28/02/2012 10:46 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Trường Sa, dải đất cực Đông của Tổ quốc nơi quanh năm chỉ có gió mưa và bão tố, lại là nơi nảy sinh những mối tình rất đặc biệt.
Trên chuyến tàu HQ 936 của Hải quân Vùng 4, tôi gặp Đại úy Trần Văn Định đang trên đường ra nhận nhiệm vụ trên đảo Phan Vinh B. Được biết, đây đã là “tăng” thứ 5 (mỗi tăng là một đợt công tác, kéo dài từ 12 đến 24 tháng) anh Định công tác tại quần đảo Trường Sa. Cũng chính vì thế, Định được cánh lính trẻ gọi là “bố già”. Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi tranh thủ khai thác triệt để người lính giàu kinh nghiệm này.
1. Bao nhiêu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu trên đảo chìm, đảo nổi được Định kể lại với giọng rất vui vẻ. Một ngày cuối năm 1997 Định cùng hơn 100 cán bộ chiến sĩ cũ có, mới có rời cầu cảng Cam Ranh trong một buổi chiều giông gió. Do tàu chật chội nên cánh lính tráng sau khi lên tàu thì phải “tùy nghi di tản”. Sàn tàu, lối đi lại, hốc máy, thậm chí… cửa nhà vệ sinh nhanh chóng bị rải chiếu “xí chỗ”. Một số cậu lính kinh nghiệm hơn thì mắc võng ngoài boong tàu.
Lần đầu tiên đi tàu thủy, như hầu hết cánh lính mới, Định say “bết xê lết”. Đã thế do chậm chân Định phải nằm trên sàn boong nên bị nước mưa và sóng biển hắt ướt như chuột lột. Vừa mệt, vừa đói, vừa rét lại không ăn được cơm, Định cứ lả dần. May có một anh bạn đồng hương “tiếp tế” cho hộp sữa, mẩu lương khô… Định mới đủ sức đi tới cuối cuộc hành trình.
Khi vác ba lô lên đảo, tuy đã xác định trước cuộc sống ở đảo chìm sẽ đầy khó khăn vất vả, song Định cũng choáng vì “hòn đảo chỉ như một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến” – hệt như nhà văn Trần Đăng Khoa đã miêu tả. Ngồi trong lều mà sóng vẫn đánh cho ướt sũng. Sau khi đã quây kín tứ bề rồi thì mỗi lần mưa lại phải chuyển chỗ trú. Mấy ngày đầu, cánh lính trẻ như Định cứ đặt lưng lên giường lại khóc vì buồn, vì nhớ nhà.
Tình yêu và hạnh phúc gia đình là chỗ dựa để người lính đảo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Cánh lính đảo trông thế mà cũng lắm anh lãng mạn ra trò - Định mở đầu. Như cậu Tuấn ở đảo Tốc Tan chẳng hạn. Ở đất liền bao nhiêu năm chẳng có “ma” nào nhòm ngó, ấy thế mà vừa ra đảo được vài tháng thì được khối cô tỏ tình. Chả là chàng viết thư đến mấy toà soạn báo, xin được đăng thư kết bạn. Nể lính Trường Sa, tòa soạn nào cũng đăng rõ hoành tráng. Thế là chàng ngập trong thư. Lá nào cũng đầy thương yêu mùi mẫn.
“Kết quả thế nào, bố?”. “À cũng nhiều ngang trái”. Ngang trái thế nào? Từ từ đã. Mặc sự háo hức của đám lính, Định chiêu một ngụm chè, khề khà kể. Nó (Tuấn) cũng đã chấm được một em, hai đứa cũng đã tính chuyện lâu dài. Nhưng khổ nỗi bố mẹ ở quê cũng tìm cho một cô gái khác. Thế là bên tình bên hiếu, chẳng biết xử trí thế nào. Sau rồi phải nhờ đại đội trưởng can thiệp, gọi điện góp ý, thậm chí về cả quê nói mãi các cụ mới đồng ý cho nó đi lại với cô gái kia đấy.
“Còn chuyện gì đặc biệt hơn không, bố?”.
“À, có đấy. Kể ra cho mọi người rút kinh nghiệm. Đã xác định đi Trường Sa là cấm được lên kế hoạch quá chi tiết, định ngày giờ. Vì chỉ cần một cơn áp thấp nhiệt đới, tàu không nhổ neo được thì cứ gọi là ngồi chơi xơi nước. Như cậu Vinh, đảo Núi Le đấy. Bố mẹ chọn cho một cô thôn nữ. Cũng thư đi thư lại một thời gian thì cảm thấy tâm đầu ý hợp. Thế là quyết định cưới.
Cậu xin nghỉ phép, được cấp trên chuẩn y cho hai tuần. Vậy là hớn hở gọi điện thông báo về, định ngày giờ làm cỗ, tổ chức đưa đón dâu. Chẳng ngờ, tàu từ đất liền ra gặp bão phải neo tránh mất một tuần. Thế là đám cưới vẫn cứ diễn ra đầy đủ họ hàng thân tộc, trừ… chú rể!”
2. Kể về những mối tình của người khác rất cụ thể, chi tiết, song khi chúng tôi hỏi về chuyện của mình, đại úy Định bẽn lẽn: “chuyện của mình bình thường thôi, có gì đâu mà kể”.
Đại úy Nguyễn Quang Hiếu hiện công tác tại Ban cơ yếu Lữ Đoàn 146 chia sẻ “Mối tình nào của lính Trường Sa cũng là đặc biệt cả. Bởi vì xa xôi cách trở, chẳng mấy khi được gặp mặt. Nên phải có tình cảm sâu đậm lắm, phải “có duyên có nợ” thì mới về sống chung một nhà được. Trước năm 2007, việc liên lạc từ đảo về đất liền là cả một vấn đề. Cứ 6 tháng một lần mới có thư báo từ đất liền gửi ra và ngược lại. Điều ấy khiến cho những người lính đảo và thân nhân của họ phải chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều khi thư này vừa chúc cha mẹ luôn mạnh khỏe thì thư sau mới biết các cụ đã khuất núi. Rồi thư bị thất lạc, chuyện “được tin em gái mất, trước tin em lấy chồng” không phải là quá hiếm.
Như khơi đúng mạch tâm sự, đại úy Định lúc ấy mới kể. Sau hai “tăng” đi Trường Sa, Định được nghỉ phép gần 2 tháng. Lúc bấy giờ, phần do cha mẹ mong nhanh có cháu bế, phần Định cũng chán cảnh lông bông muốn ổn định cuộc sống để còn yên tâm công tác nên anh nhờ người mối mai kiếm người yêu. Người bác tốt bụng biết chuyện, mới giới thiệu cho một cô giáo viên, dạy cùng trường tiểu học với bác. Thế là chiều chiều Định cứ lân la quanh quẩn khu trường để… xem mặt. Rồi kiếm cớ làm quen, cho tới khi chuẩn bị tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ thì chị Hương (vợ Định) bây giờ mới đồng ý làm bạn gái.
Suốt 18 tháng ròng rã sau đó, Định cứ lúc rỗi rãi lại viết thư, rồi tha thẩn kiếm ốc đẹp để làm quà cho bạn gái. Mãi đến năm 2000, khi Định được nghỉ phép về quê, cả hai mới có thời gian bên nhau nhiều hơn. Rồi một đám cưới tuy nhỏ nhưng vô cùng ấm cúng đã diễn ra.
Lấy nhau được một thời gian, song chị Hương vẫn chưa có tín hiệu mang bầu. Cả hai vợ chồng rất nóng ruột. Định nhiều khi cứ lo, sợ rằng cuộc sống ở đảo thiếu thốn nên đã sinh bệnh tật gì chăng. Song thật may, sau mấy lần đi khám bác sĩ, kết quả hai người đều bình thường. Ít lâu sau, cháu trai đầu lòng ra đời. Rồi tiếp theo là một cháu gái. Xong “nghĩa vụ” với gia đình, Định lại tiếp tục xin đi công tác tại Trường Sa, làm nghĩa vụ với Tổ quốc.
3. “Yêu nhau qua mạng” - hành động lãng mạn, phiêu lưu đó tưởng chừng chỉ diễn ra ở các đô thị lớn. Chẳng ai ngờ có một chàng trai tình nguyện ra công tác tại huyện đảo Trường Sa, đã gặp và yêu một cô sinh viên qua chat. Và mối tình của họ đang đơm hoa kết trái. Họ quyết định sẽ làm đám cưới vào giữa năm nay.
Năm 2008, chàng trai Cao Văn Giáp (sinh năm 1984, quê xã Ninh Sim, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) nghe được thông tin do tỉnh đoàn phát động thanh niên tình nguyện ra công tác tại huyện đảo Trường Sa. Sau một đêm trăn trở suy nghĩ, và được sự đồng ý, động viên của gia đình, Giáp đã đăng ký ra công tác tại xã đảo Sinh Tồn.
Chàng lính đảo Cao Văn Giáp và người yêu Nguyễn Thị Ngọc Anh tại TP.HCM
Xác định tư tưởng ra công tác tại Trường Sa sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng với sức trẻ Giáp không ngại ngần mà đăng ký sẽ phục vụ lâu dài tại đây. Tại đảo Sinh Tồn, Giáp được nhận nhiệm vụ làm Phó chủ tịch UBND xã kiêm… thầy giáo.
Thời gian đầu ra đảo, Giáp - cũng như bao chàng trai trẻ khác - cũng từng khóc vì nhớ nhà. Nhưng công việc ở xã, rồi công việc trên bục giảng dần dà cuốn anh đi. Sau giờ làm việc, Giáp lại xắn tay vào tăng gia sản xuất. Ở đảo, nước ngọt và rau là hai thứ thiếu thốn nhất. Hàng ngày mỗi người chỉ được tiêu chuẩn 3 lít nước để tắm, và nước tắm được dùng lại cho việc trồng rau, chăn nuôi. Rau thì được trồng trong các khay nhựa cho dễ chuyển vào khi thời tiết xấu.
Rồi những khó khăn thiếu thốn về vật chất cũng dần trôi qua, nhưng nỗi nhớ nhà, sự thiếu thốn tình cảm vẫn luôn thường trực. Tuần nào Giáp cũng gọi điện về cho gia đình, tâm sự chuyện buồn chuyện vui để phần nào nguôi đi nỗi nhớ. Một ngày nọ, có cậu chiến sĩ nghịch điện thoại rồi tí toáy cài giúp cho Giáp phần mềm Ola (chat trên điện thoại di động), thế là Giáp cũng tò mò tạo nickname rồi kết bạn.
Cũng không biết có phải duyên trời sắp đặt, mà một buổi tối Giáp bấm vào nickname của Nguyễn Thị Ngọc Anh (lúc đó cô đang là sinh viên ĐH Văn Hiến, TP.HCM) rồi xin làm quen. “Tôi có thể làm quen với cô không?”- Giáp đã mở đầu như thế, theo như lời Ngọc Anh kể lại. “Bình thường em rất ít khi nói chuyện với những người không chào hỏi, tự dưng nhảy bụp vô làm quen. Nhưng hôm ấy thấy kiểu nói chuyện ngồ ngộ của anh ấy nên em tò mò trả lời. Riết rồi trò chuyện tới tận khuya”.
Sau cái hôm đó, những dòng tin nhắn của họ nối tiếp nhau suốt ba năm và họ quyết định sẽ gặp mặt nhau…
Theo địa chỉ Ngọc Anh ghi, Giáp tìm đến đường Lê Đức Thọ, (Quận Gò Vấp). Giáp rất lo lắng, vì sau nhiều năm ở đảo cái nắng gió đã khiến da anh xạm đen, già đi cả chục tuổi. Anh tự hỏi khi thấy mình xấu xí thế này, liệu cô ấy có chê không. Vậy là Giáp đeo khẩu trang và mặc chiếc áo khoác kín cổ. Cô gái bán hàng tỏ vẻ khó chịu khi một người đàn ông đeo khẩu trang bước vào tiệm hỏi mua đôi tất kèm theo câu hỏi: “Em có chịu làm vợ anh không?”. Khi người đàn ông quay đi, lẫn vào đám đông phía trước thì cô chợt thấy có điều gì đó khác lạ và gọi vào số máy của Giáp: “Anh vừa mua tất ở tiệm nhà em đúng không?”.
Nghe tiếng “ừ” từ phía bên kia, Ngọc Anh vỡ òa trong hạnh phúc. Và Giáp trở lại. Họ gặp nhau lần đầu tiên như thế sau ba năm quen nhau và chờ đợi.
“Biết anh Giáp làm việc ở Trường Sa như vậy mình rất khâm phục, khi mà giữa dòng đời xô bồ bon chen này có một người trai vì đất nước xung phong ra đảo như vậy. Mình thường nhắn tin hỏi thăm, nhắc anh giữ gìn sức khỏe và chúc anh làm tốt công việc hằng ngày. Mình cũng đọc được một bài báo viết về anh hiện đang công tác ở đảo Sinh Tồn nên rất tin tưởng”, Ngọc Anh tâm sự.
Đến năm 2013 là hết thời gian tình nguyện công tác tại đảo Sinh Tồn của Giáp, nhưng anh vẫn đăng ký tiếp tục ở lại làm việc trên đảo đến năm 2018. Biết Giáp quyết định như vậy, Ngọc Anh hết sức ủng hộ. Người cô yêu đã lựa chọn theo cách mà không phải chàng trai nào cũng có thể quyết định dũng cảm được như vậy. Giáp tâm sự với cô rằng mỗi người chỉ được sống có một lần nên hãy sống sao cho xứng đáng.
Với Ngọc Anh, sự xa cách sẽ không làm giảm đi tình cảm của cô với Giáp, mà ngược lại. “Càng xa anh, em càng thấy yêu anh” - Cô tin chắc là như vậy.
Ghi chép của Hoa Sơn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất