ở Kỳ Sơn (Nghệ An) và gom ở từng nhà ở Sơn Tây.

Đến đầu tháng 3 vừa qua, sau khi biết tin tướng Bắc đang lùng tìm cây báng, trong khi ở Tương Dương loài cây này mọc hoang rất nhiều, các đồng chí ở Huyện ủy, UBND huyện Tương Dương đã vận động bà con dân bản, gom được 185 cây và chở từ Tương Dương về Đình Bảng, chung tay, chung cuốc cùng với tướng Bắc, bà con nhân dân Đình Bảng trồng lại rừng báng.

Ông Lương Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết: “Ở Tương Dương có đền Quả Sơn, thờ 3 anh em là con của vua Lý Thái Tổ trong đó có Lý Nhật Quang, người sau khi nhậm chức đã mở con đường thượng đạo lên miền Tây tỉnh Nghệ An và đã đưa dân ở các vùng miền xuôi rồi tù binh Chiêm Thành lên khai hoang, lập ấp ở vùng Cự Đồn (Tương Dương ngày nay). Trước đây, ở khu đền Quả Sơn cũng có một rừng báng cổ thụ, nhưng cũng giống như Đình Bảng, rừng báng cổ thụ giờ không còn. Tuy nhiên hiện nay, giống cây huyền thoại này vẫn đang được các cán bộ lâm nghiệp huyện Tương Dương nghiên cứu, nhân giống và trồng lại. Chúng tôi gom cây, thân chinh mang tặng người dân Đình Bảng để hy vọng góp một phần công sức gây dựng lại rừng báng ở quê hương vua cha”.

Tướng Bắc xúc động: “Tôi quyết tâm gây dựng lại rừng báng là muốn hướng về cội nguồn. Tôi nghĩ rằng chúng đã từng thắng Pháp, thắng Mỹ, thắng các đế quốc phong kiến thực ra là thắng về văn hóa. Chúng ta muốn xây dựng một đất nước Việt Nam hiện đại, xây dựng một đất nước hùng cường không có cách nào khác là chúng ta phải củng cố, làm sao cho các thế hệ chúng ta đều hiểu được cái cội nguồn văn hóa, sức mạnh văn hóa của dân tộc. Tôi cho rằng ngay trong thời kỳ xây dựng đất nước như hiện nay vấn đề đó lại càng giữ vai trò quan trọng! Tôi tin, không lâu nữa, rừng báng sẽ là rừng cây di sản quý báu của nước mình...”.

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm